Dịch thuật: Chế độ khảo thí khoa cử ở Trung Quốc cổ đại

CHẾ ĐỘ KHẢO THÍ KHOA CỬ Ở TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI

          Khảo thí khoa cử chính thức ở Trung Quốc cổ đại phân làm 3 cấp:
          - Hương thí 鄉試
          - Hội thí 會試
          - Điện thí 殿試
Hương thí: thông thường 3 năm tổ chức một lần tại các tỉnh, tỉnh thành, còn gọi là “đại tỉ” 大比. Do bởi tổ chức vào mùa Thu, cho nên cũng được gọi là “Thu vi” 秋圍. Người tham gia hương thí là “Tú tài” 秀才 (tường sinh 庠生), nhưng tú tài trước khi tham gia hương thí phải thông qua đợt khoa khảo do cơ quan học chánh lưu động của tỉnh tổ chức, nếu tài năng có thành tích ưu tú sẽ được chọn tham gia hương thí. Người sau khi đỗ hương thí sẽ gọi là “Cử nhân” 舉人, người đỗ đầu gọi là “Giải nguyên” 解元.
Hội thí:  do bộ Lễ tổ chức vào mùa Xuân năm sau sau hương thí, cho nên hội thí gọi là “Lễ vi” 禮圍, cũng gọi là “Xuân vi” 春圍. Người tham gia hội thí là cử nhân, sau khi đỗ sẽ gọi là “Cống sĩ” 貢士, người đỗ đầu gọi là “Hội nguyên”  會元. Sau hội thí thường tổ chức “phúc thí” 覆試.
Điện thí: là khảo thí, khảo sách thí do hoàng đế chủ trì. Người tham gia điện thí là cống sĩ, sau khi đỗ sẽ gọi là “Tiến  sĩ” 進士. Điện thí phân làm 3 giáp:
          Đệ nhất giáp là “Tiến sĩ cập đệ” 進士及第
          Đệ nhị giáp là “Tiến sĩ xuất thân” 進士出身
          Đệ tam giáp là “Đồng tiến sĩ xuất thân” 同進士出身
Ở đệ nhất giáp chọn lấy 3 người. người đầu tiên tục gọi là “Trạng nguyên”
, người thứ 2 tục gọi là “Bảng nhãn” 榜眼, người thứ 3 tục gọi là “Thám hoa” 探花, hợp xưng cả 3 là “Tam đỉnh giáp” 三鼎甲. Người đỗ đầu ở đệ nhị giáp tục gọi là “Truyền lô” 傳臚.
          Trạng nguyên được làm “Hàn lâm viện tu soạn” 翰林院修撰; Bảng nhãn, Thám hoa được làm “Hàn lâm viện biên tu” 翰林院編修, các tiến sĩ khác sẽ tham gia triều khảo, khảo luận chiếu tấu nghị thi phú, tuyển chọn người giỏi văn học thư pháp làm “Thứ cát sĩ” 庶吉士, còn lại lần lượt sẽ làm “Chủ sự” 主事 (viên chức các bộ), “Tri huyện” 知縣 (1) ... Thứ cát sĩ sau khi mãn kì hạn 3 năm học tập tại Giáo tập quán 教習館 (cũng gọi là Thứ thường quán 庶常館) sẽ khảo thí “tán quán” 散館, người nào có thành tích ưu tú sẽ làm Hàn lâm viện biên tu, Hàn lâm viện kiểm thảo (2), những người còn lại sẽ phân phát làm chủ sự ở các bộ, hoặc phân phát về các tỉnh làm Tri huyện.
          Nói thêm về cống sinh. Đời Thanh có tuế cống 歲貢, ân cống 恩貢, bạt cống 拔貢, phó cống 副貢. Mỗi năm hoặc hai ba năm, những lẫm sinh 廩生 (*) tuổi cao có tư chất thông minh được địa phương tuyển chọn đưa vào Quốc tử giám 國子監 học tập, gọi là “tuế cống”. Những sinh viên được tiến cống khi gặp khánh điển của quốc gia gọi là “ân cống”. Mỗi 3 năm, học chính các tỉnh tổ chức khảo thí tuyển chọn những sinh viên ưu tú của tỉnh nhà đưa lên trung ương cho tham gia triều khảo hợp cách gọi là “bạt cống”. Những người được hương thí tuyển vào phó bảng, trực tiếp đưa đến Quốc tử giám gọi là “phó cống”.
          Trong khoa cử còn có loại “võ khoa” 武科. Triều Đường, thời Võ Tắc Thiên 武則天 bắt đầu có võ cử, đời sau noi theo, đến đời Thanh còn có khảo thí võ khoa.
          Khoa cử là một trong những thủ đoạn mà giai cấp thống trị tối cao ở thời đại phong kiến mua chuộc nhân sĩ để phục vụ cho mình, “sát cử” 察舉 ở đời Hán cũng có tính chất như thế. Hoàng đế phong kiến hoàn toàn không giấu giếm điểm này. Hán Cao Tổ năm thứ 11 (năm 196 trước công nguyên) hạ chiếu rằng:
          Hiền sĩ đại phu hữu khẳng tùng ngã du giả, ngô năng tôn hiển chi (3).
          賢士大夫有肯從我游者, 吾能尊顯之 (3).
          (Hiền sĩ đại phu, người nào chịu theo trẫm, trẫm sẽ cho được tôn quý vinh hiển)
          Hán Vũ Đế năm Nguyên Phong 元封 thứ 5 (năm 106 trước công nguyên) hạ chiếu rằng:
          Phù phiếm giá chi mã, thác thỉ chi sĩ, diệc tại ngự chi nhi dĩ (4).
          夫泛駕之馬, 跅弛之士, 亦在御之而已 (4).
          (Phàm, những con ngựa khó thuần phục, kẻ sĩ phóng đãng, cũng đều do trẫm chế ngự mà thôi)
          Trong Đường chích ngôn 唐摭言 có ghi, Đường Thái Tông:
          Thường tư hạnh Đoan môn, kiến tân tiến sĩ xuyết hàng nhi xuất, hỉ viết:
‘Thiên hạ anh hùng nhập ngô cấu trung hĩ’ (5)
          嘗私幸端門, 見新進士綴行而出, 喜曰: ‘天下英雄入吾彀中矣(5).
          (Từng đến Đoan môn, thấy các tân tiến sĩ nối hàng mà ra, vui mừng nói rằng: ‘Anh hùng trong thiên hạ, đã vào khuôn của trẫm.’)
          Những phần tử tri thức nhiệt thành với công danh lợi lộc, xem khoa cử là con đường để làm quan, nhân đó đã cam tâm chịu sự mua chuộc lung lạc của người, tuy có chết già nơi trường khoa cử cũng không ân hận.
          Hơn ngàn năm trước, sớm đã có người đã vạch trần thực chất của chế độ khoa cử.

