Dịch thuật: Tôn Tẫn (tiếp theo kì 2)

TÔN TẪN
(tiếp theo kì 2)

          Nguỵ Huệ Vương nhìn thấy bức thư do đích thân Tôn Tẫn viết, rất giận dữ.
          Bàng Quyên nói rằng:
          - Tổ phụ Tôn Tẫn là Tôn Vũ từng là Đại tướng  nước Ngô, về sau vẫn không thiên về nước Tề sao. Ai lại bằng lòng phản bội tổ quốc của mình chứ?  Đại vương trọng dụng Tôn Tẫn, cũng bằng với việc nuôi hổ gây hoạ. Nếu Tôn Tẫn được nước Tề trọng dụng, tất sẽ cùng Nguỵ tranh bá. Chi bằng đại vương giết Tôn Tẫn đi để tuyệt hậu hoạn.
          Nguỵ Huệ Vương bảo rằng:
          - Tôn Tẫn theo lời mời mà tới, nếu ta giết Tôn Tẫn, e rằng không có ai dám đến với ta.
          Bàng Quyên nói rằng:
          - Thần có một kế, có thể khảo nghiệm.
          Nguỵ Huệ Vương bảo:
          - Có cao kiến gì?
          Bàng Quyên đáp:
          - Thần đi khuyên Tôn Tẫn, nếu chịu ở lại nước Nguỵ, đại vương phong thưởng cho ông ta, nếu không chịu ở lại, đại vương giao cho thần xử trí.
          Nguỵ Huệ Vương đồng ý.
          Bàng Quyên đến phủ Tôn Tẫn, hỏi có phải là nước Tề cho người tới không? Tôn Tẫn cứ theo sự thực mà trả lời. Bàng Quyên hướng đến Tôn Tẫn biểu  thị vui mừng, đồng thời khuyên Tôn Tẫn giả xin về quên thăm người thân. Hiện giờ không có chiến tranh, Tôn Tẫn động lòng hồi hương.
          Buổi triều sớm ngày hôm sau, Tôn Tẫn dâng biểu xin giả hồi hương thăm người thân và tảo mộ. Nguỵ Huệ Vương đại nộ, ghép tội tư thông với địch, ra lệnh bắt lại giao cho Bàng Quyên hỏi tội. Bàng Quyên thấy Tôn Tẫn, vờ thất kinh, nói rằng sẽ đi đến chỗ Nguỵ Huệ Vương cầu xin. Tôn Tẫn nói rằng:
          - Hết thảy nhờ hiền đệ cứu giúp.
          Bàng Quyên vào cung nói với Nguỵ Huệ Vương:
          - Theo ngu kiến của thần, chi bằng xử “nguyệt hình” 刖刑  để thành
người tàn phế. Như vậy đại vương sẽ không bị tiếng ác giết hiền tài, há chẳng phải là diệu kế sao?
          Nguỵ Huệ Vương đồng ý.
          Bàng Quyên lui về nói với Tôn Tẫn:
          - Đại vương muốn giết anh, em thỉnh cầu một lần nữa, mới đổi “tử hình” sang “nguyệt hình”. Anh đừng trách em, em đã làm hết sức mình!
          Nói xong, Bàng Quyên khóc rơi nước mắt lộ vẻ đau buồn. Tôn Tẫn cảm kích ơn cứu mạng của Bàng Quyên. Bàng Quyên hạ lệnh hành hình, ra lệnh xong liền đi tránh.
          Người chấp hành hình phạt khoét xương 2 đầu gối của Tôn Tẫn. Tôn Tẫn đau đến mức ngất đi, trên mặt còn thích 4 chữ “tư thông ngoại quốc”, dùng mực đồ lên. Bàng Quyên ôm lấy Tôn Tẫn khóc lớn, lại còn tận tính chăm sóc, bôi thuốc, đưa cơm đưa nước Tôn Tẫn.
          Hai tháng sau, vết thương của Tôn Tẫn giảm dần, nhưng suốt đời còn lại thành tàn phế. Tôn Tẫn tuy thành tàn phế, nhưng cảm kích Bàng Quyên vạn phần. Bàng Quyên thỉnh cầu Tôn Tẫn trao bộ Tôn Tử binh pháp cũng những chú giải. Tôn Tẫn không nỡ cự tuyệt. Từ đó, Tôn Tẫn dựa vào trí nhớ khắc lại dần từng chương.
