Dịch thuật: Bí ẩn việc Tần Thuỷ Hoàng đúc 12 tượng kim nhân

BÍ ẨN VIỆC TẦN THUỶ HOÀNG ĐÚC 12 TƯỢNG KIM NHÂN

          Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 là vị hoàng đế khai quốc của triều Tần, vương triều thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Những câu  chuyện truyền kì liên quan đến Tần Thuỷ Hoàng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trong truyền thuyết, Tần Thuỷ Hoàng vừa là một đại anh hùng với công tích không thể phủ nhận, là niềm kiêu hãnh của dân tộc Trung Hoa, mặt khác ông dường như  cũng trở thành một bạo quân tàn nhẫn. Để mãi hưởng dụng công tích chinh chiến của mình, Tần Thuỷ Hoàng đã tạo ra những hành động vĩ đại mà đến nay mọi người trên thế giới vẫn còn kinh ngạc, và cũng đã để lại cho người đời nhiều bí ẩn lịch sử mà đến nay chưa thể lí giải. Việc đúc 12 tượng “kim nhân” 金人 chính là một trong những bí ẩn đó.
          Tại đô thành Hàm Dương 咸阳 của nước Tần, phía trước cung A Bàng  , đứng sừng sững 12 tượng người được đúc bằng đồng, nhân vì đồng có sắc vàng, nên cũng được gọi là “kim nhân”. 12 tượng mặc trang phục ngoại tộc, mỗi tượng đều rất nặng không thể xê dịch di chuyển được, trên thân tượng khắc nhiều hoa văn tinh xảo, mỗi tượng lộ vẻ dương uy diệu võ, anh dũng vô song, ngày đêm canh giữ cung điện Tần vương. Tượng người bằng đồng lớn, chế tác tinh xảo như thế rất ít thấy trong lịch sử. Về phương diện này, rất nhiều thư tịch lịch sử có ghi chép. Như theo Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪:
          Nhị thập lục niên ..... thu thiên hạ binh, tụ chi Hàm Dương, tiêu dĩ vi chung cự kim nhân thập nhị, các trọng thiên thạch, trí đình cung trung.
          二十六年..... 收天下兵, 聚之咸阳, 销以为钟鐻金人十二, 各重千石, 置廷宫中.
          (Năm thứ 26 ..... thu gom binh khí trong thiên hạ, tập trung về Hàm Dương, tiêu huỷ đúc thành chuông, giá chuông cùng 12 tượng người, mỗi tượng nặng cả ngàn thạch, đặt trong cung.)
          Và trong Quá Tần luận 过秦论 của Giả Nghị 贾谊:
          Tiêu phong chú cự, dĩ vi kim nhân thập nhị.
          销锋铸鐻, 以为金人十二
          (Tiêu huỷ binh khí để đúc giá chuông và 12 tượng người)
          Điều khiến mọi người cảm thấy kì lạ, mục đích đúc 12 tượng người bằng đồng của Tần Thuỷ Hoàng là gì? Tai sao lại hao phí một số lượng lớn kim loại dùng vào vào đúc tượng vừa nặng vừa không có tác dụng thực tế? Chung quanh vấn đề này tồn tại 2 thuyết chủ yếu:
          Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất toàn quốc, Tần vương Chính đã sáng lập tôn hiệu “hoàng đế”, tự xưng là Thuỷ Hoàng Đế. Nhưng do bởi Lã Bất Vi 吕不韦 từng chuyên quyền và ngôi vị hoàng đế vô cùng gian khổ mới có được, và để thực hiện nguyện vọng to lớn bản thân lúc ban đầu “tuyên bố con cháu xưng Nhị thế, Tam thế, cho đến Vạn thế, nối đời nhau”, cho nên sau khi ngồi vững ngôi hoàng vị, Thuỷ Hoàng lo lắng suy nghĩ đến vấn đề làm thế nào để bảo vệ được sự thịnh trị lâu dài, giang sơn truyền đến muôn đời. Muốn ngồi vững ngôi hoàng vị, cần phải giải quyết một vấn đề, đó là thu gom và tiêu huỷ các loại binh khí  lưu tán trong dân gian. Chỉ có như thế mới có thể ngăn chận người khác dùng vũ lực đoạt quyền. Thế là, Thuỷ Hoàng luôn tìm cớ hợp lí để thu gom binh khí trong toàn quốc, cơ hội cuối cùng đã đến. Một ngày nọ, dưới sự hộ vệ của các đại thần, Tần Thuỷ Hoàng xem múa đèn lồng và tạp kĩ. Đương lúc cao hứng, bỗng thấy một đội võ sĩ đằng đằng sát khí, tay cầm đao kiếm lên đài biểu diễn. Thuỷ Hoàng sau khi nhìn thấy, xúc động đến tâm bệnh đã mắc phải bấy lâu nay. Lúc bấy giờ khéo trùng hợp, một nông dân ở Lâm Thao 临洮 đưa tin đến, nói rằng nhìn thấy 12 người khổng lồ, họ còn hát khúc đồng dao:
          Cừ khứ nhất, hiển vu kim, bách tà tịch, bách thuỵ sinh (1).
