Dịch thuật: Triều Tần chuyên chế tập quyền ... (kì 2)

TRIỀU TẦN CHUYÊN CHẾ TẬP QUYỀN
THỰC HIỆN RỘNG RÃI CHẾ ĐỘ QUẬN HUYỆN
(Chế độ chính trị triều Tần)
(kì 2)

          Dưới Thừa tướng, đặt “cửu khanh” 九卿. Họ là quan lại của trung ương tối cao có chức trật hơi thấp, chủ yếu nắm giữ sự vụ cung đình, hoặc chính vụ nào đó của quốc gia. Phân chức như sau:
          Phụng thường 奉常, đảm nhiệm lễ nghi tông miếu, phụ trách tế tự. Tần Thuỷ Hoàng thiết lập Bác sĩ quan 博士官 70 người, “chưởng thông cổ kim” (thông hiểu cổ kim), cũng quy về  trong cơ cấu thuộc Phụng thường.
          Lang trung lệnh 郎中令, quản việc hầu hạ bảo vệ hoàng đế trong cung cấm. Đầu thời Tần Nhị Thế tức vị, Triệu Cao 赵高từng đảm nhiệm qua chức này, tự xưng ở “thượng vị, quản trung sự” 上位, 管中事 (chức vị cao, quản việc trong cung) (Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪). Đây là bề tôi thân cận hoàng đế, cơ cấu quản lí to lớn, trong đó số lượng quan Lang nhiều nhất.
          Vệ uý 卫尉, chức vụ bảo vệ cung đình, bao gồm cung môn binh cấm, bảo vệ cung điện, trực đêm tuần tra. Như vào cuối triều Tần, Tần Nhị Thế trai giới tại Vọng Di cung 望夷宫, không chỉ nơi cung môn có Vệ lệnh thống lĩnh quân binh phòng thủ, mà còn “chu lư (lư xá) thiết tốt thậm cẩn” 周庐 (庐舍) 设卒甚谨 (chung quanh nơi ở bố trí quân binh rất nghiêm nhặt) (Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪), bốn phía do vệ sĩ canh gác phòng vệ.
         Thái bộc 太仆, quản ngựa xe của cung đình. Khi hoàng đế xuất hành thì lo nghi thức xe kiệu, xuất tuyên chiếu mệnh. Triều Tần theo cổ chế, chia ra Xa quan 车官, Mã quan 马官, lại đặt Thái bộc thống lĩnh. Như Trung xa phủ lệnh 中车府令, tức chủ việc xe kiệu, Triệu Cao 赵高 từng giữ qua chức này.
          Đình uý 廷尉, nắm giữ hình pháp, chủ hình phạt xét xử, là pháp quan tối cao.
         Điển khách 典客, nắm giữ sự vụ dân tộc thiểu số nhập triều, chủ trì tiếp đãi, lễ nghi tiếp kiếp, điển tân lễ, là chức trách chủ yếu.
          Tông chính 宗正, nắm giữ sự vụ hoàng tộc.
          Trị túc nội sử 治粟内史, chủ quản tài chính quốc gia, như tiền, thóc, thuế khoá thu vào và chi ra.
          Thiếu phủ 少府, chủ tài chính hoàng thất, quản lí thuế núi biển ao đầm, cung cấp nhu cầu trong sinh hoạt của hoàng thất. Sự vụ nhiều và phức tạp, cơ cấu to lớn.
          Ngoài ra, quan lại tối cao của trung ương còn có: Trung uý 中尉nắm giữ việc trị an ở kinh sư, Tương tác thiếu phủ 将作少府nắm giữ việc xây cất cung thất, Điển thuộc quốc 典属国nắm giữ sự vụ của dân tộc thiểu số... Những quan lại cao cấp này, mỗi loại còn có một số lượng thuộc quan, lại viên khác nhau, chấp hành các loại chính vụ cụ thể, tổ thành cơ cấu thống trị to lớn của trung ương. Từ Thừa tướng đến các đại thần “giai thụ thành sự, ỷ biện vu Thượng” 皆受成事, 倚办于上 (đều phải chấp nhận việc đã rồi, mọi việc đều dựa vào hoàng đế xử lí)  (Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪), tất cả chính sự đều do hoàng đế định đoạt.
          Cơ cấu hành chính địa phương của triều Tần là thực hiện rộng rãi chế độ quận huyện. Chế độ quận huyện không phải là do triều Tần sáng lập đầu tiên. Thời Xuân Thu, nhiều nước chư hầu đã thiết lập quận huyện. Nhưng sau khi triều Tần kiến lập, chế độ quận huyện trở thành chế độ hành chính địa phương, mới bắt đầu thực hiện phổ biến rộng rãi trong toàn quốc, cơ cấu hành chính cũng càng thêm hoàn thiện. Đương thời toàn quốc chia làm 36 quận, về sau nhân vùng biên giới lần lượt được khai phá, khu vực do quận quản lí không ngừng được điều chỉnh, số quận trong toàn quốc tăng lên hơn 40 quận. Triều Tần, quận lớn huyện nhỏ, quận thống hạt huyện, là cơ cấu hành chính tối cao của địa phương. Quận thiết lập Quận thú 郡守và Quận uý 郡尉, có Giám ngự sử 监御史do trung ương thiết lập riêng.
