Dịch thuật: "Bân phong - Thất nguyệt" và cuộc sống của nông phu đời Chu


“BÂN PHONG – THẤT NGUYỆT” VÀ CUỘC SỐNG CỦA 
NÔNG PHU ĐỜI CHU

          “Nông phu” đời Chu, tuy có “gia thất”, tụ cư theo tộc, nhưng thân phận rất thấp. Vương triều Chu khống chế họ rất nghiêm khắc, đặt ra đơn vị hành chính các cấp như “hương” , “toại” . Theo truyền thuyết, tổ chức hành chính của “6 hương” (vùng đất cách vương đô trong vòng 100 dặm) là:
          5 gia tổ thành 1 “tỉ”
          5 “tỉ” tổ thành 1 “lư”
          4 “lư” tổ thành 1 “tộc”
          5 “tộc” tổ thành 1 “đảng”
          5 “đảng” tổ thành 1 “châu”
          5 “châu” cấu thành 1 “hương”
        Tổ chức hành chính của “toại” (vùng đất cách vương đô ngoài 100 dặm, trong vòng 200 dặm) là:
          5 gia tổ thành 1 “lân”
          5 “lân” tổ thành 1 “lí”
          4 “lí tổ thành 1 “toản”
          5 “toản” tổ thành 1 “bỉ”
          5 “bỉ” tổ thành 1 “huyện”
          5 “huyện” cấu thành 1 “toại”
          Mỗi hương và mỗi toại đều có hơn 1,2 vạn nhà. Mỗi cấp đơn vị hành chính đều có 1 đầu mục quản lí, bắt đầu từ Hạ sĩ 下士 thấp nhất, cấp bậc cao dần, cho đến cơ cấu hành chính của 1 hương do Khanh khống chế.
          Nông phu cư trú trong “ấp” . Bốn phía của ấp đều có tường vây cao hoặc hào sâu bao bọc. Mùa xuân đến, nông phu bị lập thành nhóm đưa ra đồng. Họ canh tác, quản lí trên cánh đồng, cho đến lúc thu hoạch mới coi như kết thúc mùa vụ. Gọi là “ấp”, trên thực tế là doanh trại tập trung các nô lệ. Mọi người chỉ có thể ra vào từ một cửa nhỏ. Mỗi ngày từ khi mặt trời chưa mọc, lí trưởng ngồi bên phải cửa, lân trưởng ngồi bên trái cửa điểm số người phải đi ra ngoài lao động. Khi toàn bộ lao động đã xuống ruộng, họ mới rời khỏi cửa. Chiều tối lúc thu công, lí trưởng và lân trưởng lại ngồi hai bên cửa từ sớm, mở to mắt đếm số người trở về, sợ họ bỏ trốn. Mùa đông tuy ngoài đồng không làm việc gì, nhưng nhóm quý tộc không để cho các nô lệ được nghỉ ngơi. Ban ngày họ phải lao động như tu sửa phòng ốc, chiều tối họ cùng phụ nữ bện dây. Một ngày phải làm công việc bằng một ngày rưỡi, quanh năm không chút nhàn rỗi. Tuy quý tộc khống chế quảng đại nô lệ rất nghiêm mật, nhưng cũng không ngăn được các nô lệ phản kháng bỏ trốn. Theo ghi chép trong Dịch kinh 易经, có lần có đến 300 hộ “ấp nhân” bỏ trốn.
          Trong Thi kinh 诗经 có một bài dân ca với ngữ điệu vô cùng đau buồn thê lương, như than như oán, thuật lại cuộc sống gian khổ quanh năm suốt cả 4 mùa của nông phu, đồng thời phẫn nộ lên án sự bóc lột tàn khốc của quý tộc, đó chính là bài Thất nguyệt 七月 Bân phong 豳风. Nếu ngày nay đọc lại bài dân ca nổi tiếng này, đối với cuộc sống của các nô lệ đời Chu mà chúng ta được hiểu rõ, rất có ý nghĩa. Bài thơ miêu tả cảnh ngộ bi thảm của nông phu như sau:
          Bước vào tháng 11, gió bấc gào thét, nước đóng thành băng, mùa đông đã đến. Ngay cả một chiếc áo ấm để qua được cái lạnh mùa đông, nông phu cũng không có để mặc, lạnh đến mức co rúm người phát run, còn phải săn bắt hồ li ngoài đồng cho lão gia ..... phụ nữ thì đem da của hồ li săn được may thành áo dày cho quý tộc, ngậm nước mắt nhìn người thân của mình chịu rét trong băng tuyết, đau xót biết bao.
