Dịch thuật: Hoa văn thập nhị chương



HOA VĂN THẬP NHỊ CHƯƠNG

         Theo Chu lễ  周礼, đời Chu khi có tế tự, đế vương cùng bách quan đều mặc miện phục 冕服, trong đó có đại cừu miện 大裘冕, cổn miện 衮冕, tế miện 鷩冕, thuế miện 毳冕, hi miện 希冕 và huyền miện 玄冕, cũng chính là “lục miện” 六冕.
           Miện phục bao gồm miện quan 冕冠, huyền y 玄衣 và Huân thường 纁裳 tổ thành.
          Miện quan là một loại mũ lễ cao quý nhất dành cho đế vương, vua chư hầu, khanh đại phu đội khi tham gia tế tự. Theo quy định, người đội miện quan nào phải mặc loại huyền y và huân thường tương ứng. Huyền y tức phần áo mặc ở trên màu đen, Huân thường là phần váy mặc ở dưới màu đỏ nhạt. Hoa văn ở y là vẽ, hoa văn ở thường là thêu. Căn cứ vào cấp bậc cao thấp sẽ có hoa văn khác nhau. Hoa văn thập nhị chương 十二章 là cao quý nhất. Hoa văn thập nhị chương tức 12 hình theo thứ tự nhật , nguyệt , tinh thần 星辰, sơn , long , hoa trùng 华虫, tông di 宗彝, tảo , hoả , phấn mễ 粉米, phủ ) phất . Mỗi chương văn đều có hàm nghĩa, ẩn dụ cho phẩm hạnh, phong thái quý tộc của bậc đế vương, như:
          Nhật, Nguyệt, Tinh thần:  hàm nghĩa chiếu sáng.
          Sơn:  hàm nghĩa vững vàng.
          Long: hàm nghĩa ứng biến.
          Hoa trùng (loại chim trĩ): hàm nghĩa đẹp.
          Tông di (một loại dụng cụ dùng trong tế tự. Về sau vẽ trên đó một con hổ một con khỉ): hàm nghĩa trung hiếu.
          Tảo (loại cỏ mọc ở dưới nước): hàm nghĩa trong sạch.
          Hoả:    hàm nghĩa sáng, quang minh.
          Phấn mễ (bạch mễ):  hàm nghĩa nuôi dưỡng.
          Phủ (hình cái búa): hàm nghĩa quyết đoán.
          Phất (thường vẽ hình 2 chữ (cung) quay lưng lại với nhau hoặc 2 con thú quay lưng lại với nhau): hàm nghĩa giỏi phân biệt tốt xấu.
          Trong những lễ tế quan trọng, Miện phục của thiên tử có đủ 12 chương. Những lễ tế khác tuỳ theo mức độ khinh trọng mà giảm dần. Các vương công quý tộc cùng theo tế với thiên tử, về chương văn cũng có những quy định:
          Bậc Công dùng 9 chương, từ sơn trở xuống.
          Bậc Hầu, Bá dùng 7 chương, từ hoa trùng trở xuống.
          Bậc Tử, Nam dùng 5 chương, từ tảo trở xuống.
          Bậc Khanh, Đại phu dùng 3 chương, từ phấn mễ trở xuống.
          Trước đời Chu, trên miện phục có đủ 12 chương. Đến đời Chu,  chương nhật, nguyệt, tinh thần được vẽ trên cờ nên không có trên miện phục. Ở thời kỳ này, trong những lễ tế quan trọng, thiên tử cũng chỉ dụng có 9 chương, 5 chương đầu vẽ, 4 chương sau thêu. Những trường hợp khác dùng 7 chương hoặc 5 chương. Nhìn chung có sự phối hợp với lưu (1) trên miện quan, như:
          Miện quan có 9 lưu thì y thường sẽ là 7 chương.
          Miện quan có 7 lưu thì y thường sẽ là 5 chương.
          Vì thế cho nên mới có danh xưng: cổn miện phục 衮冕服, tế miện phục 鷩冕服, thuế miện phục 毳冕服, hi miện phục 希冕服, huyền miện phục 玄冕服

Chú của người dịch
1- Lưu : phần đỉnh của miện gọi là “diên bản” 綖板, diên bản trước tròn sau vuông, ví trời tròn đất vuông, biểu thị ý nghĩa rộng lớn; diên bản màu đen, lấy ý nghĩa nghiêm trang. Trước và sau bản có những sợi dây rủ xuống, đó là “lưu” , biểu thị đế vương không nhìn điều trái, không nhìn điều tà vạy, phân biệt rõ thị phi.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 27/8/2019

Trích dịch từ nguyên tác Trung văn:
TRUNG QUỐC Y KINH
中国衣经
Chủ biên danh dự: Đỗ Ngọc Châu 杜钰洲
Chủ biên: Mậu Lương Vân 缪良云
Phần: Lịch sử thiên 历史篇: Trung Quốc quan phục chế độ 中国官服制度
NXB Văn hoá – Thượng Hải, 2004, trang 17
Previous Post Next Post