Dịch thuật: Vi học



为学
    天下事有难易乎? 为之, 则难者亦易矣; 不为, 则易者亦难矣. 人之为学有难易乎? 学之, 则难者亦易矣; 不学, 则易者亦难矣.
    吾资之昏, 不逮人也, 吾材之庸, 不逮人也; 旦旦而学之, 久而不怠焉, 迄乎成, 而亦不知其昏与庸也. 吾资之聪, 倍人也, 吾材之敏, 倍人也; 屏弃而不用, 其与昏与庸无以易也. 圣人之道, 卒于鲁也传之. 然则昏庸聪敏之用, 岂有常哉?
    蜀之鄙有二僧: 其一贫, 其一富. 贫者语于富者曰: 吾欲之南海, 何如? 富者曰: 子何恃而往? : 吾一瓶一钵足矣. 富者曰: 吾数年来欲买舟而下, 犹未能也. 子何恃而往! 越明年, 贫者自南海还, 以告富者, 富者有惭色.
    西蜀之去南海, 不知几千里也, 僧富者不能至而贫者至焉. 人之立志, 顾不如蜀鄙之僧哉? 是故聪与敏, 可恃而不可恃也; 自恃其聪于敏而不学者, 自败者也. 昏与庸可限而不可限也; 不自限其昏与庸, 而力学不倦者, 自力者也.
                                                                             (彭端淑)

VI HỌC
          Thiên hạ sự hữu nan dị hồ? Vi chi, tắc nan giả diệc dị hĩ; bất vi, tắc dị giả diệc nan hĩ. Nhân chi vi học hữu nan dị hồ? Học chi, tắc nan giả diệc dị hĩ; bất học, tắc dị giả diệc nan hĩ.
          Ngô tư chi hôn, bất đãi nhân dã, ngô tài chi dung, bất đãi nhân dã; đán đán nhi học chi, cửu nhi bất đãi yên, ngật hồ thành, nhi diệc bất tri kì hôn dữ dung dã. Ngô tư chi thông, bội nhân dã, ngô tài chi mẫn, bội nhân dã; bình khí nhi bất dụng, kì dữ hôn dữ dung vô dị dã. Thánh nhân chi đạo, tốt vu lỗ dã truyền chi. Nhiên tắc hôn dung thông mẫn chi dụng, khởi hữu thường tai?
          Thục chi bỉ hữu nhị tăng: kì nhất bần, kì nhất phú. Bần giả ngứ vu phú giả viết: “Ngô dục chi nam hải, hà như?” Phú giả viết: “Tử hà thị nhi vãng?” Viết: “Ngô nhất bình nhất bát túc hĩ.” Phú giả viết: “Ngô sổ niên lai dục mãi châu nhi há, do vị năng dã. Tử hà thị nhi vãng!” Việt minh niên, bần giả tự nam hải hoàn, dĩ cáo phú giả, phú giả hữu tàm sắc.
          Tây Thục chi khứ nam hải, bất tri kỉ thiên lí dã, tăng phú giả bất năng chí nhi bần giả chí yên. Nhân chi lập chí, cố bất như Thục bỉ chi tăng tai? Thị cố thông dữ mẫn, khả thị nhi bất khả thị dã; tự thị kì thông vu mẫn nhi bất học giả, tự bại giả dã. Hôn dữ dung khả hạn nhi bất khả hạn dã; bất tự hạn kì hôn dữ dung, nhi lực học bất quyện giả, tự lực giả dã.
                                                                              (Bành Đoan Thục)

