Dịch thuật: Văn Chủng

VĂN CHỦNG

          Văn Chủng文种, không rõ năm sinh năm mất. Tự Bá Cầm 伯禽, có thuyết nói là Tử Cầm 子禽, sử gọi ông là Đại phu Chủng 大夫种. Tể tướng của Việt vương Câu Tiễn 勾践 thời Xuân Thu. Sau khi diệt nước Ngô, Văn Chủng bị Câu Tiễn sát hại.

Văn Chủng 文种 người đất Dĩnh nước Sở (nay là Giang Lăng 江陵 tỉnh Hồ Bắc 湖北). Đại phu thời Việt vương Câu Tiễn.
Năm 494 trước công nguyên, sau khi nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Câu Tiễn dẫn tàn quân lui về giữ Cối Kê 会稽, đồng thời theo lời khuyên của Phạm Lãi 范蠡 phái Văn Chủng hướng đến Ngô vương Phù Sai 夫差 cầu hoà, nhưng bị Ngũ Tử Tư 伍子胥 cự tuyệt.
Sau khi Phạm Lãi đến nước Ngô làm con tin, Văn Chủng chủ trì chính sự nước Việt. Văn Chủng dâng lên Câu Tiễn “phạt Ngô thất thuật” 伐吴七术 (có thuyết cho là “cửu thuật”), tức:
- Kính trời thờ quỷ
- Dùng nhiều lễ vật tặng Phù Sai
- Tìm cách làm cho thóc lúa nước Ngô đắt đỏ để tiêu hao thực lực kinh tế của họ
- Tặng mĩ nữ khiến cho Phù Sai say mê nữ sắc, tiêu ma ý chí chiến đấu
- Sai thợ giỏi vào đất Ngô xây cất cung điện và những công trình to lớn để tiêu hao quốc lực của họ
- Khiến tay gian nịnh thân tín của Ngô vương là Bá Bỉ 伯嚭 làm loạn chính sự
- Khiến Ngô vương bức tử trung thần Ngũ Tử Tử.
Tất cả đều được Câu Tiễn tiếp nhận.
Hai năm sau, Phạm Lãi về lại nước, Văn Chủng và Phạm Lãi cùng ra sức khôi phục quốc lực, dồn sức cho trận chiến. Có một lần, đích thân Văn Chủng đến nước Ngô, hướng đến Phù Sai mượn 10000 gánh lương thực. Dưới sự thuyết phục của Tây Thi 西施, Phù Sai đồng ý. Năm sau, Văn Chủng lại đích thân đem lương thực trả lại cho nước Ngô. Phù Sai nhìn thấy những hạt lương thực này đều mập tròn nên sai Bá Bỉ đem bán cho dân để làm thóc giống. Chẳng bao lâu, những hạt giống này đều mục nát không trồng được, khiên cho giá thóc tăng cao, trong nước rơi vào hỗn loạn. Nguyên do là những lương thực này đã bị Văn Chủng sai người nấu chín rồi sau đó phơi khô.
          Trải qua nhiều năm gian khổ, dưới sự quản lí của Văn Chủng và Phạm Lãi, nước Việt dần mạnh lên, cả nước trên dưới đều đồng lòng phục thù. Qua nhiều năm tấn công, cuối cùng vào năm 473 trước công nguyên diệt được nước Ngô, bức Phù Sai tự sát. Câu Tiễn thắng lợi vượt sông Hoài , đại hội chư hầu tại Từ Châu 徐州, trở thành bá vương.
          Lúc bấy giờ, Phạm Lãi biết Câu Tiễn là người hiểm độc, muốn giết công thần nên đã ra đi mà không cáo từ. Trước khi đi Phạm Lãi để lại cho Văn Chủng một bức thư, nói với Văn Chủng rằng:
          Chim hết thì cung cũng dẹp, thỏ chết thì chó cũng bị nấu. Việt vương là người hay nghi ngờ, chỉ có thể cùng ông ta chung hoạn nạn chứ không thể cùng ông ta hưởng lạc. Ngài sao chẳng mau rời xa ông ta?
          Văn Chủng xem qua thư, lập tức cáo bệnh về nhà, nhằm tránh hoạ. Nhưng, Câu Tiễn vẫn không buông tha. Thừa lúc có người vu Văn Chủng mưu phản, Câu Tiễn đã ban kiếm bức Văn Chủng tự sát, lại còn nói rằng:
          Khanh dạy ta 7 thuật đánh Ngô, ta chỉ mới dùng có 3 mà đã diệt được. Nay thuật thứ 4 giành cho khanh.
          Văn Chủng đành ôm hận tự sát.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 03/12/2013

Nguyên tác Trung văn
VĂN CHỦNG
文种
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post