Dịch thuật: Chuyện hoang đường của Quách Mạt Nhược thời văn cách:

CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG CỦA QUÁCH MẠT NHƯỢC
THỜI VĂN CÁCH:
CHỨNG MINH ĐỖ PHỦ LÀ ĐỊA CHỦ

          Thời “văn cách” 文革 (1), Quách Mạt Nhược 郭沫若cho ra một trứ tác học thuật Lí Bạch dữ Đỗ Phủ 李白与杜甫. Do bởi Mao Trạch Đông thích Lí Bạch, cho nên, trong sách này, Quách Mạt Nhược đã đưa Lí Bạch lên đến tận trời xanh. Và để phụ hoạ thêm, ông thuận tay hạ đại thi nhân Đỗ Phủ vốn nổi danh ngang cùng Lí Bạch xuống, nhằm để Lí Bạch trở trở thành một chỉnh thể tuyệt đỉnh trong chòm sao xán lạn thời Đường.
          Cách chủ yếu nhất để hạ Đỗ Phủ trong sách là nhận định Đỗ Phủ hoàn toàn là “đại địa chủ”. Vào thời đại đó, cho người ta là “đại địa chủ” dường như gọi họ là “xú cẩu thỉ” 臭狗屎 (phân chó thối), nó có sức sát thương lớn.
          Vốn trước giờ mọi người đều cho rằng thi ca của Lão Đỗ nổi bật tư tưởng chủ nghĩa dân bản, xem người đói như mình đói, xem người khổ như mình khổ. Nhưng Quách Mạt Nhược lại có tuệ nhãn riêng, từ trong thơ của Đỗ Phủ nhìn thấy Đỗ Phủ hoàn toàn là một địa chủ lão tài:
          Thi lí diện xích loã loã địa biểu thị xuất thi nhân đích giai cấp lập trường hoà giai cấp cảm tình.
          诗里面赤裸裸地表示诗人的阶级立场和阶级感情
          (Trong thơ đã thể hiện rõ lập trường giai cấp và cảm tình giai cấp của thi nhân)
          Thế thì, cảm tình này từ đâu mà biểu thị ra?
          Trong chương Đỗ Phủ đích địa chủ sinh hoạt 杜甫的地主生活, Quách Mạt Nhược dẫn bài Xá đệ Chiêm quy thảo đường kiểm hiệu liêu thị thử thi 舍弟占归草堂检校聊示此诗 của Đỗ Phủ:
Cửu khách ưng ngô đạo
Tương tuỳ độc nhĩ lai
Thục tri giang lộ cận
Tần vị thảo đường hồi
Nga áp nghi thường sổ
Sài kinh mạc lãng khai
Đông lâm trúc ảnh bạc
Lạp nguyệt cánh tu tài
久客应吾道
相随独尔来
熟知江路近
频为草堂回
鹅鸭宜常数
柴荆莫浪开
东林竹影薄
腊月更须栽
Thân mãi luôn nơi đất khách
Theo cùng chỉ có mình em
Ai biết đường sông gần
Nhiều lần đi về gian nhà cỏ
Ngỗng vịt nên luôn đếm đủ
Cửa nhà chớ thường mở
Rừng bên đông bóng trúc đã thưa
Tháp chạp nên trồng thêm vào.
          Sau đó, Quách Mạt Nhược chỉ ra rằng: “4 câu cuối rõ ràng là loại tâm lí của địa chủ. Ngỗng vịt không ít, sợ kẻ khác trộm mất, nên luôn đếm đủ số. Cửa nhà đóng kĩ, đề phòng cường đạo lẻn vào v.v…” Kết luận này quả khiến người đọc kinh ngạc: đếm ngỗng vịt của mình, đóng cửa nhà mình, lại “rõ ràng là tâm lí địa chủ” ? Lẽ nào phải như Đào Uyên Minh 陶渊明, vịt tuy nuôi nhưng không đếm, cửa tuy có nhưng thường mở, mới đúng là tâm lí của bần hạ trung nông?
