Dịch thuật: Thập vật (kì 1)

THẬP VẬT
(Kì 1)

          Thập vật rất nhiều, không thể kể ra hết được, dưới đây chủ yếu nói đến những loại mà xưa nay có sự sai biệt lớn.
          Người xưa ngồi dưới đất, cho nên khi vào nhà trước tiên phải tháo giày. Loại “tịch” dùng để ngồi dài ngắn khác nhau, loại dài có thể ngồi được mấy người, loại ngắn chỉ ngồi được một người. “Tịch” và “diên” là từ đồng nghĩa. Khu biệt ở chỗ, “diên” so với “tịch” dài hơn, được trải dưới đất lót cho “tịch”; “tịch” trải trên “diên” để ngồi. Về sau chữ “diên” được dùng để biểu thị sự bày biện yến tiệc. Trong bài Xuân dạ biệt hữu nhân 春夜别友人 của Trần Tử Ngang 陈子昂 có câu:
Kim tôn đối ỷ diên
金樽對綺筵
(Chén vàng bên chiếu lụa)
          Thời cận đại, “diên tịch” 筵席 trở thành một từ, dùng để chỉ bữa tiệc thịnh soạn.
          “Sàng” thời cổ có hai cách dùng, có thể dùng để nằm mà cũng có thể dùng để ngồi. Trong Thi kinh – Tiểu nhã – Tư can 詩經 - 小雅 - 斯干 có câu:
Tái tẩm chi sàng
載寢之
(Cho nằm ngủ trên giường)
Đây chính là loại dùng để nằm.
          Trong Mạnh Tử - Vạn Chương thượng 孟子 - 萬章上 có câu:
Thuấn tại sàng cầm (1)
舜在牀琴
(Ông Thuấn ngồi trên giường đánh đàn)
Đây lại là loại dùng để ngồi.
          Người xưa khi ngồi hai chân quỳ trên “tịch” hoặc trên “sàng”, phần mông ngồi trên hai gót chân (2), khi ngồi có thể dựa chiếc “kỉ” . “Kỉ” có dạng hình chữ nhật, không cao, giống như chiếc bàn nhỏ trên giường lò của phương Bắc. Trong Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng 孟子 - 公孫丑上 có nói Mạnh Tử “ấn kỉ nhi toạ” 隱几而坐 (dựa kỉ mà ngồi). Trong Trang Tử - Tề vật luận 莊子 - 齊物論 có nói “Nam Quách Tử Kì ấn ki nhi toạ” 南郭子綦隱机而坐 (Nam Quách Tử Kì tựa kỉ mà ngồi) “ki” chính là “kỉ” . “Kỉ” thường được người già tựa, cho nên thời cổ thường nói  “kỉ trượng” 几杖, được làm dụng cụ tôn kính người già.
          “Bàn” thời cổ dùng để dâng thức ăn gọi là “án” , có loại hình chữ nhật, có loại hình tròn. Loại chữ nhật có 4 chân, loại hình tròn có 3 chân, có thể đặt trên đất, đó là “thực án” 食案. Hình dạng của “thực án” không lớn, chân rất ngắn, cho nên trong Hậu Hán thư – Lương Hồng truyện 後漢書 - 梁鴻傳 có nói vợ của Lương Hồng “cử án tề mi” 舉案齊眉 (nâng mâm ngang mày). Ngoài ra còn có “thư án” 書案dạng hình chữ nhật, hai đầu có chân rộng uốn hướng vào trong thành hình cong, không cao lắm. Đời sau nhân vì cách ngồi mà đã đổi thành hình dạng như hiện nay, cho nên mới có “án kỉ” 案几 và “trác ỷ” 桌椅 tương đối cao.
          Thời Tiên Tần đã có chữ “chúc” , nhưng “chúc” thời thượng cổ không phải như loại đèn sáp sau này. Trong Thuyết văn 說文 có nói:
Chúc, đình liệu đại chúc dã
, 庭燎大燭也
(Chúc là loại đuốc lớn thắp sáng ở sân)
“chúc” và “đình liệu” 庭燎 như nhau, đều là đuốc lớn. Nhưng tỉ mỉ chia ra thì loại cầm ở tay gọi là “chúc”, còn loại lớn đứng trên đất gọi là “đình liệu”. Nghe nói loại lớn được làm bằng củi sậy, loại nhỏ được làm bằng cây đay (3).
          Thời Chiến Quốc đã có “đăng” () dùng để chiếu sáng. “Đăng” lúc bấy giờ khác với “đăng” đời sau. Do bởi hình dáng giống cái “đăng” dùng để đựng thức ăn, cho nên mới gọi là “đăng” (4). Thời cổ dùng “cao” để thắp. “Cao” là mỡ động vật, trong Sở từ - Chiêu hồn 楚辭 - 招魂 có câu:
Lan cao minh chúc
Hoa đăng thác ta (5)
蘭膏明燭
鐙錯些
(Mỡ trộn với lan thơm thắp sáng
Đèn hoa chạm khắc)
dùng dầu thực vật để thắp là từ đời sau.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Cầm ở đây được dùng như động từ, “đánh đàn”
(2)- Người xưa ngồi, khi đứng dậy, trước tiên phải thẳng lưng, đây gọi là “trường quỵ” 長跪, trường quỵ có thể biểu thị sự thành kính. Trong Chiến Quốc sách – Nguỵ sách 戰國策 - 魏策 có nói Tần vương “trường quỵ nhi tạ” 長跪而謝. Còn “ki cứ” 箕踞(ngồi dạng chân) bị cho là kiểu ngồi không cung kính. Gọi là “ki cứ” là do khi ngồi phần mông chạm đất, hai chân duỗi về phía trước, đầu gối hơi cong, giống như cái “ki” (một loại dụng cụ dùng để hót rác). Trong Chiến Quốc sách – Yên sách 戰國策 - 燕策 có nói Kinh Kha 荊軻 đâm Tần vương không trúng, “tự biết sự không thành, đã dựa cột mà cười, ngồi dạng chân mà mắng”, biểu hiện khí khái coi thường kẻ địch.
(3)- Theo thuyết của Chu Tuấn Thanh 朱駿聲.
(4)- Về sau hình chế của “đăng” đã được đa dạng hoá.
(5)- Lan cao 蘭膏, loại mỡ trộn thêm hoa lan thơm, khi thắp lên có mùi thơm. Chữ “chúc” ở đây là động từ, có nghĩa là chiếu sáng. “Thác” , chạm khắc. “Ta” là từ ngữ khí.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
- Tịch : cái chiếu
- Diên : cái chiếu trúc
- Sàng cũng viết là : cái giường
- Kỉ : cái ghế dựa
- Bàn : cái mâm
- Án : cái bàn, cái mâm
- Chúc : đuốc, nến
- Đăng, cũng được viết là : cái đèn.
          (Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu)
                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 04/12/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post