Dịch thuật: Lục quốc tước nhược, Tần quốc xưng hùng (kì 1)

LỤC QUỐC TƯỚC NHƯỢC (1), TẦN QUỐC XƯNG HÙNG
(kì 1)

          Năm 259 trước công nguyên, một đứa bé công tử nước Tần ra đời tại đô thành Hàm Đan 邯郸của nước Triệu. Đứa bé đó họ Doanh , tên Chính , chính là Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇sau này.
          Phụ thân của Doanh Chính là Dị Nhân 异人, còn có tên là Tử Sở 子楚, là cháu thứ của Tần Chiêu Vương 秦昭王, là con thứ của Hiếu Văn Vương 孝文王. Mẫu thân của Dị Nhân là Hạ Cơ 夏姬 không được sủng ái, Dị Nhân từng làm “con tin” được phái sang nước Triệu, ngụ cư tại đô thành Hàm Đan. Cuối thời Tần Chiêu Vương, quan hệ Tần Triệu căng thẳng, Dị Nhân ở vào cảnh khốn đốn. Đương thời, phú thương vùng Dương Địch 阳翟 (nay là huyện Vũ Hà Nam 河南) là Lữ Bất Vi 吕不韦đang kinh thương tại Hàm Đan, kết giao với công tử nước Tần đang bị quẫn bách, cho rằng “kì hoá khả cư”奇货可居, bèn lấy vàng mua chuộc sủng thê Hoa Dương phu nhân 华阳夫人của Hiếu Văn Vương, lập Dị Nhân làm thái tử, có được tư cách kế thừa vương vị.
          Phụ thân Hiếu Văn Vương của Dị Nhân là vị quốc quân đoản mệnh, tức vị chỉ có 3 ngày đã mất, Dị Nhân nhân đó được lập làm Trang Tương Vương 庄襄王. Vị vương tôn từng thất ý này, một bước đã làm quốc quân, đối với Lữ Bất Vi hết sức kính trọng. Lữ Bất Vi có công lập người thừa tự, được làm Tướng quốc nước Tần, phong là Văn Tín Hầu 文信侯, thực Lạc ấp 10 vạn hộ, gia đồng hơn vạn người.
          Nhưng, Trang Tương Vương cũng là vị quốc quân đoản mệnh. Năm 246 trước công nguyên, Trang Tương Vương tại vị không quá 3 năm đã qua đời, Doanh Chính 13 tuổi bước lên vương vị, Lữ Bất Vi được tôn là “trọng phụ” 仲父, nắm giữ đại quyền triều chính nước Tần. Tần Vương Chính tuy tuổi còn nhỏ, nhất thời không thể thân chính, nhưng tổ tiên của ông đã hoàn thành thống nhất đại nghiệp để lại một “di sản” đồ sộ.
          Nguyên là, vào sơ kì thời Chiến Quốc, 7 nước Tề, Sở, Yên, Triệu, Nguỵ, Hàn, Tần cùng liệt vào “Chiến Quốc thất hùng”. Trong đó, nước Tần ở tại Ung Châu 雍州xa xôi, mọi người xem như “di địch”, so với 6 nước Sơn Đông, Tần là một nước chư hầu tương đối lạc hậu. Mãi đến khi Tần Hiếu Công tức vị, nhậm dụng Thương Ưởng 商鞅, biến pháp đồ cường, nước Tần mới phát sinh sự thay đổi to lớn. Đặc biệt là chấp hành chính sách khuyến khích vừa canh tác vừa chiến đấu, khiến thực lực kinh tế và lực lượng quân sự nước Tần tăng trưởng nhanh chóng. Năm 340 trước công nguyên, Thương Ưởng dẫn quân đông chinh, đánh bại nước Nguỵ cường thịnh, bắt được tướng Nguỵ là công tử Ngang , bắt đầu hiển lộ dấu vết “hùng chư hầu” của nước Tần. Từ đó, nước Tần lạc hậu dần bước lên chiếm vị trí hàng đầu trong “thất hùng”, biến pháp của Thương Ưởng cải cách xã hội trở thành một bước ngoặt phát triển của lịch sử nước Tần.
          Sau khi Tần Hiếu Công qua đời, Tần Huệ Văn Vương kế vị. Thực lực quân sự nước Tần lúc bấy giờ, đã có thể gập tay mà đếm trong số các nước chư hầu. Một đội quân thường bị khoảng 100 vạn, là một trong quốc gia có lực lượng  quân sự mạnh nhất. Thực lực nước Tần phát triển nhanh như thế, uy vọng của nước Tần ngày càng tăng. Lúc ban đầu khi Tần Huệ Văn Vương lên ngôi, Sở, Hàn, Triệu, Thục lần lượt nhập Tần chúc mừng, ngay cả Chu thiên tử cũng đem lễ vật đến, đối với vị tân quốc quân biểu thị chúc mừng.