          Suy đoán ý của Quách Mạt Nhược dường như nói Đỗ Phủ chăm chăm không mỏi đếm ngỗng vịt và đóng cửa, nói rõ tài sản của Đỗ Phủ không phải là ít, cũng nhân đó cho Đỗ Phủ là địa chủ - chớ bần nông làm gì có ngỗng vịt? Phân định thành phần như vậy, khiến người ta dở khóc dở cười. Ngỗng vịt có phải là căn cứ để cho đó là địa chủ hay không, lại còn có tầng hàm nghĩa nữa dường như cần phải nói thêm: Đỗ Phủ thường đếm ngỗng vịt như thế, là do bởi ông ta sợ ngỗng vịt của mình bị bần hạ trung nông lấy trộm đem nhắm rượu, tài sản đã nhiều lại tiểu khí như thế, há chẳng phải “rõ ràng là tâm lí địa chủ hay sao”?
Nhưng, không nói ngỗng vịt của người ta mà nói về anh đi– dù cho anh là bần hạ trung nông chân chính, có cần phải lấy trộm không? Cho là người ta thường đếm số vịt đi chăng nữa, thì việc đó là do bởi “sợ người lấy trộm” sao?
          Cuối những năm 60 của thế kỉ trước, hí kịch gia nổi tiếng Trần Bạch Trần 陈白尘 bị đưa đi lao động cải tạo “ngũ thất cán hiệu” 五七干校 (2) tại đầm Cổ Vân Mộng 古云梦, sau này ông ghi chép lại hồi ức gọi là Vân Mộng đoạn kí 云梦断记 thuật lại cuộc sống “cán hiệu” năm đó. Ông có viết, khi đó ông làm “áp quan” 鸭官 (“quan” trông coi vịt), thả một bầy vịt, rút ra được một bài học to lớn: “tất cả những người chăn vịt, hàng ngày phải đếm số vịt, thậm chí đếm 2, 3 lần.” Tại sao vậy?
          Trần Bạch Trần đáp rằng:
          - Vịt tuy là ‘tập thể chủ nghĩa’, nhưng có lúc cũng không tránh khỏi khuynh hướng tự do chủ nghĩa. Ví dụ, bầy vịt đều tập trung, khi một cô vịt nào đó đang ăn ếch mà ăn cũng chẳng xong bỏ đi cũng chẳng được, hoặc tiến vào khóm cỏ bồ, cỏ lau hoặc ở đám lá sen khô, nhất thời chưa nghe được tín hiệu tập trung cũng là điều không thể tránh khỏi. Cho nên để đề phòng những việc ngoài ý muốn như thế, “áp quan” đều phải luôn đếm cho đủ số.
Có thể thấy, sở dĩ “nga áp nghi thường sổ”, chỉ là xuất phát từ sự quan tâm chăm sóc đến bầy vịt, chẳng liên quan gì đến việc sợ bị người ta (bần hạ trung nông) bắt trộm.
Quách Mạt Nhược là đại thi nhân, nhưng khi ông lấy thân phận thi nhân để viết văn chương tụng thánh, cũng không tránh khỏi xằng xiên bậy bạ.
                                                          Tôn Ngọc Tường 孙玉详
                                             (trích từ Dương Thành vãn báo 羊城晚报)

Chú của người dịch
1- Văn cách 文革: gọi đầy đủ là “vô sản giai cấp văn hoá đại cách mạng”, gọi tắt là “văn cách”. Đây là phong trào do Mao Trạch Đông phát động và lãnh đạo bắt đầu từ tháng 5 năm 1966 đến tháng 10 năm 1976.
2- Ngũ thất cán hiệu五七干校: trong thời kì đại cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, nhằm quán triệt “ngũ thất chỉ thị” của Mao Trạch Đông, và để cán bộ tiếp thụ sự giáo dục của bần hạ trung nông, cán bộ các cơ quan đảng và chính phủ, nhân viên khoa học kĩ thuật cùng giáo sư các viện, hiệu đều phải xuống nông thôn tiến hành lao động. Chỉ thị ra ngày 7 tháng 5 năm 1966, nên có tên gọi là “ngũ thất cán hiệu”.
          Theo http://baike.baidu.com/60716.htm

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 26/3/2016

Nguồn
Previous Post Next Post