Dịch thuật: Lục quốc tước nhược, Tần quốc xưng hùng (kì 2)

LỤC QUỐC TƯỚC NHƯỢC (1), TẦN QUỐC XƯNG HÙNG
(kì 2)

          Thời Tần Chiêu Vương, thế lực có thể đối địch với Tần chỉ có nước Tề ở phía đông. Cả hai trở thành hai cường quốc đối đầu nhau. Năm 288 trước công nguyên, để phá tan liên minh hợp tung , làm suy yếu lực lượng nước Tề, Tần phái Nguỵ Nhiễm hẹn cùng Tề xưng đế, điều kiện là Tần Tề cùng phạt Sở, Tề Mẫn Vương 齐湣王 vui vẻ nhận lời. Thế là, Tề xưng Đông đế, Tần xưng Tây đế. Nhưng để cô lập Tần, Tề tranh thủ thiên hạ quy tâm, chẳng bao lâu bỏ đế hiệu, Tần cũng theo đó bỏ xưng đế. Lúc bấy giờ, Tần Tề cờ trống ngang nhau. Mãi đến năm 286 trước công nguyên, sau khi Tề diệt Tống, lại xâm chiếm nước Sở phía nam, xâm chiếm “tam Tấn” phía tây, lại còn có ý thay thế nhà Chu, nhiều nước chư hầu đều sợ. Thế của nước Tề bức bách, Tần bị uy hiếp. Năm 285 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương phái đại tướng Mông Vũ 蒙武 đem quân phạt Tề, đoạt lấy 9 thành. Qua 1 năm, lại liên hiệp với Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, phát động đại chiến đánh Tế Tây 济西 của Tề. Nước Tề bị bại, mất đi địa vị cường quốc.
          Tiếp đó, Tần đánh bại nước Sở. Từ sau khi Tần đoạt  được Hán Trung, đối với nước Sở vẫn từng bước uy hiếp. Năm 299 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương trá xưng tại hẹn gặp Sở Hoài Vương tại Vũ Quan 武关, thừa cơ bắt Sở Hoài Vương đến Hàm Dương 咸阳, yêu cầu cắt nhường quận Vu và quận Kiềm Trung 黔中, nhưng bị Sở Hoài Vương cự tuyệt. Sở Hoài Vương bị giam giữ 3 năm, cuối cùng bệnh chết ở nước Tần. Tần không chịu thôi, u cấm bất thành, đổi sang dùng võ công. Năm 280 trước công nguyên, tướng Tần Tư Mã Thác phát binh Lũng Tây 陇西, đánh bại quân Sở. Nước Sở bị bức phải cắt nhường Thượng Dung 上庸 (nay là phía tây bắc huyện Phòng Hà Bắc 河北), và bờ bắc Hán thuỷ. Năm sau lại sai Bạch Khởi 白起 đánh Sở, cho tháo nước vào thành Yên  (nay là phía đông nam Nghi Thành 宜城 Hồ Bắc 湖北) khiến quân Sở thất bại thảm hại. Năm 278 trước công nguyên, Bạch Khởi thừa thắng công phá kinh đô nước Sở là Dĩnh (nay là phía tây bắc Giang Lăng 江陵 Hồ Bắc 湖北). Sở Tương Vương đào thoát đến Trần (nay là huyện Hoài Dương 淮阳Nam 河南). Sau khi Tần đoạt lấy Yên, Dĩnh, lập làm Nam quận ở đây. Tiếp đó, Tần lệnh cho thái Thú đất Thục là Trương Nhược 张若dẫn quân xuống phía đông, đoạt được quận Vu và quận Kiềm Trung của Sở. Đến đây nước Sở với xưng hiệu bách vạn hùng binh chỉ còn lại mười mấy vạn binh lực. Nước Sở cũng quỵ ngã không phấn chấn lên được.