          Đến tháng 12, nông phu với áo quần mỏng manh lại bị đưa đi tham gia hoạt động săn bắn mỗi năm một lần. Quý tộc cưỡi ngựa xua chó, thần khí linh hoạt. Còn nông phu chỉ biết chạy đông chạy tây ở phía sau, cũng học múa đao bắn tên. Người có vận khí tốt săn được lợn rừng, nhưng với con hơi lớn sẽ bị lão gia lấy mất, chỉ còn lại những con heo rừng nhỏ đáng thương mới cho nông phu hưởng dụng. Kì thực, săn bắn chỉ là một hình thức huấn luyện quân sự. Quý tộc thông qua săn bắn để nông phu biết được chút ít võ nghệ và những người có thể sử dụng thương, tiễn, tương lai sẽ ra chiến trường dốc sức đánh trận cho họ, cũng có nông phu bị lệnh ra băng trường đục lấy băng lưu lại để mùa nóng lão gia dùng .....
          Vất vả lắm mới qua đi một năm, tháng Giêng nông phu cũng không được nghỉ. Có người bắt đầu bận rộn tu sửa nông cụ, tháng 2 chuẩn bị công việc  gieo giống vụ xuân cho lão gia; cũng có người bị sai đi đến hầm băng của lão gia, kéo những khối băng cho vào hầm để cất ...
          Tháng 3 bắt đầu gieo giống. Quan coi về ruộng chạy đi chạy lại, giám sát người làm. Nông phu làm ruộng rất khẩn trương! Thời gian về ăn cơm cũng không có. Đàn bà cũng giống như đàn ông không có chút nào được nghỉ, có người đưa cơm ra ruộng, có người xách giỏ đi hái dâu để nuôi tằm. Quý tộc rỗi rãi đến phát lo, nhân lúc tiết xuân tươi sáng ra bên ngoài dạo chơi cho khuây khoả. Cô gái nào gặp phải chúng, cô gái đó thật là xui xẻo ....
          Sau khi gieo trồng đã xong, nông phu không biết mình đã bỏ ra bao nhiêu sức lực, đổ ra bao nhiêu mồ hôi, cuối cùng trông mong đến tháng 8, lúa bắt đầu chín. Trước tiên họ chuẩn bị sân bãi cho lão gia, rồi thu hoạch mùa màng, chuyển về, đập lúa, phơi khô rê sạch, toàn bộ nộp vào kho của quý tộc. Vất vả cả một năm mà chẳng có được hạt nào chính là họ ....
          Thu hoạch mùa màng xong, kết thúc công việc ở sân, nông phu lại bận rộn đến tháng 10. Nhưng vẫn không dễ gì thở được một chút, lại phải tu sửa phòng ốc cho lão gia, ủ rượu ..... Gian nhà nhỏ mà nông phu ở đã bị lung lay muốn sập, nhưng không có chút thời gian rảnh nào để tu sửa, làm sao có thể ngăn được mùa đông rét mướt đây?
          Bài Thất nguyệt trong Bân phong là bài thơ đầu thời Tây Chu, đem cuộc sống bi thảm quanh năm suốt tháng của nô lệ đời Chu tái hiện trước mắt chúng ta. Tuy Thi kinh là tác phẩm văn nghệ, nhưng nó phản ánh cuộc sống hiện thực, là tấm gương của cuộc sống đời Chu. Nhân đó, bài Thất nguyệt luôn là tư liệu quan trọng cho các nhà sử học nghiên cứu về lịch sử đời Chu.
          Cũng có học giả cho rằng, “nông phu” đời Chu không phải là nô lệ, mà là nông dân trong xã hội phong kiến. Tuy nông dân có thể sử dụng “tư điền” 私田  - tức “phân địa” 份地 , khoảnh đất nhỏ mà quý tộc giao cho họ, nhưng phải lao động trên “công điền” 公田 của quý tộc – phục vụ lao dịch để trả giá. Nhân đó, họ phẫn nộ, họ lên án ..... Những học giả này cho rằng, những tình cảnh mà miêu tả trong bài thơ chính là tình cảnh nông dân tiến hành lao động cho quý tộc mà  không được trả công hoặc khi phục vụ các loại dao dịch trong xã hội phong kiến.
         
                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 09/5/2019

Nguyên tác Trung văn
“BÂN PHONG . THẤT NGUYỆT” HOÀ NÔNG PHU ĐÍCH SINH HOẠT
豳风 .七月和农夫的生活
Trong quyển
 TÂY CHU SỬ THOẠI
西周史话
Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信
Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post