Dịch thuật: Trên long bào của hoàng đế thêu mấy con rống?

TRÊN LONG BÀO CỦA HOÀNG ĐẾ THÊU MẤY CON RỒNG?

          Khi xem truyền hình, chúng ta chú ý trên long bào của hoàng đế có thêu đến mấy con rồng. Thế thì, rốt cuộc là thêu mấy con?
          Tại Nhà bảo tàng thành phố Phủ Thuận 抚顺 lưu giữ một chiếc long bào của Hoàng đế Quang Tự 光绪 nhà Thanh. Theo sự giới thiệu, chiếc long bào này dài 125cm, hai ống tay áo dài 172cm, vạt áo 110cm. Long bào có cổ tròn, gài nút về bên phải, đầu ống tay áo mang phong cách Mãn Châu có hình móng ngựa. Trước ngực và sau lưng long bào cùng trên hai vai có thêu “chính long”, vạt trước và vạt sau cùng vạt áo con thêu “thăng long”, “giáng long” và “hành long”.
          Theo sử liệu ghi chép, trên long bào của hoàng đế đều thêu 9 con rồng vàng, trước ngực, sau lưng mỗi nơi 1 con, trên vai trái và phải mỗi nơi 1 con, chỗ đầu gối ở vạt trước và sau mỗi nơi 2 con, còn 1 con được thêu bên trong vạt áo.
          Tại sao long bào phải thêu 9 con rồng? Bởi thời cổ đế vương chịu ảnh hưởng “Chu Dịch” 周易, sùng thượng “cửu ngũ chí tôn” 九五至尊. Trong Dịch – Càn - có nói:
Cửu ngũ, phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân
九五, 飞龙在天, 利见大人
(Hào cửu ngũ: rồng bay trên trời, gặp đại nhân có lợi)
          Ý nghĩa là rồng đã bay lên trời, biểu thị đạt đến cảnh giới tối cao. Cũng do bởi duyên cớ này, kiến trúc hoàng thất, sắp đặt gia cụ cùng những đồ dùng trong sinh hoạt đa phần đều lấy hai số 9 và 5.
          Còn tại sao phải thêu 1 con rồng bên trong vạt áo. Do bởi 9 là số lẽ, rất khó bố cục cân bằng đối xứng, vì thế, đem 1 con thêu bên trong. Như vậy, hoa văn rồng thực tế trên long bào không ít hơn 9 con, nhìn từ chính diện và phía sau đều có 5 con (2 con trên vai trước và sau đều thấy), khớp với “cửu ngũ chi số”.
          Nhưng, cũng có ngoại lệ, trên long bào của hoàng đế triều Minh, số rồng lại nhiều hơn 9.
          Năm 1958, chiếc “cách ti thập nhị chương cổn phục” 缂丝十二章衮服 của Hoàng đế Vạn Lịch 万历 phát hiện được có 12 con rồng, hình tròn thêu ở chính giữa tục gọi là “đoàn long”. Do bởi ở vị trí khác nhau nên 12 con rồng cũng có danh xưng khác nhau, rồng ở vị trí trước ngực và sau lưng trên cổn phục là rồng chính thân, cũng chính là rồng với mặt hướng ra ngoài, được gọi là “chính long”, hoặc “toạ long”; rồng với thân nghiêng một bên gọi là “hành long”, hành long cũng dựa theo hướng lên hoặc xuống, có “thăng long” và “giáng long”.
          Số rồng trên long bào của Hoàng đế Vạn Lịch so với số rồng trên “yến biền phục” 燕弁服 được sáng chế vào năm Gia Tĩnh 嘉靖 thời Minh Thế Tổ không thể gọi là nhiều hơn. Hoa văn rồng trên “yến biền phục” do mũ, áo, đai, vớ, giày cấu thành thể hiện “cửu cửu chi số”: thân trước hoa văn tròn hình rồng cuộn, thân sau 2 hoa văn vuông hình rồng cuộn, hoa văn rồng trên cổ áo và tay áo cộng lại có 45 con, hoa văn rồng trên vạt áo là 36 con. Ngoài ra, trên đai ngọc còn trang sức 9 miếng ngọc khắc hoa văn rồng.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 28/3/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post