Dịch thuật: Trụ vương chế bào lạc

TRỤ VƯƠNG CHẾ BÀO LẠC

          Trụ vương 纣王là vị quốc vương cuối cùng của triều Thương. Cũng như ông Kiệt, Trụ vương cũng là một bạo quân nổi tiếng trong lịch sử. Bắt đầu từ đời Chu, Kiệt và Trụ bị nhân dân liên hệ lại với nhau, trở thành đại danh từ của mọi tà ác như:  tàn bạo, hoang dâm, kiêu ngạo, xa xỉ.
          Trụ vương thiên tư thông minh, phản ứng nhanh nhạy, tri thức uyên bác, đặc biệt là có sức mạnh, võ nghệ cao cường, có thể tay không đấu với mãnh thú. Trụ vương kiêu ngạo tự đại, ngang ngạnh cố chấp, không coi ai ra gì, biết ăn nói, giỏi nguỵ biện, cho dù là sự việc không có lí do gì, ông ta cũng khiến người khác không thể nào đáp lại, chính vì như vậy đã che lấp khuyết điểm và sai lầm của bản thân, cự tuyệt ý kiến của mọi người, ông ham rượu, đắm chìm trong thanh sắc. Phi tử mà Trụ vương sủng ái nhất tên là Đát Kỉ 妲己, đối với Đát Kỉ, mọi việc ông đều thuận tùng, tìm mọi cách làm cho Đát Kỉ vui. Để có được cuộc sống dâm đãng, Trụ vương sai Sư Quyên 师涓 sáng tác một số âm nhạc dâm uế và vũ điệu dung tục. Loại ca vũ này khiến người ta tâm hồn mê đắm chao đảo, quên tất cả mọi việc. Trong đô thành, Trụ vương hao phí nhân lực, tài lực và vật lực để xây Lộc Đài 鹿台cao cả ngàn xích, rộng lớn đến 3 dặm. Trụ vương còn mở rộng phạm vi của vương đô, phía nam đến Triều Ca 朝歌 (nay là huyện Kì Nam 河南), phía bắc đến Hàm Đan 邯郸và Sa Khâu 沙丘, nơi nào cũng đều có li cung biệt quán mới xây. Bên cạnh Lộc Đài, còn cho xây một khu vườn nuôi những kì cầm quái thú, một bên khác cho xây tửu trì nhục lâm, sai nam nữ loã thể vui đùa đuổi bắt nhau trong đó. Trong Lộc Đài, chứa đầy mĩ nữ và trân bảo thu thập từ các nơi đưa về. Trụ vương và Đát Kỉ sống trong môi trường như thế, ngày ngày đêm đêm cuồng ca yến ẩm.
          Hoang dâm xa xỉ, phung phí vô độ, tất nhiên càng tăng việc trưng thu thuế khoá đối với nhân dân, nâng cao số lượng cống nạp của các chư hầu. Vì thế, nhân dân kêu khổ vang trời, tiếng oán than đầy đường. Một số chư hầu nhân vì không kham nỗi đòi hỏi đã phản kháng. Trụ vương liền dùng trọng hình, trấn áp một cách tàn khốc. Trong số những hình cụ mà Trụ vương dùng, có bào lạc 炮烙, một loại hình cụ do Đát Kỉ phát minh. Loại hình cụ này dùng đồng đúc thành, rộng khoảng 3 xích, dài nửa trượng, khi sử dụng đặt nó trên than đỏ, nướng cho đỏ lên, bắt những người mà cho là đã huỷ báng quân thượng và những chư hầu không chịu cống nạp đi trên đó. Sau khi tội nhân bị xô đến bào lạc, chịu không nỗi sức nóng , quần áo bị cháy, phút chốc té nhào vào than lửa, da thịt bị cháy đen. Đối mặt với những tiếng la khóc kêu gào giãy giụa, quần thần trong cung đình đều cúi đầu ngậm miệng, còn Trụ vương và Đát Kỉ cảm thấy thích thú cất tiếng cười vang. Ngoài thủ đoạn tàn khốc như vậy ra, Trụ vương còn nhậm mệnh Tây Bá Xương 西伯昌, Cửu Hầu 九侯, Ngạc Hầu 鄂侯  làm Tam công quản lĩnh chư hầu, phàm chư hầu nào không đến triều cống thì đem binh thảo phạt.
          Cửu Hầu sau khi nhận nhiệm vụ, trong lòng lo lắng không vui. Con gái Cửu Hầu nhìn thấy phụ thân suốt ngày than vắn thở dài, u sầu buồn bã liền hỏi nguyên nhân. Thế là Cửu Hầu kẻ lại hết tình cảnh Trụ vương vô đạo, sủng ái Đát Kỉ, chế tạo bào lạc, ngược sát nhân dân, hiện lại giục các nước triều cống, cuối cùng bày tỏ ý định chuẩn bị can ngăn. Con gái Cửu Hầu nói rằng:
