Dịch thuật: Vì sao hoàng đế các đời tôn Khổng Tử là "Vạn Thế Sư Biểu"



VÌ SAO HOÀNG ĐẾ CÁC ĐỜI
 TÔN KHỔNG TỬ LÀ “VẠN THẾ SƯ BIỂU”

          Thời Xuân Thu, vương quyền của vương triều Chu suy yếu, một số quan viên cảm thấy thiên hạ sắp động loạn, bèn lũ lượt rời bỏ triều đình, có người đến nước chư hầu phục vụ cho chư hầu đó, có người đến với dân gian. Đồng thời, dưới cục diện chư hầu phân tranh, một số quan viên của các nước chư hầu  nhân vì sự suy yếu của nước mình, cũng lần lượt đến với dân gian. Thế là văn hoá xuất hiện sự dời chuyển, văn hóa dân gian hưng khởi.
         Vốn trước thời Xuân Thu, giáo dục bị quan viên lũng đoạn, trong dân gian không có giáo dục. Một số quan viên văn hoá sau khi đến với dân gian, bắt đầu truyền thụ văn hoá và lễ nghi, thế là tư học dân gian hưng khởi. Liễu Hạ Huệ 柳下惠 nước Lỗ, Đặng Tích 邓析 nước Trịnh đều từng thiết lập tư học, truyền thụ tri thức văn hoá. Những người này hoặc sớm hơn Khổng Tử 孔子, hoặc cùng thời với Khổng Tử. Cho nên, Khổng Tử không phải là người lập tư học sớm nhất.
          Khổng Tư khi còn trẻ đã để chí vào giáo dục, thu nhận học trò dạy học. Ông đích thân san định chỉnh lí 6 bộ sách:  Thi kinh 诗经, Thượng thư 尚书, Dịch kinh 易经, Lễ nghi 礼仪, Xuân thu 春秋, Nhạc kinh 乐经, dùng 6 bộ sách này làm giáo trình cho mình, đề xuất quan niệm giáo dục “hữu giáo vô loại” và phương pháp học tập “tri hành hợp nhất”, đồng thời đề xuất nội dung giáo dục “nhân” , “nghĩa” , “lễ” , “trí” , “tín” và mục tiêu bồi dưỡng “quân tử” 君子. Trong lịch sử Trung Quốc lần đầu tiên thiết lập tư học có quy mô và tương đối hệ thống, sử chép về Khổng Tử:
Đệ tử tam thiên, thân thông lục nghệ giả thất thập nhị nhân.
弟子三千, 身通六艺者七十二人
(Học trò của ông có đến 3000 người, riêng tinh thông lục nghệ là 72 người)
          Giáo dục tư học của Khổng Tử bất luận tại đương thời hay tại hậu thế đều phát sinh ảnh hưởng sâu rộng, nhân đó, từ một ý nghĩa nào đó mà nói, Khổng Tử có thể xem là người đầu tiên mở tư học ở Trung Quốc.
          Là một vị giáo dục gia vĩ đại, Khổng Tử nhân vì sự nghiệp giáo dục và tinh thần giáo dục mà ông được hậu thế kính ngưỡng. Niên hiệu Hoàng Sơ 黄初năm thứ 2 nhà Nguỵ, khi Nguỵ Văn Đế 魏文帝 phát chiếu sách phong hậu duệ Khổng Tử, xưng Khổng tử là “Nghi Tái Chi Sư Biểu” 仪载之师表. Niên hiệu Chí Đại 至大nguyên niên triều Nguyên, Vũ Tông 武宗trong chiếu thư khi gia phong Khổng Tử là “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương” 大成至圣文宣王 đã xưng Khổng Tử là “Sư Biểu Vạn Thế” 师表万世. Đến đời Thanh vào năm Khang Hi 康熙 thứ 52, hoàng đế Khang Hi tại điện Đại Thành 大成ở Khổng miếu đã tự tay đề tấm biển “Vạn Thế Sư Biểu” 万世师表.
          Các đế vương hậu thế sở dĩ nhiều lần truy phong Khổng Tử, tôn là “Vạn Thế Sư Biểu”, chủ yếu là nhân vì học thuyết Nho gia trước giờ luôn tôn sùng vương đạo, học thuyết luân lí của Khổng Tử cùng sự đề xướng tư tưởng trung hiếu cũng có lợi cho kẻ thống trị trong việc bảo vệ sự thống trị  cùng sự ổn định xã hội, cho nên đế vương các đời đều có ý thức tôn phụng Khổng Tử. Nhất là hoàng đế của 2 triều Nguyên và Thanh, bởi vì là dân tộc thiểu số thống trị Hán tộc, đặc biệt về phương diện tinh thần cần có được sự nhận đồng của người Hán, nên càng nhiệt tâm thông qua việc tôn phụng Khổng Tử để có được tâm lí nhận đồng của Hán tộc.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 18/9/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post