Chú của nguyên tác
1- Trên thực tế, muốn có được chức Chủ sự, Tri huyện, còn cần phải kinh qua hậu tuyển, hậu bổ, có người suốt đời không được làm quan.
2- Nguyên là người đỗ đệ nhị giáp được trao chức Hàn lâm viện biên tu; nguyên là người đỗ đệ tam giáp được trao chức Hàn lâm viện kiểm thảo.
3- Xem Hán thư – Cao Đế kỉ 漢書 - 高帝紀.
4- Xem Hán thư – Vũ Đế kỉ漢書 - 武帝紀. “Thác thỉ”  跅弛  có nghĩa là buông thả không chịu ước thúc.
5- Xem Đường chích ngôn 唐摭言 quyển 1 Thuật tiến sĩ thượng thiên 述進士上篇

Chú của người dịch
*- Lẫm sinh 廩生: gọi tắt của “lẫm thiện sinh viên” 廩膳生員, một trong những danh mục sinh viên trong chế độ khoa cử, tức sinh viên hàng tháng được cấp gạo thịt để bổ trợ cho sinh hoạt.
          Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          Lẫm:
1- Kho đụn
2- Cấp cho, ngày xưa lấy gạo thịt ở kho cấp cho người gọi là lẫm cấp 廩給. Học trò ai được vua cấp lương gọi là lẫm sinh 廩生. (trang 182)
         
                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 20/7/2017

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post