Dịch thuật: Thạch cổ văn

THẠCH CỔ VĂN

1- Số phận gập ghềnh của trống đá.
          Trong Viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh hiện đang để 10 khối đá hình dạng cái trống có khắc chữ, trong đó có một khối chữ khắc trên đó đã mờ rất khó nhận dạng, 9 khối còn lại cũng bị tàn khuyết. Những khối đá cổ quái này đã trải qua sự biến thiên của mấy ngàn năm lịch sử, may mắn còn tồn tại lại. 10 khối đá hình dạng cái trống này từ đâu mà có? Theo lời kể, nó được phát hiện ở cánh đồng hoang tại Nam sơn 南山 thuộc huyện Thiên Hưng 天兴 Thiểm Tây 陕西 (nay là thành phố Bảo Kê 宝鸡 Thiểm Tây). Mỗi khối đá có đường kính khoảng hơn 3 thước, hình dạng giống cái trống cho nên gọi là “thạch cổ” 石鼓 (trống đá). Trên 10 chiếc trống đá này mỗi chiếc đều có khắc 10 bài tứ ngôn thi có vần làm thành một nhóm, cách điệu rất giống với “Thi kinh” cổ đại. Câu chữ trên trống đá liên tiếp nhau tự nhiên, cổ phác kì lạ. Chúng là triện thư khắc trên đá sớm nhất được phát hiện hiện còn ở Trung Quốc, và cũng là một trong những triện thư khắc đá thời Tiên Tần mà ngày nay chúng ta nhìn thấy được. Đầu thời Đường rất ít người biết đến. Lúc bấy giờ hãy còn 465 chữ, sau nhân vì bị mài mòn, tự hình ngày càng không rõ, nên số chữ dần bị giảm đi. Thời Đường có một người tên là Trịnh Dư Khánh 郑余庆 đã đem 10 chiếc trống đá từ huyện Thiên Hưng đưa đến miếu Phu Tử tại phủ Phụng Tường 凤翔 (nay là huyện Phụng Tường, Thiểm Tây). Văn nhân nổi tiếng lúc bấy giờ như Đỗ Phủ 杜甫, Hàn Dũ 韩愈, Vi Ứng Vật 韦应物 đều từng làm qua thơ văn về trống đá. Trịnh Dư Khánh còn kêu gọi mọi người coi trọng và nghiên cứu chữ trên những chiếc trống đá này. Trải qua thời Ngũ đại thập lục quốc loạn lạc, 10 chiếc trống đá này bị thất tán. Mãi đến thời Tống, có một người tên là Tư Mã Trì 司马池 khi thu thập một số khối đá để đặt tại hành lang của phủ học, thầy của ông ta đã đưa những chiếc trống đá này từ Phụng Tường dời đến thủ đô Đông Kinh 东京 (nay là Khai Phong 开封Nam 河南). Về sau, nhà Kim diệt nhà Tống, trống đá lại bị dời đến Yên Kinh 燕京 (nay là thành phố Bắc Kinh 北京). Trong thời gian trống đá được lưu giữ tại Kê Cổ các 稽古阁 ở Bảo Hoà điện 保和殿, người ta đã  dùng bột vàng đồ lên chữ để tỏ ý trân quý. Từ đời Nguyên dựng đô trở về sau, trống đá không bị di dời. Thời kháng chiến từng dời đến hậu phương lớn, hiện đang tàng trữ tại Viện bảo tàng Cố cung.
          Trong Tập cổ lục 集古录do Âu Dương Tu 欧阳修đời Tống biên soạn có nhấn mạnh đến giá trị văn vật của thạch cổ văn 石鼓文 (văn tự khắc trên trống đá), xếp chúng vào di vật quan trọng nhất trong nhóm thạch khắc. Các học giả nổi tiếng thời cận hiện đại không ngừng công bố những thành quả nghiên cứu, như Phùng Hành 冯衡 với Thạch cổ vi Tần khắc thạch khảo 石鼓为秦刻石考, Quách Mạt Nhược 郭沫若 với Thạch cổ văn nghiên cứu 石鼓文研究, Đường Lan 唐兰 với Thạch cổ văn niên khảo 石鼓文年考.