          Sau khi Tần Huệ Văn Vương kế vị Hiếu Công, dựa vào lực lượng quân sự hùng hậu, nhiều lần đánh bại nước Nguỵ cường địch ở vùng Sơn Đông xa xôi. Năm 331 trước công nguyên, Tần đánh bại quân Nguỵ, chém đầu 8 vạn người, bắt được tướng Long Giả 龙贾, nước Nguỵ bị bức phải cắt vùng Hà Tây 河西(nay là vùng từ phía đông huyện Trừng Thành 澄城 Thiểm Tây 陕西 đến Hoàng hà) để cầu hoà. Tiếp đó, quân Tần vượt Hoàng hà, thế như chẻ tre, trước sau đánh chiếm Phần Dương 汾阳 (nay là Vinh Hà 荣河 Sơn Tây 山西), Bì Thị 皮氏 (nay là huyện Hà Tân 河津Sơn Tây 山西), lại bao vây ấp Tiêu (trong địa phận huyện Thiểm Hà Nam 河南hiện nay)  nước Nguỵ và Khúc Ốc 曲沃 (nay là phía tây nam huyện Thiểm Hà Nam), nước Nguỵ lại đem 15 huyện của Thượng Quận 上郡 dâng cho nước Tần. Trong thời gian 3 năm, Tần liên tiếp đánh bại nước Nguỵ, thu phục vùng đất bị mất là Hà Tây, đoạt lấy Hoàng hà hiểm trở, uy chấn các chư hầu Sơn Đông.
          Nước Tần lần lượt tiến binh về phía đông, và đã giành được thắng lợi, một số chư hầu trông thấy sinh ra sợ hãi, nhân đó mới hưng khởi trào lưu “hợp tung”  kháng Tần. Để đối đầu, Tần Huệ Văn Vương dùng Trương Nghi 张仪người nước Nguỵ làm Tướng, dùng kế sách “liên hoành”, đối phó với lực lượng “hợp tung” kháng Tần. Năm 318 trước công nguyên, 5 nước Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, Tề liên hợp cùng Hung Nô kháng Tần, quân Tần đánh bại đội quân Hàn, Triệu tại Tu Ngư 修鱼 (nay là phía tây nam huyện Nguyên Dương 原阳 Hà Nam 河南) tướng nước Hàn là Thân Sai 申差bị bắt, hơn 8 vạn người bị giết. Lần “hợp tung” kháng Tần này thất bại cáo chung.
          Đại cục phương bắc của Tần đã ổn định, Tần bèn đem quân chủ lực hướng đến Ba Thục ở Tây Nam và nước Sở ở đông nam. Thực lực nước Sở lúc bấy giờ mạnh hơn nước Nguỵ, lại là láng giềng phía đông nam của nước Tần, thường uy hiếp nước Tần. Tần xem Sở như mối hoạ trong lòng, nên sớm từ thời Sở Uy Vương 楚威王,Tần đã có dã tâm đối với Ba Thục và Hán trung. Quả nhiên 13 năm sau, khi Sở Uy Vương qua đời, tướng Tần là Tư Mã Thác 司马错đem quân xuống phía nam, diệt đất Thục ở tây nam, tiếp đó lại thôn tính đất Ba, mục tiêu kế tiếp là Hán trung của Sở. Nhưng, đương thời Tề Sở kết minh, Tần không dám khinh suất vọng động. Thế là Tần Huệ Văn Vương phái Trương Nghi đi sứ sang Sở, khuyên Sở Hoài Vương 楚怀王 tuyệt giao với Tề, nguyện đem tặng vùng đất 600 dặm ở Thương Ư 商於 (nay là phía đông nam huyện Thương Thiểm Tây 陕西, Tây Thiểm 西陕 Hà Nam 河南). Sở Hoài Vương hôn dung vui ra mặt, lập tức tuyệt giao với Tề. Khi Sở Hoài Vương phái người đến Tần nhận đất, Trương Nghi lại biểu thị chỉ có thể tặng 6 dặm. Sở Hoài Vương đại nộ, 2 lần phát binh công Tần, kết quả đều bị đánh bại, tướng Sở là Khuất Cát 屈匃bị bắt, 600 dặm quận Hán trung lọt vào tay nước Tần. Quân Sở bại hết trận này đến trận khác, tổn hao nguyên khí, quốc lực bắt đầu suy yếu.
          Từ đó, Hán Trung và Ba Thục nối liền thành một vùng, lần lượt nhập vào bản đồ nước Tần. Tần chiếm một hậu phương ổn định và giàu có, giải trừ nỗi lo tiến về phía đông.
          Nhưng, “tráng chí” của Tần Huệ Văn Vương chưa nguôi thì sớm đã qua đời. Người con là Tần Vũ Vương 秦武王chỉ mới có 4 tuổi lên kế vị , và cũng qua đời. Vương vị của nước Tần do một người con khác của Tần Huệ Văn Vương kế thừa, đó chính là Tần Chiêu Vương 秦昭王.
          Tần Chiêu Vương tức vị, nhân vì tuổi còn nhỏ, mẫu thân là Tuyên thái hậu lâm triều, lại nhậm dụng Nguỵ Nhiễm 魏冉 (em trai lớn khác cha của Tuyên thái hậu) làm Tướng, xử lí chính vụ. Nước Tần triều Tần Chiêu Vương, triều chính hoàn toàn do Tuyên thái hậu và Nguỵ Nhiễm khống chế. (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Tước nhược 削弱: (lực lượng, thế lực) yếu đi.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 06/5/2018

Nguyên tác Trung văn
LỤC QUỐC TƯỚC NHƯỢC, TẦN QUỐC XƯNG HÙNG
六国削弱, 秦国称雄
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post