          Bàng Quyên sai Thành Nhi 诚儿hầu hạ và giám sát Tôn Tẫn. Hàng ngày Thành Nhi đều bẩm báo với Bàng Quyên về những ngôn hành của Tôn Tẫn. Con người Tôn Tẫn hoà khí, trước giờ chưa từng giận với Thành Nhi, mà còn chịu khó dạy cho binh pháp, xem Thành Nhi như là anh em. Ngày nọ, gia nô Từ Giáp 徐甲 trong lúc vô ý lỡ miệng nói:
          - Đợi Tôn Tẫn khắc xong “Tôn Tử bính pháp” chúa công sẽ cho ông ta chết đói.
          Thành Nhi cảm thấy rất giận, lén nói lại với Tôn Tẫn. Tôn Tẫn nghe qua suốt đêm không ngủ, tìm kế thoát thân. Lúc bấy giờ, Tôn Tẫn mới nhớ đến túi gấm mà sư phụ trao cho, liền mở ra xem, bên trong là một bức lụa vàng, viết 3 chữ “trá phong ma”  诈疯魔 (giả điên).
          Sáng sớm hôm sau, Thành Nhi đem đến rất nhiều rượu và thức ăn, Tôn Tẫn đem rượu và thức ăn vung trên mặt đất, lại đem những trúc giản chưa khắc xong đốt đi, miệng không ngừng chửi rủa, lời lẽ không đầu đuôi thứ tự gì cả.
          Hành động bất thường của Tôn Tẫn khiến Bàng Quyên cảnh giác, Bàng Quyên đích thân đến xem xét. Tôn Tẫn đầu tóc rối bời, hai mắt nhìn thẳng Bàng Quyên rồi hét lớn:
          - Sư phụ! sư phụ mau đến cứu đệ tử!
          Bàng Quyên nói rằng:
          - Em là Bàng Quyên, không phải sư phụ.
          Tôn Tẫn nói:
          - Đừng gạt con, con có thiên binh thiên tướng, Nguỵ Vương muốn giết con, thật là ác độc, đừng gạt con!
          Tôn Tẫn lăn lộn trên mặt đất, miệng nói lảm nhảm.
          Bàng Quyên phái một số mĩ nữ đến hầu hạ Tôn Tẫn. Ngày kia, có một mĩ nữ lén nói với Tôn Tẫn:
         - Em rất đồng tình với cảnh ngộ của tiên sinh. Em muốn cứu tiên sinh, tiên sinh mau ăn đi, em giúp tiên sinh bỏ trốn.
          Tôn Tẫn phun vào mặt cô ta một bãi đờm, nói rằng:
          - Nàng là yêu quái, ta không ăn thuốc độc! ở chỗ của ta có thức ăn ngon!
          Cô ta sau khi về đã báo lại với Bàng Quyên.  
          Bàng Quyên sai Thành Nhi kéo Tôn Tẫn đến chuồng heo. Trong chuồng, Tôn Tẫn nằm nghiêng không chịu đi, lại còn bốc từng nắm lớn phân heo nhét vào miệng, nói lảm nhảm rồi bò tới bò lui.
          Một ngày nọ, Bàng Quyên ngầm sai người đưa rượu và thức ăn. Người nọ nói là lén đem đến, tỏ ý thương xót Tôn Tẫn bị khoét đầu gối . Tôn Tẫn mắng rằng:
          - Ngươi đến bỏ độc ta chăng?
          Bèn đem rượu và thức ăn quăng đi. Người nọ thuận tay nhặt lấy phân heo đưa cho Tôn Tẫn. Tôn Tẫn không do dự ăn liền. Người nọ báo lại Bàng Quyên như thực.
          Bàng Quyên than rằng:
          - Hắn điên thật rồi! Ta vĩnh viễn không có được bộ “Tôn Tử binh pháp”!
