Dịch thuật: Bím tóc cũng liên quan đến chính trị (kì 2)



BÍM TÓC CŨNG LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH TRỊ
(kì 2)

          Đất nước mở cửa, ngày càng đông người nước ngoài đến Trung Quốc, đối với kiểu tóc ở đây họ nhìn với một nhãn quang khác lạ. Tuy nói lúc đó người Trung Quốc tự cho bím tóc của mình đã thô đến mức gọi là “ngưu vĩ” (đuôi trâu), nhưng người nước ngoài vẫn gọi là “pigtail” (trư vĩ ba 猪尾巴 – đuôi heo), điều đó nói rõ có hàm chứa sự chê cười và khinh miệt.
          Người Trung Quốc ra nước ngoài càng khó thừa nhận áp lực tinh thần này, rất nhiều người đem bím tóc vấn lên đầu lấy mũ đội lên thật chặt, chỉ sợ người khác trông thấy, người bạo gan hơn lén cắt phăng bím tóc. Nhóm “giả dương quỷ tử” 假洋鬼子 cắt bỏ bím tóc sớm nhất xuất hiện trong đám lưu học sinh với học bổng của nhà nước được tuyển chọn sang Mĩ.
          Nhằm bồi dưỡng nhân tài kiểu mới, triều đình từ năm Đồng Trị 同治 thứ 11 (năm 1872) bắt đầu tuyển chọn trẻ em khoảng 10 tuổi đến Mĩ lưu học. Những em này bắt đầu từ tiểu học học Anh ngữ trước, biết rõ văn hoá ngoại quốc, sau đó học chuyên khoa hoặc bổn khoa, nắm vững tri thức chuyên môn và kĩ năng, cuối cùng học xong về lại xây dựng triều Đại Thanh. Nhóm trẻ em đầu tiên mặc trường bào mã quái, với bím tóc đen bóng bước lên bờ đại dương bên kia, lập tức đã khiến cho đám người Mĩ vây lại xem: Ồ! Rất nhiều “Chinese girl” đến kìa, Nhiệt liệt chào đón! Lúc này chúng tôi mới rõ , bím tóc lớn đã khiến người ta xem chúng tôi lả con gái. Điều đó khiến cho đám thuần một sắc đàn ông sao chịu được. Một khi đi cảm thấy ấm ức, về sau với một thời gian dài ở Mĩ, dần dần tiếp thụ phương thức sinh hoạt và quan niệm tư tưởng phương tây, tứ thư ngũ kinh không đọc nữa, trường bào mã quái cũng đổi sang trang phục phương tây hoặc quần áo jean, có người dứt khoát cắt bỏ bím tóc, và tự do yêu đương với các cô gái nơi đó.
          Triều đình trông thấy, cho là đại nghịch bất đạo, hoàn toàn mất đi khí độ và sự kiêu hãnh vốn có của triều Đại Thanh. Thế là liền triệu hồi toàn bộ lưu học sinh đã phái đi. Đại bộ phận chưa hoàn thành việc học. Những người này sau khi về nước đành phải làm bím tóc giả để đối phó, khi khấu đầu hành lễ quan lão gia phải vô cùng cẩn thận để tránh dùng quá sức bím tóc giả sẽ rơi ra, truy cứu có thể đại hoạ tới bên “đầu”.
          Đến năm Quang Tự 光绪 thứ 24 (năm 1898), lãnh tụ Mậu Tuất biến pháp  là Khang Hữu Vi 康有为 nhìn hình thế quốc tế, cho rằng trên người mặc phục trang kì dị sẽ dẫn đến các nước bè bạn xem mình như dị loại, không có lợi cho việc bang giao và đề cao địa vị quốc tế của Đại Thanh, thế là để cao độ hướng đến cuộc sống hiện đại và phục sức tiếp cận với quỹ đạo quốc tế, ông đã đề nghị cắt bỏ bím tóc, đổi cách phục sức. Quang Tự đế vui vẻ tiếp thụ, định ban đạo thánh chỉ cho chấp hành trong phạm vi cả nước. Nhưng hoàng thượng quên mất, hai đường lối gốc mà Từ Hi thái hậu 慈禧太后lên tiếng  - chỉ cần quốc hiệu Đại Thanh không thay đổi, bím tóc không cắt bỏ, những điều khác hoàng thường muốn thay đổi như thế nào thì tuỳ ý. Xem ra lão thái hậu vẫn hết mực đem bím tóc đặt vào chiến lược thống trị tượng trưng. Đã cho cải cách của hoàng thượng chẳng ra làm sao, bà đành phải từ hậu đài bước ra chủ trì đại cục. Cho nên chẳng đợi hoàng đế hạ lệnh cắt bỏ bím tóc, ông đã bị giam nơi Doanh Đài 瀛台, giống như một tù phạm cao cấp nhất của Đại Thanh.
          Mãi cho đến sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Tôn Trung Sơn 孙中山 lấy thân phận lâm thời đại tổng thống ban bố văn cáo cắt bỏ bím tóc, yêu cầu quốc dân nội trong 20 ngày cắt sạch bím tóc, nếu không sẽ bị luận xử là vi pháp. Từ đó, người trong nước cuối cùng đã đem bím tóc sau gáy hơn 200 năm cắt bỏ, nghinh đón thời đại mới của Dân Quốc.  (hết)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 17/6/2019

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI THANH
活在大清
Tác giả: Mao Soái 毛帅
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post