          Quận thú là vị trưởng quan hành chính tối cao của quận, chủ quản chính sự của một quận, như phong tục dân tình trong quận, nông nghiệp tằm tang, khai hoang trồng trọt, lại trị thuộc huyện, binh sự quân sự ... Do bởi Quận thú có chức trách trị lí địa phương, chức trọng quyền lớn, cho nên đối với việc tuyển chọn Quận thú, triều Tần rất chú trọng. Như trước khi Tần thống nhất, từng lấy Nội sử Đằng内史腾 (1) có trật vị tương đương liệt khanh ra nhậm Nam Quận thú 南郡守(2), đây là một ví dụ. Khi Thú Đằng xuất nhậm, Tần đang “Nam Quận bị cảnh” 南郡备警 (phòng bị nghiêm nhặt Nam Quận), thì chức trách của Quận thú không chỉ chủ về dân sự, mà còn phụ trách về phương diện quân sự.
          Quận uý hiệp trợ Quận thú, nắm giữ quân sự, trật vị thấp hơn Quận thú. Ngoài nắm giữ quân sự ra, có khi Quận uý cũng dẫn binh tác chiến. Triều Tần khai phát vùng Lĩnh Nam 岭南, tức do Quận Uý Đồ Thư 屠雎đem binh đánh người Việt .
          Công việc của Giám ngự sử là giám sát quận, lệ thuộc vào Ngự sử Trung thừa 御史中丞, là quan viên trung ương giám sát địa phương. Chức trách và địa vị của Giám ngự sử đặc thù, vừa giám sát hành chính địa phương, vừa chấp hành một số sứ mệnh trọng đại.
          Ngoài ra, kinh sư là đô thành trọng địa, quận huyện sở tại không thiết lập Quận thú, mà thiết lập Nội sử 内史cai quản kinh sư, địa vị tương đương với liệt khanh.
          Dưới quận phân ra một số huyện. Vị trưởng quan hành chính của huyện xưng là Huyện lệnh 县令, huyện chưa đến vạn hộ xưng là Huyện trưởng 县长, coi giữ chính vụ của một huyện. Huyện thiết lập Huyện uý 县尉, chủ quản việc trị an trong huyện, chinh phạt binh tốt phòng thủ. Lại thiết lập Huyện thừa 县丞, hiệp trợ Huyện lệnh, Huyện trưởng, đồng thời nắm giữ tư pháp. Tại các vùng dân tộc thiểu số tụ tập, thiết lập “đạo” , đạo và huyện cùng song hành, tính chất cũng tương tự cơ cấu hành chính của huyện.
          Dưới huyện thiết lập hương . Hương có Tam lão 三老 nắm giữ việc giáo hoá; có Sắc phu 啬夫 chủ quản tư pháp, phú thuế; có Du kiếu游徼 quản lí trị an. Dưới hương là lí , lí có Lí chính 里正, cũng xưng là Lí điển 里典. Trong lí có tổ chức thập ngũ.
          Ngoài ra, thời Tần còn lập “đình” . Như Ban Cố 班固gọi là “đại suất thập lí nhất đình” 大率十里一亭 (đại thể 10 lí lập 1 đình) (Hán thư – Bách quan công khanh biểu 汉书 - 百官公卿表), chỉ việc theo cự li địa vực mà đặt ra. Chức năng của nó chủ yếu là duy trì việc trị an địa phương, truyền đạt văn thư ... “Đình” có đình lại là Đình trưởng 亭长, Cầu đạo 求盗. Cuối triều Tần, Lưu Bang 刘邦 là Đình trưởng Tứ Thuỷ 泗水, đưa nhóm tội phạm đến Li sơn 骊山, về cơ bản phù hợp với chức năng nói ở trên. Mối quan hệ lệ thuộc của nó thì giống cơ cấu phái xuất của huyện, mà không thuộc hương quản hạt... (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Nội sử Đằng内史腾: cũng gọi là Nội sử Thắng 内史胜, tướng lĩnh của nước Tần hậu kì Chiến Quốc, không rõ năm sinh năm mất.
          Thời Tần Vương Chính 秦王政, Nội sử Đằng từng là đại diện nước Tần tiếp nhận đất của nước Hàn cắt dâng. Về sau ông quản lí khu vực Nam Quận 南郡 (nay là phía bắc Giang Lăng 江陵 Hồ Bắc 湖北, đặt nền móng hậu phương cho việc Tần phạt Sở. Sau này ông nhậm chức Nội sử, quản lí kinh thành, trách nhiệm trọng đại, có thể thấy Tần Vương Chính rất tín nhiệm ông.
2- Nam Quận 南郡: một quận thời cổ ở Trung Quốc, do triều Tần thiết trí, trị sở tại huyện Giang Lăng 江陵 (nay là Kinh Châu 荆州 Hồ Bắc 湖北). Cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, trị sở tại Công An 公安. Đời Đường Nam Quận đổi tên là Giang Lăng quận 江陵郡, sau lại đổi là Giang Lăng phủ 江陵府.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 11/01/2019

Nguyên tác Trung văn
CHUYÊN CHẾ TẬP QUYỀN, THÔI HÀNH QUẬN HUYỆN
专制集权, 推行郡县
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post