          Sau khi phá Sở, quân Tần chuyển quân lên phía bắc đánh “tam Tấn”. Sau 15 năm từ khi Tần Chiêu Vương tức vị, khoảng 24 năm, Tần liên tiếp dụng binh đối với Nguỵ, Hàn, lãnh thổ xâm chiếm tương đối khả quan. Hai nước Nguỵ Hàn dần yếu đi, mục tiêu công kích của quân Tần bèn hướng đến đối thủ khác, đó là nước Triệu.
          Triệu nối tiếp Nguỵ, Tề, Sở, là cường quốc thời Chiến Quốc, mối quan hệ giữa Tần và Triệu sau thời Tần Huệ Vương, chiến tranh giữa hai nước ngày càng tăng. Từ khi Tần Vũ Vương tức vị đến đầu thời Tần Chiêu Vương, quan hệ song phương bình lặng lại, trong khoảng thời gian hơn 10 năm không thấy binh hoả. 30 năm sau đó, hai nước lúc chiến lúc hoà. Năm 270 trước công nguyên, Tần phát binh công Triệu, quân hai nước đánh nhau tại Át Dữ 阏与 (nay là Hoà Thuận 和顺 Sơn Tây 山西). Danh tướng nước Triệu là Triệu Xa 赵奢 kiên quyết giữ thành không đánh, về sau lại chiếm lấy Bắc sơn 北山, dẫn binh đại phá quân Tần, khiến quân Tần chịu không ít thảm bại.
          Từ đó, Tần nhậm dụng Phạm Thư 范雎làm Tướng, thực hành sách lược “viễn giao cận công”, đem binh lực chủ yếu chuyển hướng đánh Nguỵ, Hàn. Năm 262 trước công nguyên, quân Tần chiếm lĩnh Dã Vương 野王(nay là huyện Thấm Dương 沁阳Nam 河南), cắt đứt mối quan hệ giữa quận Thượng Đảng 上党 với nước Hàn, Thái thú Thượng Đảng quy phụ nước Triệu. Tần bất mãn nước Triệu tiếp nạp Thượng Đảng, năm sau phái Vương Hột 王齕 tấn công  Thượng Đảng, Triệu sai Liêm Pha 廉颇 kháng cự tại Trường Bình 长平. Quan hệ hai nước căng thẳng, năm 260 trước công nguyên, cuối cùng nổ ra trận đại chiến Trường Bình.
          Trường Bình (nay là phía tây bắc huyện Cao Bình 高平Sơn Tây 山西) trong địa phận Thượng Đảng, do danh tướng nước Triệu là Liêm Pha đem quân trấn giữ. Lúc đầu trận đại chiến, thế lực tấn công của quân Tần mạnh, quân Triệu tổn hao binh tướng, liên tiếp bất lợi. Liêm Pha dùng thế thủ, kiên quyết giữ thành không đánh nhắm để tiêu hao lực lượng quân Tần. Tần dùng kế phản gián, phao tin Liêm Pha khiếp sợ muốn đầu hàng, Tần chỉ có sợ Triệu Quát 赵适 cầm quân. Triệu Vương quả nhiên trúng kế, dùng Triệu Quát thay Liêm Pha làm tướng. Tần Chiêu Vương nghe tin, lập tức thay đổi chủ tướng quân Tần, dùng Bạch Khởi 白起 làm Thượng tướng quân, đem quân đánh Triệu. Triệu Quát tuy là con của danh tướng Triệu Xa, nhưng mẫu thân biết rõ Triệu Quát không có tài cầm quân, nên ra sức khuyên Triệu Vương thu hồi mệnh lệnh, nhưng bị cự tuyệt. Thế là Triệu Quát ngạo nhiên làm tướng, thay đổi sự sắp xếp bố trí trước đó của Liêm Pha, hạ lệnh xuất binh đánh Tần. Tướng Tần là Bạch Khởi giả vờ thua chạy, dẫn quân Triệu đến dưới công sự phòng ngự của quân Tần, đồng thời sai kị binh chặn phía sau, chia quân Triệu ra làm hai, Tần Chiêu Vương đích thân đến Hà Bắc, trưng phát thanh niên nơi đó từ 15 tuổi trở lên đến Trường Bình, cắt đứt đường viện binh và lương thực của quân Triệu. Quân Triệu bị đói 46 ngày, rốt cuộc giết người để ăn đỡ đói. Để đột phát vòng vây của quân Tần, Triệu Quát chia binh ra làm 4 đội, mấy lần thay nhau phá vòng vây, nhưng đều không thành công. Cuối cùng, Triệu Quát dốc hết toàn lực đích thân dẫn tinh binh xông lên, kết quả bị quân Tần bắn chết. Sau khi quân Tần đánh bại quân Triệu, đem hơn 40 vạn người đã đầu hàng chôn sống, chỉ thả cho về 240 người nhỏ yếu.
