Dịch thuật: Trụ vương chế bào lạc (tiếp theo)

TRỤ VƯƠNG CHẾ BÀO LẠC
(tiếp theo)

          Tây Bá Xương đang ở nơi dưỡng bệnh, bỗng nhiên bên ngoài truyền báo sứ giả của Trụ vương đến ban cho tương thịt Cửu Hầu và khô thịt Ngạc Hầu. Tây Bá thất kinh ngơ ngác, toàn thân phát lạnh, nghĩ đến cùng với họ làm Tam công, nay hai người họ một buổi sớm vào triều, trong khoảnh khắc gặp phải điều bất hạnh như thế, thế là nước mắt tuôn rơi. Sùng Hầu Hổ 崇侯虎là tâm phúc của Trụ vương, chuyên giúp Trụ vương làm chuyện bạo ngược, lúc này đang ở chỗ Tây Bá, nhìn thấy Tây Bá như thế vội đi báo với Trụ vương, đồng thời thừa cơ dâng lời gièm pha, nói Tây Bá bình thường giả nhân giả nghĩa, giành được sự tín nhiệm và ủng hộ của nhiều chư hầu, nếu không trừ khử, đó là một hoạ căn rất lớn. Trụ vương nghe lời của Sùng Hầu Hổ, liền hạ lệnh bắt  Tây Bá áp giải về Dũ Lí 羑里 (nay là Thang Âm 汤阴Nam 河南). Sau khi Tây Bá bị giam giữ, trong lòng căm giận bất bình, nhưng cũng biết đang ở vào tình huống nguy hiểm, người chung quanh đều là thân tín của Trụ vương, nếu không cẩn thận sẽ theo vết xe đổ của Cửu Hầu, Ngạc Hầu, ông đành giả vờ như không có chuyện gì, đối với Trụ vương vẫn biểu thị sự trung thành cung thuận, không hề có chút oán hận. Lúc rỗi rãi  buồn chán liền đem 8 quẻ do Phục Hi 伏羲vẽ ra nghiên cứu. Tây Bá nghiên cứu rất chuyên tâm, đem 8 quẻ diễn biến thành 64 quẻ. Thành quả nghiên cứu của Tây Bá được bảo tồn, truyền thuyết nói rằng đó chính là bộ Chu Dịch 周易 (tức Dịch kinh 易经) mà hiện nay chúng ta thấy. Chu Dịch là bộ kinh đầu tiên của Trung Quốc.
          Phong quốc của Tây Bá tại Chu (nay là Kì Sơn Thiểm Tây). Trong nước nghe được tin tức Tây Bá bị giam giữ, ai nấy cũng đều lo lắng, các đại thần bàn cách cứu Tây Bá. Con trưởng của Tây Bá là Bá Ấp Khảo 伯邑考chủ trương để ông đi làm con tin, đồng thời mang một số châu báu tặng cho Trụ vương, yêu cầu đổi lấy Tây Bá. Quần thần cho cách đó quá nguy hiểm, nếu Trụ vương không chịu thả Tây Bá, mà còn bắt giam Bá Ấp Khảo thì thế nào? Bá Ấp Khảo là người kế thừa nhà Chu, thái tử là gốc của nước. Bá Ấp Khảo cũng nghĩ đến điều đó, nói rằng:
          - Nếu xảy ra nguy hiểm đối với tôi, nhị đệ là Phát sẽ chủ trì quốc chính.
          Mọi người thấy thái độ kiên quyết như thế của Bá Ấp Khảo, lại không nghĩ ra được cách nào khác, đành theo đó thử xem. Sau khi Bá Ấp Khảo đến triều Thương gặp Trụ vương, Trụ vương không đồng ý, quả nhiên cũng không thả cho về, bảo ở lại trong cung đình đảm nhiệm công việc đánh xe cho mình. Trụ vương sắp xếp như thế là có dự tính khác. Bình thường Trụ vương nghe có người xưng tụng Tây Bá là thánh nhân, nên muốn thử nghiệm xem thử. Làm sao thử nghiệm đây? Nghe nói thánh nhân không ăn thịt con mình. Để thử nghiệm, mấy ngày sau Trụ vương bèn giết Bá Ấp Khảo, từ trên người Bá Ấp Khảo căt lấy một miếng thịt đem nấu, rồi sai người mang đến Dũ Lí. Tây Bá không biết tin tức Bá Ấp Khảo đến triều Thương, tuy hoài nghi Trụ vương ban thịt tất phải có duyên cớ, nhưng bất luận như thế nào cũng không nghĩ đến là thịt của con mình. Sứ giả bưng thịt đến, Tây Bá đành theo quy củ lúc bấy giờ, ăn miếng thịt trước mặt sứ giả, sau đó hướng đến Trụ vương tạ ơn. Trụ vương sau khi nghe sứ giả báo lại tình hình Tây Bá ăn thịt, cười phá lên, đồng thời đem chuyện đó nói với người khác, để cho thấy Tây Bá không phải là thánh nhân.