2- Di chỉ của Tần Thuỷ Hoàng khi tuần du thiên hạ.
          Theo khảo chứng, 10 chiếc trống đá này khắc những lời ca tụng vị quốc quân nước Tần khi xuất du săn bắn, cho nên gọi là “liệp kiệt” 猎碣. Chữ khắc trên trống đá là Trứu văn 籀文. Trứu văn là tiền thân của triện văn, cho nên còn được gọi là “đại triện” 大篆, đây là văn tự của nước Tần thời Tiên Tần. Những lời ca tụng này dùng thể văn vần tứ ngôn khắc trên 10 chiếc trống đá, tổng cộng có 10 bài. Mỗi khối đá khắc khoảng sáu bảy chục chữ. Khối đá cao khoảng hơn 1m, có khối hình dáng giống chiếc bánh bao cao chân, do bởi có một số giống cái trống nên gọi chung là “thạch cổ”.
          Văn chương trên trống đó nghiêm trang, chữ viết sắp xếp chỉnh tề, khoảng cách giữa các chữ và các hàng đều quy định, tự hình lớn nhỏ nhất trí nhau, với tỉ lệ cao rộng hình thành hình vuông. Nét đặc sắc của chúng là tự hình có dạng vuông và sự sắp xếp có trật tự, không còn thủ pháp tượng hình vẽ trực tiếp ở thời kì đầu của văn tự, chúng đặt cơ sở vững chắc cho sự xuất hiện kiểu tiểu triện đời Tần.
3- Thạch cổ văn và những văn tự khắc đá khác.
          Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất Trung Quốc, lúc tuần du thiên hạ, tại các nơi như Phong sơn 峰山, Thái sơn 泰山, Lang Nha đài 瑯琊台, Chi Phù 芝罘, Kiệt Thạch 碣石, Cối Kê 会稽đều cho khắc chữ trên đá để ghi công. Trong mấy lần tuần du, tổng cộng khắc được 7 chiếc, nội dung đại đồng tiểu dị, văn tự viết ra đa phần là từ tay Lí Tư 李斯. Chữ của ông ta gầy cứng, gọi là “ngọc trợ triện” 玉箸篆, là chính tông của tiểu triện. Thời Tần Nhị Thế, tại mỗi nơi khắc chữ đều gia thêm một đạo chiếu thư, nói rõ văn tự trên những khối đá này là của Tần Thuỷ Hoàng. Những thạch khắc này là những tư liệu tốt nhất để nghiên cứu tiểu triện. Đáng tiếc là nguyên vật hầu như bị phá huỷ, chỉ có thạch khắc Lang Nha đài ở Nam Quách 南郭 phía tây huyện Trừ tỉnh An Huy 安冔徽còn tồn tại nhưng tàn khuyết, bảo tồn được một bộ phận chiếu thư của Tần Nhị Thế. Thạch khắc Thái sơn tuy bị hư tổn nhưng cách cục hình thể của nó vẫn đáng tin, đây là điển hình của Tần triện.
          Tần Doanh Chính 秦嬴政 tuy chế định “tiểu triện” quy phạm thống nhất, nhưng không phế bỏ các loại tự hình lưu hành trước đó, mà để cho nó tự sinh tự diệt, cho nên tại triều Trần có “Tần thư bát thể” 秦书八体, tức đại triện 大篆, tiểu triện 小篆, khắc phù 刻符, trùng thư 虫书, mô ấn 摹印, thự thư 署书, thù thư 殳书, lệ thư 隶书. Kì thực, tuy có loại tự thể bất đồng nhưng cũng có loại nhân vì nơi viết khác nhau nên tên gọi có khác.
          Thạch cổ văn chỉ là một hình thức trong thạch khắc. Thạch cổ văn lấy Tần triện làm cơ sở, sau đó cũng xuất hiện văn tự thạch khắc theo kiểu lệ thư, hành thư, thảo thư, khải thư. Ngoài ra còn có văn tự khắc trên vách núi, văn tự khắc trên bia ca tụng công đức, văn tự khắc trên mộ chí. Thạch thư của Nho gia, Phật giáo, Đạo giáo dùng các hình thức đề bạt 题跋, đề kí 题记, đề danh 题名, kinh tràng 经幢 cũng lần lượt xuất hiện. Tóm lại, văn tự thạch khắc đã xuất hiện cục diện bách hoa tề phóng. Có người thống kê, nếu đem các loại văn tự thạch khắc mà bắt đầu từ thạch cổ văn tập họp lại, số lượng của chúng hoàn toàn có thể tương đương với Nhị thập tứ sử 二十四史 và thư tịch tả bản, mộc khắc bản.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 24/8/2013

Nguyên tác Trung văn
BẤT NĂNG CỔ ĐÍCH CỔ
不能鼓的鼓
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post