Dịch thuật: Kết cấu của bút lông

KẾT CẤU CỦA BÚT LÔNG

          Nhìn chung, bút lông do 3 bộ phận tổ thành gồm: mũ bút (bút mạo 笔帽), cán bút (bút can 笔杆), đầu bút (bút đầu 笔头). Dưới đây sẽ lần lượt giới thiệu qua vài nét.
          Mũ bút (bút mạo 笔帽):
          Còn được gọi là “bút sáo” 笔套, thời cổ gọi là “bút tháp” 笔榻, tức công cụ đơn giản nhằm bảo vệ đầu bút, đồng thời làm cho bút lông dễ dàng cất giữ hoặc mang theo bên mình. Nhìn chung, mũ bút được làm bằng trúc, cũng có loại được làm bằng vàng, bạc, ngọc,  thuỷ tinh, ngà voi, đồi mồi … Đầu của cây bút lông đa phần dùng đồng chế tác, mũ bút vừa bảo vệ đầu bút , vừa giữ được độ thuỷ phân, có lợi khi viết. Hiện nay thịnh hành loại mũ bút bằng nhựa, vừa không bị mối mọt gậm nhấm vừa giữ được độ thuỷ phân.
          Cán bút (bút can 笔杆):
          Còn được gọi là “bút quản” 笔管, phần dưới tiếp liền với đầu bút, phần trên dùng để cầm khi viết. Nhìn chung cán bút được làm bằng trúc của mùa đông, trong đó loại “kê mao trúc” 鸡毛竹, “Tương phi trúc” 湘妃竹 là tốt nhất. Cũng có loại được làm bằng gỗ hoặc những nguyên liệu khác. Cán bút bằng gỗ bắt đầu từ thời Tần Thuỷ Hoàng, gỗ dùng để làm là chá mộc 柘木, hồng mộc 红木, nam mộc 楠木, hoa lê mộc 花梨木 đều là những loại danh mộc.
          Vị trí tay cầm cán bút trong thư pháp gọi là “bút vị” 笔位. Đem cán bút chia làm hai phần, điểm chính giữa gọi là “lưng” (yêu ). Từ chỗ “lưng” xuống đến đầu bút lại chia làm 3 đoạn, từ dưới tính lên gọi là đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3. Khi viết chữ loại trung khải 中楷, tiểu khải 小楷, vị trí cầm thích hợp là ở đoạn 3.
          Đầu bút (bút đầu 笔头):
          Đây là bộ phận thể hiện bản chất của bút lông, cũng là bộ phận quan trọng nhất, chủ yếu được làm từ lông dê, lông chó sói, một số ít được làm từ râu chuột, lông gà, lông hươu, râu người, tóc thai của em bé và cả lông của các loài chim thú khác. Chỏm nhọn ở ngọn bút trong thư pháp gọi là “dĩnh” , “dĩnh” có độ dài mới dùng được lâu, và là điều kiện tiên quyết để tạo nên một cây bút tốt. Căn cứ vào độ dài ngắn của đầu bút mà chia thành: trường phong 长锋, trung phong 中锋, đoản phong 短锋, nó quyết định độ đàn hồi của bút nhiều hay ít, vì thế nếu viết chữ tương đối lớn hoặc hành thư, thảo thư nên dùng loại trường phong, viết chữ cỡ trung, cỡ nhỏ hoặc khải thư nên dùng loại trung phong hoặc đoản phong là thích hợp.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 11/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỔ BÚT ĐÍCH KẾT CẤU
古笔的结构
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Biên soạn: Long Tùng (龙松), Kỉ Bình (纪平)
Hà Bắc Nhân dân xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post