CẦU HỌC
          Việc trong thiên hạ có sự phân biệt khó và dễ chăng? Nếu chịu làm, thì khó cũng trở thành dễ; nếu không chịu làm, thì dễ cũng hoá thành khó. Việc học của chúng ta, có sự phân biệt khó và dễ chăng? Nếu chịu học, thì khó cũng trở thành dễ; không chịu học thì dễ cũng hoá thành khó.
          Thiên tư của ta ngu đần, không theo kịp người khác, tài của ta tầm thường, không theo kịp người khác. Nhưng ta hàng ngày không ngừng học tập, trong một thời gian dài không lười nhác, khi học thành, cũng không biết mình là người ngu đần và tầm thường. Thiên tư của ta thông minh, vượt hơn người khác, tài của ta mẫn tiệp, vượt hơn người khác; nhưng bỏ đi không dùng đến, thế thì có khác gì với người ngu đần và tầm thường đâu. Đạo của Khổng Tử, cuối cùng truyền lại cho Tăng Sâm, người không lấy gì làm thông minh. Đã như vậy, thế thì công dụng của ngu đần tầm thường, thông minh mẫn tiệp, há lẽ nào vĩnh viễn không thể thay đổi được?
          Nơi vùng xa xôi ở đất Thục có hai vị hoà thượng: một người nghèo, một người giàu. Hoà thượng nghèo nói với hoà thượng giàu rằng: “Tôi muốn đi đến nam hải, ông thấy thế nào?” Hoà thượng giàu nói rằng: “Ông dựa vào cái gì để đi?” Hoà thượng nghèo đáp: “Tôi chỉ cần một bình một bát là đủ.” Hoà thượng giàu nói lại: “Tôi nhiều năm muốn thuê thuyền thuận giòng đi xuống đó mà không thành. Ông dựa vào đâu để đi!” Qua năm sau, hoà thượng nghèo từ nam hải trở về, đem những việc ở nam hải nói cho hoà thượng giàu nghe, hoà thường giàu mặt lộ vẻ xấu hổ.
          Tây Thục cách nam hải, không biết đến mấy ngàn dặm, hoà thượng giàu không đến được còn hoà thượng nghèo lại đến được. Một người lập chí cầu học, lẽ nào chẳng bằng vị hoà thượng nghèo ở đất Thục xa xôi kia? Cho nên thông minh và mẫn tiệp, có thể dựa nhưng cũng không thể dựa, người tự mình dựa vào thông minh và mẫn tiệp mà không nỗ lực học tập, ấy là tự mình huỷ hoại lấy mình. Ngu đần và tầm thường, có thể hạn chế nhưng cũng không thể hạn chế; người không bị sự ngu đần và tầm thường của mình hạn chế, ra sức học tập không biết mệt mỏi, ấy là dựa vào sự nỗ lực của chính mình mà học tập thành tài.

Bành Đoan Thục 彭端淑: văn học gia đời Thanh, tự Lạc Trai 乐斋, người Đan Lăng 丹陵 (nay thuộc Tứ Xuyên), sinh khoảng năm Khang Hi thứ 38 (năm 1699), mất khoảng năm Càn Long thứ 44 (năm 1779). Bành Đoan Thục cùng Lí Điều Nguyên 李调元, Trương Vấn Đào 张问陶 được người đời sau xưng tụng là “Thanh đại Tứ Xuyên tam tài tử” 清代四川三才子.
          Bành Đoan Thục chú trọng việc chấn hưng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, chỉnh đốn lại trị. Năm Càn Long thứ 20, ông từ quan về quê, nhậm chức chủ giảng thư viện Cẩm Giang 锦江 ở Thành Đô 成都, làm Viện trưởng 20 năm, đào tạo được nhiều nhân tài ưu tú như Lí Điều Nguyên 李调元, Trương Thuyền Sơn 张船山. Năm 81 tuổi, ông bị bệnh và mất tại Bạch Hạc đường 白鹤堂, phía nam Thành Đô.
          Trứ tác của Bành Đoan Thục gồm có:  Bạch Hạc đường văn tập 白鹤堂文集, Tuyết dạ thi đàn 雪夜诗坛.
          Đoạn văn trên trích từ Bạch Hạc đường văn tập 白鹤堂文集

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 16/5/2017

Nguồn

Previous Post Next Post