Dịch thuật: Tế Liễu doanh

TẾ LIỄU DOANH

          Chu Á Phu 周亚夫là con của Chu Bột 周勃, rất giỏi dùng binh, nổi tiếng trị quân nghiêm chỉnh. Ông được xem là người kế thừa Giáng Hầu 绛侯 (tức Chu Bột – ND) được phong là Điều hầu 条侯.
          Năm 158 trước công nguyên, Hung Nô tập kết quân đại quy mô xâm phạm biên giới phía bắc. Văn Đế 文帝 nhậm mệnh Tông chính (vị trưởng quan phụ trách sự việc hoàng tộc, một trong cửu khanh) là Lưu Lễ 刘礼làm Tướng quân, đóng quân tại Bá Thượng 灞上, nhậm mệnh Chúc Tư Hầu Từ Lệ 祝兹侯徐厉làm Tướng quân, đóng quân tại Cức Môn 棘门 (phía đông bắc huyện Hàm Dương 咸阳Thiểm Tây 陕西), nhậm mệnh Quận thú quận Hà Nội 河内 là Chu Á Phu làm Tướng quân, đóng quân tại Tế Liễu 细柳 (phía tây nam Hàm Dương Thiểm Tây), lệnh cho họ chia nhau trấn giữ 3 cứ điểm chiến lược gần kinh thành Trường An 长安, phòng bị sự tấn công của Hung Nô. Văn Đế đích thân đi uý lạo quân đội, khi đến quân doanh Bá Thượng và Cức Môn, xa giá đều chạy thẳng vào, không hề bị ngăn trở, quan quân từ Tướng quân trở xuống, đều cưỡi ngựa nghinh đón và đưa tiễn. Về sau, Văn Đế đến quân doanh Tế Liễu, tình hình lại khác: quan quân và sĩ binh đều mặc áo giáp, tay cầm  đao thương mài sáng loáng, cung nỏ lắp tên sẵn sàng, quả thực là phòng bị uy nghiêm. Quan lại đi trước Văn đế tiến đến doanh môn, quân canh giữ doanh môn không cho vào. Những quan lại đó nói rằng:
          - Hoàng thượng sắp đến rồi!
          Đô uý giữ doanh môn bảo rằng:
          - Tướng quân có lệnh, “Trong quân chỉ nghe theo mệnh lệnh của Tướng quân, không nghe theo mệnh lệnh của hoàng đế”.
          Qua một lúc sau, xa giá của Văn Đế đến cũng bị ngăn lại không cho vào.
          Thế là, Văn Đế phái sứ giả cầm phù tiết làm bằng chứng tiến vào quân doanh hướng đến Chu Á Phu truyền đạt mệnh lệnh:
          - Ta đến quân doanh uý lạo tướng sĩ.  
          Lúc này, Chu Á Phu mới hạ lệnh mở doanh môn để cho xa giá tiến vào. Lúc tiến vào, quan quân canh giữ doanh môn trịnh trọng nói với nhân viên tuỳ tùng của Văn Đế:
          - Tướng quân có quy định, trong quân doanh, xe ngựa không được cưỡi chạy.
          Văn Đế nghe qua, đành bảo thả lỏng dây cương, từ từ dắt bộ. Văn Đế đến doanh trướng trung quân, thấy Tướng quân Chu Á Phu mặc toàn bộ quân trang, tay cầm binh khí, đứng uy phong lẫm liệt. Trông thấy Văn Đế, Chu Á Phu chỉ chấp tay biểu thị hoan nghinh, nói rằng:
          - Thần trên người đầy quân trang, không thể hạ bái theo lệ. Xin cho phép thần lấy quân lễ triều kiến hoàng thượng.
          Văn Đế nghe qua bị chấn động, trên mặt lập tức lộ vẻ nghiêm túc, liền tựa vào thanh gỗ ngang phía trước xe đáp lễ; đồng thời sai người lên phía trước đáp từ:
          - Hoàng thượng uý lạo Tướng quân.
          Nghi thức uý lạo hoàn tất, Văn Đế rời quân doanh. Ra khỏi doanh môn Tế Liễu, quan viên tuỳ tùng đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Văn Đế lại tán thán rằng:
          - Đó mới là Tướng quân chân chính. Khi trước, ta thấy đội ngũ ở Bá Thượng và Cức Môn giống như bọn trẻ đang chơi đùa, nếu quân địch đánh lén, bắt đi Tướng quân của chúng rất dễ dàng. Còn như Á Phu, quân địch có thể dễ dàng xâm phạm sao?
          Qua hơn một tháng sau, tình hình chuyển biến tốt, đại quân 3 lộ đều triệt bỏ, Văn Đế bèn nhậm mệnh Chu Á Phu làm Trung uý, phụ trách trị an kinh thành. Nhân đó, người đời sau gọi quân doanh có kỉ luật nghiêm minh là “Tế Liễu doanh” 细柳营.
          Văn Đế rất trọng Chu Á Phu, lúc lâm chung, dặn thái tử Lưu Khải 刘启rằng:
          - Nếu quốc gia gặp phải sự cố nghiêm trọng, thì Chu Á Phu quả thực có thể gánh vác nhiệm vụ quan trọng là thống lĩnh quân đội.
          Văn Đế qua đời, Lưu Khải kế vị, xưng là Cảnh Đế 景帝. Cảnh Đế nhậm mệnh Chu Á Phu làm Xa kị Tướng quân.
          Năm 154 trước công nguyên, liên quân 7 nước chư hầu Ngô, Sở phát động phản loạn. Cảnh Đế phái Chu Á Phu lấy thân phận Trung uý làm thay chức vụ của Thái uý (nhân vì khi Văn Đế qua đời năm 177 trước công nguyên, đã phế bỏ chức quan Thái uý này), dẫn quân tiến về phía đông dẹp loạn. Trước khi đi, Chu Á Phu thỉnh cầu Cảnh Đế:
          - Quân Sở nhanh nhẹn mau lẹ, khó mà cùng họ tranh phong chính diện. Chúng ta có thể tạm thời bỏ nước Lương cho nước Ngô chiếm lấy, sau đó chặt đứt đường vận chuyển lương thực của quân địch, như vậy mới có thể chế phục được.
          Cảnh Đế đồng ý theo kế hoạch đó.  (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 09/10/2018

Nguyên tác Trung văn
TẾ LIỄU DOANH
细柳营
 Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生, Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post