Dịch thuật: Tại sao gọi phần tử tri thức là "lão cửu"

VÌ SAO GỌI PHẦN TỬ TRI THỨC LÀ “LÃO CỬU”

          Vì sao mọi người dùng “lão cửu” 老九 để chỉ văn nhân?
           Trung Quốc cổ đại có chế độ đẳng cấp tương đối nghiêm nhặt. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, sự thống trị của quý tộc dưới chế độ tông pháp bị tiêu diệt. Hán Vũ Đế 汉武帝 độc tôn Nho thuật, địa vị của văn nhân sĩ tử được đề cao, thế gia văn hoá dường như đời đời làm quan. Từ thời Tuỳ Đường trở về sau, áp dụng chế độ khoa cử để tuyển chọn quan viên. Nhân đó, trong xã hội, người có thể ra làm quan, ngoài hoàng thân quốc thích ra, chính là các học trò. Thời cổ với đẳng cấp rõ ràng, được làm văn nhân là một vinh dự cho tổ tông. Nhân đó, trong xã hội có cách nói:
Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao.
万般皆下品, 惟有读书高
(Tất cả các nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách mới là cao quý)
          Ngay cả hoàng đế Tống Chân Tông 宋真宗 cũng nói:
Thư trung tự hữu thiên chung túc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc, thư trung tự hữu nhan như ngọc.
          书中自有千钟粟, 书中自有黄金屋, 书中自有颜如玉.
          (Trong sách đã tự có ngàn chung thóc, trong sách đã tự có nhà vàng, trong sách đã tự có người đẹp như ngọc.)
          Có thể thấy, đọc sách là việc rất vinh dự vẻ vang.
          Nhưng đến triều Nguyên, địa vị của văn nhân bị xuống dốc. Giai cấp thống trị chia người ra làm 4 đẳng cấp, người Mông Cổ tôn quý nhất, kế tiếp là người sắc mục (1), người Hán do người Kim thống trị xếp thứ 3, người Hán của Nam Tống xếp thứ 4. Không những thế, theo ghi chép trong Tâm sử 心史, người Mông Cổ còn dựa theo chức nghiệp chia người là làm 10 hạng:
         Nhất quan, nhị lại, tam tăng, tứ đạo, ngũ y, lục công, thất liệp, bát dân, cửu nho, thập cái.
          一官, 二吏, 三僧, 四道, 五医, 六工, 七猎, 八民, 九儒, 十丐
          (1 là quan, 2 là lại, 3 là sư, 4 là đạo sĩ, 5 là thầy thuốc, 6 là thợ, 7 là thợ săn, 8 là dân, chín là nho, 10 là ăn xin.)
          Hạng “cửu nho” chính là văn nhân. Quy định này vào đời Nguyên được chép vào pháp điển. Nhân vì văn nhân nho sĩ bị liệt vào hạng thứ 9, cho nên mọi người gọi hạ là “lão cửu” 老九, đương nhiên cách xưng hô này có ý khinh miệt.

Chú của người dịch
1- Người sắc mục: tức “các sắc danh mục” 各色名目, từ gọi chung các tộc người ở tây bắc Trung Quốc, ở tây vực, và cả ở châu Âu vào thời Nguyên.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 21/5/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post