Dịch thuật: Nghệ thuật gia tự xưng "tẩu cẩu"

NGHỆ THUẬT GIA TỰ XƯNG “TẨU CẨU”

          Trong mắt người thời nay, “tẩu cẩu” 走狗 dùng để chỉ những người xấu chuyên nịnh hót, giúp kẻ khác làm điều ác, là từ xưng hô mà ai cũng ghét. Nhưng thời cổ, “tẩu cẩu” là từ trung tính, đồng thời không đáng ghét. Trong Sử kí – Việt vương Câu Tiễn thế gia 史记 - 越王勾践世家 của Tư Mã Thiên 司马迁 có đoạn:
         Phi điểu tận, lương cung tàng; giảo thố tử, tẩu cẩu phanh, địch quốc phá, mưu thần vong.
          飞鸟尽, 良弓藏; 狡兔死, 走狗烹; 敌国破, 谋臣亡.
          (Chim hết thì cung cũng cất, thỏ chết thì chó cũng bị nấu; nước địch tan thì mưu thần cũng chết)
          Ở đây “tẩu cẩu” chính là chỉ chó thông thường hoặc chó săn, không mang ý nghĩa chê khen gì cả. Càng có ý nghĩa hơn đó là có người không những không ghét từ này mà còn thích dùng nó để tự nói về mình. Nhất là giới nghệ thuật, có không ít nghệ thuật gia tự xưng mình là “tẩu cẩu” của ai đó. Họ xem “tẩu cẩu” có ý nghĩa là  một lòng theo chủ nhân, kiên định học tập chủ nhân.
          Thư hoạ gia nổi tiếng đời Thanh là Trịnh Nhiếp 郑燮 (tức Trịnh Bản Kiều 郑板桥, thi, thư, hoạ của ông đều tuyệt, cá tính rõ ràng, được người đời xưng tụng là một trong “Dương Châu bát quái” 扬州八怪. Ông cực sùng bái hoạ gia nổi tiếng thời Minh là Từ Vị 徐渭 (hiệu Thanh Đằng 青藤), một đời tìm tòi hấp thu đặc điểm nghệ thuật thi từ thư hoạ của Từ Vị, vì thế Trịnh Nhiếp đã từng khắc một chiếc ấn chương với dòng chữ:
Từ Thanh Đằng môn hạ tẩu cẩu Trịnh Nhiếp
徐青藤门下走狗郑燮
Biểu thị ông cam tâm tình nguyện làm “tẩu cẩu” trung thành nơi cửa nhà Thanh Đằng. Hoạ gia nổi tiếng đời Thanh Đồng Nhị Thụ 童二树, khi đề vào ảnh của Thanh Đằng đã viết rằng:
Để tử mục trung vô thất tử
Khởi tri thân hậu đắc Trung lang
 Thượng hữu nhất đăng truyền Trịnh Nhiếp
Cam tâm tẩu cẩu liệt môn tường
抵死目中无七子
岂知身后得中郎
尚有一登传郑燮
甘心走狗列门墙
Đến chết, trong mắt cũng không có “thất tử” (1)
Nào biết sau khi qua đời được như Trung lang (2)
Nếu như có đèn sẽ truyền cho Trịnh Nhiếp
Nguyện làm tẩu cẩu canh giữ bên tường
          Thư hoạ gia nổi tiếng hiện đại Tề Bạch Thạch 齐白石 cũng biểu thị bản thân làm “tẩu cẩu” cho Từ Vị 徐渭 (Thanh Đằng 青藤), Chu Đáp 朱耷 (Tuyết Cá 雪个), Ngô Xương Thạc 吴昌硕 (Lão Phẫu 老缶). Đối với 3 vị đại sư này, Tề Bạch Thạch vô cùng kính phục, ông tự than “hận không sinh trước 300 năm”, nếu cùng thời với họ, ông sẽ trải giấy mài mực cho họ, nếu “chư quân không thu nhận”, ông sẽ nguyện “ở ngoài cửa, đến chết cũng không đi”. Trong Lão Bình thi thảo 老萍诗草, Tề Bạch Thạch viết rằng:
Thanh Đằng Tuyết Cá viễn phàm thai
Lão Phẫu suy niên biệt hữu tài
Ngã dục cửu tuyền vi tẩu cẩu