          Một tháng sau, Tôn Tẫn gầy ốm chỉ còn da bọc xương, lúc nằm ngủ trông giống thây ma. Bàng Quyên vẫn sai Thành Nhi hàng ngày bẩm báo lại tình hình. Tôn Tẫn hành tung vô định, sáng sớm ra đi chiều tối mới trở về, lấy chuồng heo làm nhà, có khi suốt đêm không về, ngủ ở bên đường.
          Ngày nọ, Mặc Tử vân du đến nước Tề, ở nhờ nhà đại thần Điền Kị 田忌. Chẳng bao lâu, đệ tử Cầm Hoạt 禽滑 từ nước Nguỵ trở về, Mặc Địch hỏi:
          - Tôn Tẫn ở nước Nguỵ có tốt không?
          Cầm Hoạt kể lại sự việc Tôn Tẫn bị khoét đầu gối. Mặc Địch than rằng:
          - Ta vốn muốn giúp Tôn Tẫn, nào ngờ lại hại Tôn Tẫn.
          Mặc Địch đem chuyện của Tôn Tẫn nói lại với Điền Kị, Điền Kị rất đồng cảm, vội dâng tấu lên Tề Uy Vương. Tề Uy Vương bảo rằng:
          - Không ngờ nước Tề có bậc kì tài như thế, sao lại để cho ông ấy chết ở tha hương? Quả nhân tức khắc phát binh đón Tôn Tẫn về nước.
          Điền Kị khuyên rằng:
          - Nước Nguỵ làm sao lại thả Tôn Tẫn về lại nước Tề? Đại vương chỉ có thể dùng mưu trí, không thể cướp lấy.
          Tề Uy Vương lệnh cho khách khanh Thuần Vu Khôn 淳于髡làm sứ giả, Cầm Hoạt làm tuỳ tùng, mượn cớ dâng trà đến nước Nguỵ để cứu Tôn Tẫn.
          Thuần Vu Khôn đến nước Nguỵ bái qua Nguỵ Huệ Vương, dâng lên mấy thùng trà nổi tiếng. Nguỵ Huệ Vương rất vui mừng, chuẩn bị khách quán cho Thuần Vu Khôn. Tuỳ tùng Cầm Hoạt lén ra ngoài tìm Tôn Tẫn.
          Một buổi tối nọ, Cầm Hoạt trông thấy Tôn Tẫn đang ngồi bên lan can giếng, liền bước tới nói nhỏ:
          - Tôi là Cầm Hoạt, học trò của Mặc Tử, ông còn nhớ tôi không?  Ân sư đã đem sự việc của ông bẩm báo lên Tề Uy Vương, Tề Uy Vương phái chúng tôi
đến cứu ông đây. Ông chớ nên nghi ngờ tôi.
          Tôn Tẫn không nói tiếng nào, qua một lúc lâu, Tôn Tẫn nói:
          - Bàng Quyên tâm địa độc ác, e rằng tôi thoát không được! 
          Cầm Hoạt bảo rằng:
          - Ông yên tâm, chúng tôi có cách.
         Tôn Tẫn cho rằng, đây có thể là cơ hội trốn thoát duy nhất của mình liền gật đầu. Một lúc sau, hai người hẹn địa điểm và thời gian ngày hôm sau chạy trốn.
          Ngày hôm sau, Thuần Vu Khôn khởi trình về nước. Nguỵ Hệ Vương đích thân mang rượu đưa tiễn, Bàng Quyên cũng mang rượu đưa tiễn. Cầm Hoạt sớm đã giấu Tôn Tẫn trong xe, sai tuỳ tùng Vương Nghĩa 王义mặc quần áo của Tôn Tẫn, để tóc rối bù, dùng bùn đen bôi lên mặt, giả trang thành Tôn Tẫn.
          Đến lúc khởi hành, Cầm Hoạt đánh xe chạy nhanh, Thuần Vu Khôn kèm phía sau, cuối cùng đến được biên giới nước Tề.
          Hai ngày sau, Thành Nhi mới bẩm báo với Bàng Quyên: bên cạnh giếng sâu để lại một chiếc giày của Tôn Tẫn, nói rằng Tôn Tẫn đã nhảy xuống giếng, Bàng Quyên tin cho là thật.  (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 17/5/2018

Nguyên tác
TÔN TẪN
孙膑
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post