          Sau khi kế hoạch cứu Tây Bá của Bá Ấp Khảo thất bại, nhà Chu lại dùng cách khác, họ phái đại thần Hoành Yêu 闳夭, Tán Nghi Sinh 散宜生mang rất nhiều vàng, đi các nơi mua trân kì bảo vật. Họ biết, nếu không phải là vật hiếm có vô cùng quý giá, thì Trụ vương không thèm nhìn. Tán Nghi Sinh hỏi dò đến nước Khuyển Nhung ở phía tây, phát hiện nơi đó có loài ngựa quý, toàn thân thuần sắc trắng, không có một sợi lông tạp nào, bờm nơi cổ rất dài nhưng lại có sắc đỏ, trên thân trắng đỏ phân minh. Mắt ngựa có sắc vàng, sáng long lanh. Tư thái uy vũ hùng tráng của loại ngựa này càng khiến người ta khen ngợi không ngớt. Tán Nghi Sinh không tiếc vàng, mua 36 con. 4 con làm 1 tứ , có thể mắc vào 1 xe, 36 con vừa hợp số cửu tứ 九驷 (cửu tứ là quy cách mà khi Thương vương ra ngoài phải có đủ). Tiếp đó, họ lại đến nơi khác tìm những kì trân dị vật, còn đến đất Hữu Sằn 有莘tìm mấy cô gái đẹp. Tán Nghi Sinh mang những lễ vật này đến kinh đô nhà Thương, nhưng gặp được Trụ vương không phải là việc dễ. đại quyền của triều Thương lúc bấy giờ trong tay Phí Trọng 费仲, người này nổi tiếng là kẻ tham tài háo lợi, thế là, Tán Nghi Sinh trước tiên đi thăm ông ta, tặng cho nhiều lễ vật, nhờ ông ta giúp. Phí Trọng thấy lễ vật phong phú, trong lòng vui mừng, luôn miệng đáp ứng. Tán Nghi Sinh triều kiến Trụ vương, nói rằng:
          - Thần là sứ giả nước Chu phái đến, để chuộc tội cho chủ nhân Xương của của chúng tôi, chúng tôi mang đến cống phẩm, xin ngài ghé mắt qua xem.
          Trụ vương nhìn thấy những kì trân quái thú cùng mĩ nữ và báu vật, vui mừng nói rằng:
          - Chỉ có mĩ nữ không thôi cũng có thể chuộc tội cho ông ta rồi, hà huống lại có nhiều trân bảo như thế!
          Thế là lập tức truyền chỉ xá miễn Tây Bá, thả cho về nước, đồng thời còn tặng cung đỏ tên đỏ rìu vàng búa vàng, cho ông ta quyền lực để chinh thảo các chư hầu.
          Sau khi Tây Bá về nước, nghĩ đến hình phạt bào lạc tàn khốc, thỉnh cầu Trụ vương phế bỏ, bằng lòng đem vùng đất phía tây sông Lạc của nước Chu dâng cho Trụ vương để làm nơi săn bắn vui chơi. Trụ vương đã dùng hình phạt bào lạc cho nhiều người, xem đó rất bình thường, nay có được một vùng đất rộng lớn như thế liền đáp ứng lời thỉnh cầu, phế bỏ bào lạc.

Chú thích của nguyên tác
          Bài văn này biên soạn theo tư liệu ở Sử kí – Ân bản kỉ 史记 - 殷本纪, Sử kí – Chu bản kỉ 史记 - 周本纪. Trong Ân bản kỉChu bản kỉ, “bào lạc” 炮烙đều viết là “bào cách” 炮格, bài văn này theo cách nói thông hành, viết là “bào lạc” 炮烙.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 25/4/2018

Nguyên tác Trung văn
TRỤ VƯƠNG CHẾ BÀO LẠC
纣王制炮烙
 Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生, Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post