          Sau trận Trường Bình, lực lượng quân Triệu bị suy yếu, Bạch Khởi chuẩn bị thừa thắng bao vây Hàm Đan, công diệt nước Triệu. Phạm Thư đố kị Bạch Khởi công cao, bèn thuyết phục Tần Vương, đồng ý nước Triệu cắt đất cầu hoà. Từ đó mối quan hệ giữa Bạch Khởi và Phạm Thư trở nên bất hoà.
          Năm 259 trước công nguyên, Tần sai Vương Lăng đem quân đánh Triệu, Bạch Khởi nhân bị bệnh không đi. Vương Lăng tấn công đô thành nước Triệu là Hàm Đan, gặp phải sự kháng cự của quân dân nước Triệu, quân Tần thất lợi. Tần Chiêu Vương sai Bạch Khởi thay Vương Lăng, nhưng Bạch Khởi cho rằng, Tần trải qua trận Trường Bình tổn thất không nhỏ, nay viễn chinh Hàm Đan, nước Triệu bên trong khích lệ động viên sĩ tốt, bên ngoài liên kết chư hầu, nội ứng ngoại hợp, quân Tần sẽ bị thua. Bạch Khởi không chủ trương hưng sư phạt Triệu nữa, bèn cáo bệnh không đi, Chiêu Vương lại sai Vương Hột thay Vương Lăng. Lại trải qua sự tiến cử của Phạm Thư, dùng Trịnh An Bình 郑安平 làm tướng quân, đem quân bao vây Hàm Đan.
          Sau khi Hàm Đan bị bao vây, nước Triệu phái Bình Nguyên Quân Triệu Thắng 平原君赵胜 cầu viện chư hầu. Bình Nguyên Quân có mối quan hệ hôn nhân với nước Nguỵ. Bình Nguyên Quân yêu cầu nước Nguỵ xuất binh, Nguỵ Vương sợ Tần báo thù, sai Tấn Bỉ 晋鄙thống lĩnh 10 vạn Nguỵ binh cứu Triệu nhưng giữ thái độ kiên trì quan sát. Nhân đó, Nguỵ công tử Vô Kị 无忌không thể không trộm hổ phù, đoạt lấy binh quyền của Tấn Bỉ, phát binh đánh quân Tần đang vây Triệu. Bình Nguyên Quân lại dẫn đám môn khách 20 người trong đó có Mao Toại 毛遂, kết minh với Sở để kháng Tần, quân Sở cứu Triệu do Xuân Thân Quân Hoàng Yết 春申君黄歇thống lĩnh, cũng đồng thời bắt đầu đến Hàm Đan. (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Tước nhược 削弱: (lực lượng, thế lực) yếu đi.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 07/5/2018

Nguyên tác Trung văn
LỤC QUỐC TƯỚC NHƯỢC, TẦN QUỐC XƯNG HÙNG
六国削弱, 秦国称雄
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post