Tam gia môn hạ chuyển luân lai
青藤雪个远凡胎
老缶衰年别有才
我欲九泉为走狗
三家门下转轮来
Thanh Đằng, Tuyết Cá là hai người khác xa người phàm
Lão Phẫu lúc về già lại có tài đặc biệt
Tôi muốn được làm tẩu cẩu khi xuống chốn cửu tuyền
Thay phiên qua lại giữa ba nhà đó
          Điều này đã biểu thị Tề Bạch Thạch không chỉ muốn làm “tẩu cẩu” cho 3 vị đại sư về nghệ thuật, mà còn muốn được luân lưu thọ giáo giữa 3 nhà. Tề Bạch Thạch đã theo tinh thần này, khiêm tốn học tập tinh hoa nghệ thuật của họ, đồng thời trên cơ sở đó sáng lập nét đặc sắc riêng cho mình, cuối cùng đã trở thành nghệ thuật đại sư nổi tiếng trong và ngoài nước.
          Thư pháp gia, triện khắc gia nổi tiếng Đặng Tản Chi 邓散之, biệt hiệu “Phẩn Ông” 粪翁, là một nghệ thuật gia rất có tài khí. Thi từ, thư pháp, triện khắc đều tinh thông, người đương thời đã dùng câu “nam Đặng bắc Tề (Bạch Thạch)” để khen tặng nghệ thuật thư pháp triện khắc của ông. Nghệ thuật triện khắc của Đặng Tản Chi là học ở Triệu Cổ Nê 赵古泥. Triệu Cổ Nê là đại sư về nghệ thuật triện khắc cuối đời Thanh đầu thời Dân Quốc, Đặng Tản Chi cực kì sùng bái Triệu Cổ Nê. Đặng Tản Chi từng khắc chiếc ấn “Triệu môn tẩu cẩu” 赵门走狗, biểu thị ý nghĩa nhất định theo sát thầy để học, trung thành với nghệ thuật của thầy, học cho được kĩ thuật của thầy. Đặng Tản Chi học tập vô cùng khắc khổ. Khi luyện tập, cả ngày khắc, khắc rồi mài, mại rồi khắc lại, cho đến lúc lĩnh hội được tinh thần của thầy mới nghỉ tay. Cuối cùng trở thành triện khắc gia nổi tiếng trong và ngoài nước.
          Liên hoàn hoạ hoạ gia nổi tiếng đương đại Hàn Mẫn 韩敏 cũng là một nghệ thuật gia tài hoa. Ông không chi vẽ tranh liên hoàn đẹp, mà vẽ văn nhân, vẽ sĩ nữ, vẽ trúc cũng rất xuất sắc được khen là “tam tuyệt”. Hàn Mẫn rất sùng bái Trịnh Bản Kiều, chuyên tâm nghiên cứu nghệ thuật hội hoạ của Trịnh Bản Kiều, hấp thu tài hoa của ông, từ lúc trẻ đã tự xưng “Trịnh Bản Kiều môn hạ tẩu cẩu”. Ông từng viết rằng:
Dạ mộng Bản Kiều tiếu ngã bần
Tỉnh lai do ức mộng hồn tình
夜梦板桥笑我贫
醒来犹忆梦魂情
Đêm mộng thấy Bản Kiều cười ta nghèo
Tỉnh dậy hãy còn nhớ đến tình trong giấc mộng
Biểu đạt ông rất si tình đối với Trịnh Bản Kiều.

Chú của người dịch
1- Thất tử 七子: chỉ nhóm Lí Mộng Dương 李梦阳, 7 người thời Minh, gồm:
     Lí Mộng Dương 李梦阳, Hà Cảnh Minh 何景明, Từ Trinh Khanh 徐祯卿, Biên Cống 边贡, Khang Hải 康海, Vương Cửu Tư 王九思, Vương Đình Tương 王廷相.
2- Trung lang 中郎: chỉ Nguyễn Hoành Đạo 阮宏道

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 25/3/2016

Nguyên tác Trung văn
TỰ XƯNG “TẨU CẨU” ĐÍCH NGHỆ THUẬT GIA
自称走狗的艺术家
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post