Dịch thuật: Bím tóc cũng liên quan đến chính trị (kì 1)



BÍM TÓC CŨNG LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH TRỊ
(kì 1)

          Trong Hiếu kinh 孝经 tuyên dương quan niệm:
Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm huỷ thương.
身体发肤, 受之父母, 不敢毁伤
(Thân thể tóc da đều nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn hại)
Ý nghĩa bề mặt là nói thân thể của mình do cha mẹ ban cho, phải biết yêu quý đừng làm tổn hại. Nhưng hàm nghĩa sâu xa là khuyên răn mọi người nên an phận thủ thường, không được làm xằng làm bậy, để tránh phải cái khổ về da thịt, tránh cái hoạ ngục tù, nếu không sẽ không thể tận hiếu bên cạnh cha mẹ. Về sau mọi người đều nghe theo lời giáo huấn đó, bảo vệ kĩ lưỡng cẩn thận đầu tóc của mình. Khi thành niên, đem tóc búi lên đỉnh đầu, sau đó đội lên chiếc mũ cao cao, hình thành truyền thống lâu dài nuôi dưỡng tóc, nhân đó con trai Hán tộc thời phong kiến đều có tóc dài đến eo. Thời Tam Quốc, Tào Tháo 曹操 từng nhân vì con chiến mã bị kinh sợ đi nhầm vào ruộng của người dân làm huỷ hoại mùa màng, để biểu thị sự nghiêm minh của quân kỉ, Tào Tháo đã cắt một nhúm tóc thay cho chém đầu, có thể thấy đầu tóc trong mắt mọi người cũng ngang bằng với tính mệnh thân thể.

Tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất trong lịch sử: để đầu không để tóc
          Từ Đảng Hạng 党项, Khất Đan 契丹 đến Mông Cổ 蒙古, dân tộc du mục phương bắc có một tập tục, cạo phần lớn đầu tóc, chỉ để lại một phần hoặc thả ra hoặc thắt bím lại. Người Đảng Hạng năm đó tin Phật giáo, con trai trong cả nước dứt khoát phải cạo tóc, thế là Tây Hạ 西夏 có biệt xưng là “tăng quốc” 僧国. Về sau triều Kim ở phương bắc cũng từng ra sức thực hiện rộng rãi kiểu tóc của dân tộc mình, nhiều người Hán nhân vì không chịu cạo tóc mà trực tiếp thoát li quốc tịch, đầu bôn đến triều Tống ở phía nam. Để hoà hoãn nguy cơ chính trị do việc cạo tóc gây ra, triều Kim đã không cưỡng chế chấp hành.
          Mặc dù đã có một số tiền lệ, nhưng quảng đại quần chúng Hán tộc trên cơ sở quan niệm văn hoá truyền thống và nhãn quan thẩm mĩ của bản thân, khó mà tiếp thụ kiểu tóc mà quân Thanh cưỡng chế thực hiện: đem tóc bốn phía trên đỉnh đầu cạo sạch toàn bộ, chỉ chừa lại phía sau gáy một nhúm nhỏ khoảng bằng đồng tiền, thắt thành bím tóc vừa nhỏ vừa dài. Bím tóc này có thể xuyên qua lỗ vuông của đồng tiền mới được xem là hợp cách, nhìn giống như đuôi chuột, kiểu tóc đó bị người Hán gọi là “kim tiền thử vĩ thức” 金钱鼠尾式 (kiểu đồng tiền đuôi chuột). Để hợp với kiểu tóc đó, râu của người tộc Mãn cũng chỉ lưu lại hai bên mép mười mấy sợi.
          Cạo đầu thắt bím so với để tóc dài búi lên càng đơn giản tiện lợi, lúc gội đầu cũng có thể tiết kiệm nước, nhưng để lúc nào cũng giữ được đầu láng bóng, cứ khoảng mỗi 10 ngày lại cạo một lần. Thời gian và công sức dành cho khoản cạo đầu cũng không phải là ít. Bím tóc sau gáy cũng mang lại nhiều bất tiện trong cuộc sống.
          Năm Thuận Trị 顺治thứ 2 (năm 1645), “thế phát lệnh” 剃发令 (lệnh cạo tóc) chính thức được ban bố, yêu cầu bắt đầu từ ngày ra thông báo, nội trong 10 ngày tất phải hoàn thành đổi mới kiểu tóc, người nào kiên trì không chịu cạo hoặc sau khi cạo mà vẫn không phù hợp quy cách “kim tiền thử vĩ”, toàn bộ bị xem là loạn thần tặc tử không chịu phục tùng sự thống trị của triều Thanh sẽ bị xử tử, tuyệt không nương tay. Thế là trong việc chấp pháp có khẩu hiệu đơn giản nhưng thô bạo: “lưu đầu bất lưu phát, lưu phát bất lưu đầu” 留头不留发, 留发不留头 (để đầu thì không để tóc, để tóc thì không để đầu).
          Tự nhiên nhi nhiên, lệnh cạo tóc đã gây ra một cuộc biến động trên dưới trong cả nước, một số lượng lớn di dân đời Minh kiên quyết không chấp hành. Thậm chí đương thời ngay cả cháu đời thứ 62 của Khổng Tử là Khổng Văn Tiêu 孔闻謤cũng muốn tranh thủ bảo lưu tập tục truyền thống của Hán tộc, thế là dâng thư lên Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn 多尔衮, nói rằng:
          Hoàng thượng trước giờ tôn trọng Khổng Tử, nay lại ra lệnh thay đổi chế độ y quan mà thánh hiền tạo ra đã kéo dài mấy ngàn năm nay, e là người thiên hạ nhân đó mà không nhìn nhận tấm lòng của ngài đối với Khổng Tử.
          Ông ta đem ra “kim tự chiêu bài” Khổng Tử mà đi đến đâu thuận lợi đến đó, cho rằng có thể chống lại, không ngờ va phải đinh thép, Đa Nhĩ Cổn mượn danh nghĩa Thuận Trị đáp lại rằng:
          Ý trẫm đã quyết, chính sách cạo tóc không thể thay đổi được. Nễ mặt Khổng Tử, miễn cho ngươi tội chết, nhưng chính như Khổng Tử nói: “đạo bất đồng bất tương vi mưu” 道不同不相为谋 (không cùng đường đi thì không không cùng nhau mưu tính), triều đình không cần ngươi ra sức, hãy về nhà mà nghỉ ngơi).
          Chẳng bao lâu , Khổng Văn Tiêu tại quê nhà vì uất ức mà chết.  
          Thái độ của hoàng đế đối với con cháu của Khổng Tử còn khách khí như thế, đối với bình dân là “vi giả sát vô xá” 违者杀不赦 (người vi phạm giết không tha). Năm Thuận Trị thứ 4 (năm 1647), Hứa Thự quan 浒墅关 (1) có một người đàn ông tên Đinh Tuyền 丁泉, tóc chỉ cạo rất ít, không cần dùng đồng tiền thể thử cũng đã thấy không phù hợp với tiêu chuẩn “kim tiền thử vĩ”. Khi ra khỏi nhà bị nhân viên đi tuần của phủ quan phát hiện, lập tức cho là có quan hệ đến vấn đề chính trị trọng đại bèn báo lên trung ương, thỉnh thị biện pháp xử trí. Hoàng đế đích thân phê rằng: tựu địa xử quyết! ngay cả gia trưởng, hàng xóm của Đinh Tuyền gần ngàn người tuy chưa kịp thời phát hiện và báo lên cũng bị liên luỵ, quan huyện địa phương do vì giám quản không tới nơi tới chốn bị truy cứu tội “thất sát” 失察 (không giám sát). Có thể thấy việc chấp hành lệnh cạo tóc này là vô cùng nghiêm ngặt.
          Từ khi quân Thanh vào trung nguyên đến năm Gia Khánh thứ 5 (năm 1800), thời gian trước sau 160 năm, “thử vĩ” (đuôi chuột) 鼠尾của đàn ông bảo trì trong một đồng tiền. Đến khi Gia Khánh bắt đầu lên ngôi, chính sách xuất hiện sự nới lỏng một chút, diện tích cạo trên đầu từ từ thu nhỏ lại, bím tóc ngày càng dài và thô. Đến cuối đời Thanh, chỉ cần cạo khoảng 1 thốn, tóc vượt quá 2/3 đều được bảo lưu, phân thành 3 nhánh tết lại thành 1 bím thả sau gáy, tục xưng kiểu “âm dương đầu - bán biều” 阴阳头 - 半瓢. Để tăng thêm khí thế uy vũ hùng tráng, bím tóc tiến một bước đổi gọi là “ngưu vĩ” (đuôi trâu). ... 
                                                                                        (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Hứa Thự quan 浒墅关: ở đông bắc sườn phía nam núi Nam Dương 南阳, phía tây bắc thành Tô Châu 苏州, cách trung tâm cổ thành Tô Châu 12km về phía đông nam.
Tương truyền hoàng đế Càn Long 乾隆 khi xuống Giang Nam 江南, đã nhầm chữ (hử) đọc thành chữ (hứa), cho nên đến nay vẫn gọi là “Hứa Thự quan”. (Thuyết này tại địa phương lưu truyền rất rộng).
Chữ (hử) bính âm là , chữ (hứa) bính âm là . Cũng theo tài liệu trên, 3 chữ 浒墅关 có bính âm là [xǔ shù guān] nên tôi phiên là “Hứa Thự quan).

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 16/6/2019

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI THANH
活在大清
Tác giả: Mao Soái 毛帅
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post