          - Phụ thân ở vào chức vụ trọng yếu, quan hệ đến sự an nguy của quốc gia, không thể khinh suất vọng động. Nghe nói Trụ vương rất nghe lời phụ nữ, xin phụ thân đưa con vào cung, để xem thử con có thể khuyên can được Trụ vương hay không.
          Cửu Hầu chỉ có một người con gái này, tiến cung giống như vào hang cọp, đương nhiên là lành ít dữ nhiều. Nhưng nhìn thấy con gái có chí khí như thế, dám xả thân thay phụ thân can gián, vì đại cục, đành nén đau lòng hi sinh. Con gái Cửu Hầu đôi mắt như nước mùa thu, khuôn mặt như hoa phù dung, đoan trang tú lệ, Trụ vương nhìn thấy vô cùng vui mừng. Nhưng con gái Cửu Hầu không phải là cô gái tuỳ tiện, thấy Trụ vương hoang dâm vô sỉ, tác phong tiêu xài hoang phí, nên rất căm giận và oán ghét, nhưng nhìn thấy sứ mệnh của mình, liền đè nén những cảm xúc đó lại. Về sau nàng lợi dụng mấy cơ hội uyển chuyển khuyên răn Trụ vương. Nghe nói đến việc quan tâm nhân dân, Trụ vương mặt liền biến sắc, bắt đầu quở mắng , tiếp đó chửi rủa, cuối cùng đem nàng giết đi.
          Sau khi Trụ vương giết con gái Cửu Hầu, dư hận chưa tiêu, sáng sớm ngày hôm sau, triệu kiến 3 vị đại thần Cửu hầu, Ngạc Hầu và Tây Bá Xương. Tây Bá Xương vì bệnh nên không vào triều, chỉ có Cửu Hầu và Ngạc Hầu vào. Trụ vương gọi Cửu Hầu đến trước mặt, cười nhạt và nói rằng:
          - Con gái mà ông dạy bảo, vừa tiến cung đã dám cãi lại ta, có phải là do ông xúi bảo không?
          Cửu Hầu biết con gái mình đã chết, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, bỗng khảng khái hiên ngang đáp rằng:
          - Con gái của thần trước giờ hiền hoà nhu thuận, lần tiến cung này, là để bảo nó khuyên ngài thương tiếc sức dân ...
          Trụ vương vừa mới nghe qua, bỗng nhiên đại nộ, không để cho Cửu Hầu nói hết câu, liền hạ lệnh đưa Cửu Hầu ra Ngọ môn xử tử. Ngạc Hầu thấy tình hình không hay, vội tiến lên can ngăn. Trụ vương lửa giận đang bốc lên, lớn tiếng mắng Ngạc Hầu:
          - Đối với bề tôi bất trung huỷ báng quân vương như thế, ông không giúp ta trừng phạt hắn mà lại khuyên răn ta, đó là sao?
          Ngạc Hầu đáp rằng:
          - Quân vương có điều sai trái, thần hạ nên khuyên can. Cửu Hầu là đại thần Tam công, không hề có lỗi lầm nào, sao lại tự ý xử tử được? Ông ta nhìn thấy nhân dân thống khổ, khuyên răn ngài, chính là biểu hiện của trung thần, sao ngài lại cho trung ngôn là những lời huỷ báng? ...
          Trụ vương nghe Ngạc Hầu nói như thế, càng giận như lửa đổ thêm dầu, lớn tiếng thét rằng:
          - Ta biết ông và hắn cùng một đảng với nhau, những người giống như các ông lưu lại có ích gì?
          Liền sai tả hữu bắt Ngạc Hầu cùng đem giết. Trụ vương cảm thấy giết như thế chưa thoả lòng, lại lệnh đem thịt Cửu Hầu băm ra làm tương, đem thịt Ngạc Hầu xé ra phơi khô thành miếng rồi chia cho các chư hầu, bảo họ hãy biết chút lợi hại để sau này không dám nói năng hành động bừa bãi. (còn tiếp)

Chú thích của nguyên tác
          Bài văn này biên soạn theo tư liệu ở Sử kí – Ân bản kỉ 史记 - 殷本纪, Sử kí – Chu bản kỉ 史记 - 周本纪. Trong Ân bản kỉChu bản kỉ, “bào lạc” 炮烙đều viết là “bào cách” 炮格, bài văn này theo cách nói thông hành, viết là “bào lạc” 炮烙

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 24/4/2018

Nguyên tác Trung văn
TRỤ VƯƠNG CHẾ BÀO LẠC
纣王制炮烙
 Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生, Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post