Dịch thuật: Tôn Tẫn đấu trí với Bàng Quyên

TÔN TẪN ĐÁU TRÍ VỚI BÀNG QUYÊN

          Tôn Tẫn 孙膑, hậu duệ của Tôn Vũ 孙武, là nhà quân sự vĩ đại thời kì Xuân Thu, người nước Tề thời Chiến quốc.
          Tôn Tẫn và Bàng Quyên 庞涓 cùng học binh pháp. Bàng Quyên giữ chức Tướng quân nước Nguỵ, tự mình nhận thấy tài năng không bằng Tôn Tẫn nên mời Tôn Tẫn đến nước Nguỵ, tìm cách chặt chân của Tôn Tẫn, cho thích chữ lên mặt để Tôn Tẫn suốt đời thành phế nhân. Sứ giả nước Tề là Cầm Li Hoạt 禽厘滑 đến nước Nguỵ, Cầm Li Hoạt là học trò của Mặc Tử 墨子, có quen biết Tôn Tẫn. Tôn Tẫn với thân phận là người chịu hình phạt lén gặp Cầm Li Hoạt, Cầm Li Hoạt tìm cách giấu Tôn Tẫn trên xe lén đưa về lại nước Tề. Đại thần nước Tề là Điền Kị 田忌 xem Tôn Tẫn là thượng khách, tiến cử Tôn Tẫn với Tề Uy Vương 齐威王. Tề Uy Vương thỉnh giáo binh pháp, Tôn Tẫn trả lời lưu loát, vì thế được Tề Uy Vương tôn làm thầy. Năm thứ 16 đời Chu Hiển Vương 周显王, Bàng Quyên đem binh tấn công nước Triệu, nước Triệu cầu cứu nước Tề, Tề Uy Vương xuất binh cứu Triệu, sai Tôn Tẫn làm Đại tướng, Tôn Tẫn thấy mình là người tàn phế nên kiên quyết từ chối. Tề Uy Vương bèn sai Điền Kị làm Đại tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, để Tôn Tẫn ngồi xe có màn che định ra kế sách.
          Điền Kị chuẩn bị dẫn quân tiến đến nước Triệu, Tôn Tẫn bảo rằng:
          Hai bên bày trận đánh nhau, không thể dùng quyền cước để đánh, càng không thể chỉ dựa vào sự giúp đỡ một phía để đánh, chỉ có thể nhân thế có lợi, thừa hư mà vào, hình thế khẩn trương bị ngăn cấm tự nhiên sẽ được hoá giải. Hiện tại để đánh nước Triệu, nước Nguỵ phải dốc hết toàn lực, trong nước chỉ còn lại người già và những người tàn tật đau ốm. Ngài chi bằng đem quân tập kích đô thành nước Nguỵ, chiếm cứ đường giao thông quan trọng, đánh vào hậu phương đang trống không của đối phương, quân Nguỵ nhất định sẽ buông thả nước Triệu để quay về cứu viện. Như vậy chúng ta được một công đôi việc, vừa giải vây cho nước Triệu, lại đánh vào trong nước của nước Nguỵ.
          Điền Kị nghe theo kế sách của Tôn Tẫn. Bàng Quyên vội đem quân về cứu viện trong nước, và đã cùng với quân Tề phát sinh trận chiến kịch liệt tại Quế Lăng 桂陵, quân Nguỵ đại bại.
          Năm thứ 28 đời Chu Hiển Vương, Bàng Quyên nước Nguỵ đem quân đánh nước Hàn. Nước Hàn sai người cầu cứu nước Tề. Tề Uy Vương triệu tập đại thần thương nghị. Đại thần mỗi người đều giữ riêng ý kiến của mình. Cuối cùng Tôn Tẫn nói:
          Hiện tại sĩ khí của quân Nguỵ đang mạnh, chúng ta đi cứu viện là chúng ta đã thay nước Hàn nhận sự đả kích của nước Nguỵ. Nước Nguỵ lần này có dã tâm thôn tính nước Hàn, đợi đến khi nước Hàn cảm thấy cái hoạ mất nước ở ngay trước mắt, nước Hàn nhất định sẽ sai người đến khẩn cầu nước Tề, lúc bấy giờ chúng ta sẽ xuất binh, vừa có thể tăng thêm mối quan hệ thân thiết với nước Hàn, vừa có thể cứu Hàn nhân lúc quân Nguỵ mệt mỏi, như vậy một công đôi việc, danh và lợi đều có được.
          Tề Uy Vương bảo rằng khen rằng “Phải”, liền ra bộ đáp ứng lời cầu cứu của sứ thần nước Hàn, bảo sứ thần quay về, nhưng lại chần chừ không chịu xuẩt binh. Nước Hàn cho rằng có nước Tề ứng cứu nên ra sức chống lại, nhưng trải qua 5 trận đại chiến đều đại bại, đành phải một lần nữa cầu cứu nước Tề.
          Lúc bấy giờ nước Tề mới xuất binh, sai Điền Kị 田忌, Điền Anh 田婴, Điền Phán 田盼 làm Tướng quân, Tôn Tẫn làm quân sư đi cứu nước Hàn, nhưng vẫn dùng cách cũ đánh vào đô thành nước Nguỵ. Bàng Quyên nghe tin, lập tức bỏ nước Hàn kéo binh về nước. Nước Nguỵ tập trung toàn bộ binh lực, phái Thái tử Thân làm Tướng quân giao chiến cùng quân Tề. Tôn Tẫn lệnh cho quân Tề sau khi tiến vào địa giới nước Nguỵ, làm ra 10 vạn cái bếp, ngày hôm sau giảm xuống còn 5 vạn, hôm sau nữa giảm còn 2 vạn. Bàng Quyên dẫn quân truy kích quân Tề 3 ngày, thấy tình hình như thế, cười lớn và nói rằng:
          Ta từ lâu đã biết quân Tề nhát gan, tiến vào đất ta mới 3 ngày mà quân sĩ đã bỏ trốn hơn một nữa.
          Vì thế Bàng Quyên bỏ bộ binh, đích thân dẫn khinh binh tinh nhuệ ngày đêm đuổi theo quân Tề. Tôn Tẫn đoán được hành trình của quân Nguỵ đêm đó sẽ đến Mã Lăng 马陵. Mã Lăng là một nơi có đường nhỏ hẹp lại nhiều hiểm trở, có thể phục binh. Tôn Tẫn sai người cạo vỏ của một cây lớn, trên đó viết 6 chữ to:
Bàng Quyên tử tại thụ hạ
庞涓死在树下
(Bàng Quyên chết dưới cây này)
          Lại từ trong số quân Tề chọn ra cả vạn tay xạ thủ cho mai phục hai bên đường, ước chừng sau khi trời tối hễ thấy có ngọn lửa sáng lên thì đồng loạt bắn tên.  Quả nhiên, đêm đó Bàng Quyên đến dưới gốc cây nọ, nhìn thấy trên thân cây lờ mờ có chữ, liền sai người giơ đuốc để xem, chưa đọc xong, hai bên tên đồng loạt bắn ra như mưa, quân Nguỵ đại loạn, vỡ tan hàng lối. Bàng Quyên biết mình thế bại không có cách gì cứu vãn nên đã rút kiếm tự sát. Quân Tề thừa thế đại phá quân Nguỵ, bắt được Thái tử Thân.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 01/9/2013

Nguyên tác Trung văn
TÔN TẪN TRÍ ĐẤU BÀNG QUYÊN
孙膑智斗庞涓
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post