          渠去一, 显于金, 百邪辟, 百瑞生 (1).
          Thuỷ Hoàng nghe xong vô cùng vui mừng. Thế là Thuỷ Hoàng giả thác điềm báo, cho đó là thuận ứng ý trời, hạ lệnh thu gom binh khí trong dân gian, tập trung về Hàm Dương đúc thành 12 tượng người. Trên thực tế, việc Tần Thuỷ Hoàng thu gom binh khí đúc tượng người hoàn toàn xuất phát từ việc muốn củng cố ngôi hoàng vị của mình.
          Ở đây còn có một câu chuyện khác. Một ngày nọ, Tần Thuỷ Hoàng đang nghỉ trong cung A Bàng, đột nhiên mơ thấy khí trời biến đổi, bầu trời u ám không có ánh sáng, đồng thời lại có yêu quỷ tác quái, Thuỷ Hoàng vô cùng sợ hãi. Đương lúc không biết làm thế nào, bỗng có một lão đạo sĩ tóc trắng râu dài đến trước mặt. Lão đạo sĩ này tinh thần quắc thước, thần thái mạnh mẽ, tay vẫy phất trần, chỉ giáo rằng:
          - Tạo ra 12 tượng người bằng đồng mới có thể ổn định thiên hạ.
          Nói xong, lão đạo sĩ bay theo làn ánh sáng trước mặt. Tần Thuỷ Hoàng tỉnh mộng, tin là thật không thể không tin, lập tức hạ lệnh thu gom binh khí trong cả nước đưa về Hàm Dương, đúc thành 12 tượng người. Rất nhiều chuyên gia học giả cho rằng, Tần Thuỷ Hoàng một đời tin vào những lời của phương sĩ đạo nhân, lại thêm lòng lo lắng sau khi kiến quốc, thuyết này có thể đáng tin.
          Nhưng đáng tiếc là, ngày nay chúng ta không thấy tung tích của 12 tượng người bằng đồng này. Thế thì, rốt cuộc những tượng đó đi đâu? Lẽ nào những tượng đó không cánh mà bay? Trước mắt, về vấn đề tượng người bằng đồng tồn tại 3 suy đoán:
          Có người cho rằng lúc đầu, sau khi Sở Bá Vương Hạng Vũ 项羽 đánh chiếm được đô thành Hàm Dương, từng nổi lửa đốt cung A Bàng. Khi thiêu đốt cung A Bàng, ngay cả 12 tượng đồng kiên cố cũng bị thiêu huỷ.
          Một số sử học gia chỉ ra rằng: 12 tượng đồng này bị huỷ bởi tay Đổng Trác 董卓. Cuối thời Đông Hán, Đổng Trác đem quân đánh vào Trường An, đem 10 tượng đồng tiêu huỷ, lấy đó đúc tiền đồng, 2 tượng còn lại cho dời đến cửa Thành Thanh 城清 ở Trường An. Đến thời Tam Quốc, Nguỵ Minh Đế Tào Duệ 曹睿 hạ lệnh chuyển 2 tượng đó đến Lạc Dương. Cả ngàn vạn thợ khi chuyển đến Nịch Thành 溺城, do bởi quá nặng nên không thể không bỏ xuống, thế là đình chỉ vận chuyển. Đến thời Đông Tấn thập lục quốc, Thạch Quý Long 石季龙 nhà Hậu Triệu đưa 2 tượng đó đến Nghiệp Thành 邺城. Về sau Tần Vương Phù Kiên 苻坚 thống nhất phương bắc, lại đưa 2 tượng từ Nghiệp Thành đến Trường An tiêu huỷ. Đến lúc đó, 12 tượng người bằng đồng đã tồn tại trên đời khoảng 600 năm đã bị tiêu huỷ toàn bộ.
          Một thuyết khác tương đối lạc quan hơn, họ căn cứ vào sử liệu cho rằng, 12 tượng người bằng đồng này hoàn toàn chưa bị tiêu huỷ. Nhân vì 12 tượng là vật mà Tần Thuỷ Hoàng lúc sinh tiền yêu thích nhất, cho nên sau khi xây dựng xong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, 12 tượng đồng này cùng những báu vật được làm vật tuỳ táng đưa vào trong lăng mộ. Hiện tại, do bởi nguyên nhân về một số phương diện kĩ thuật, công tác khai quật lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng tạm thời chưa thể triển khai, nhân đó vấn đề tung tích của 12 tượng đồng đến nay vẫn là một bí ẩn. Có lẽ đến ngày kĩ thuật khảo cổ khai quật được lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, bí ẩn lịch sử này mới có thể được lí giải.

Chú của người dịch
1- Thời cổ, chữ có nghĩa là . “Cừ khứ nhất” 渠去一, tức chữ bỏ đi chữ , thành chữ (nhân); “Hiển vu kim” 显于金 có nghĩa là nhờ vào kim khí mà được hiển hách.
          “Bách tà tịch, bách thuỵ sinh” 百邪辟, 百瑞生 trăm điều tà tránh được, trăm điều phúc sinh ra.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 15/6/2017

Nguyên tác Trung văn
TẦN THUỶ HOÀNG CHÚ TẠO THẬP NHỊ KIM NHÂN CHI MÊ

秦始皇铸造十二金人之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post