Dịch thuật: Giải thích như thế nào về bút danh "Lỗ Tấn"?

GIẢI THÍCH NHƯ THẾ NÀO
VỀ BÚT DANH “LỖ TẤN”?

         Lỗ Tấn 鲁迅 vốn có tên là Chu Chương Thọ 周樟寿, một tên khác là Chu Thụ Nhân 周树人. Bút danh “Lỗ Tấn” được dùng lần đầu ở tiểu thuyết bạch thoại Cuồng nhân nhật kí 狂人日记 đăng trên tạp chí Tân thanh niên 新青年 năm 1918. Trước đó, mọi người chỉ biết Chu Thụ Nhân, không biết Lỗ Tấn. Nghe nói, bạn học của Lỗ Tấn là Hứa Thọ Đường 许寿棠 khi đọc được Cuồng nhân nhật kí trên tạp chí Tân thanh niên, đã bị cuốn hút bởi nội dung sâu sắc và bút pháp điêu luyện. Trong khi nghiền ngẫm tác phẩm đó, Hứa Thọ Đường phát hiện cách viết giống Chu Thụ Nhân, nhưng kí tên lại là “Lỗ Tấn”. “Lỗ Tấn” là ai? Hứa Thọ Đường bèn viết thư cho Chu Thụ Nhân, hỏi Chu Thụ Nhân có phải là tác giả của Cuồng nhân nhật kí. Khi nhận được thư trả lời, mới biết “Lỗ Tấn” hoá ra là Chu Thụ Nhân. Về sau khi đăng bài, Chu Thụ Nhân thường dùng bút danh “Lỗ Tấn”, và mọi người bắt đầu quen bút danh này, dần dần không gọi ông là Chu Thụ Nhân nữa mà gọi là Lỗ Tấn. Cuối cùng, có người quên mất tên thật của ông, chỉ biết Lỗ Tấn mà không biết Chu Thụ Nhân.
          Nghe nói, Hứa Thọ Đường từng hỏi qua Lỗ Tấn tại sao lấy bút danh này. Lỗ Tấn đáp rằng, khi thời gian lưu học ở Nhật, ông từng dùng qua bút danh “Tấn Hành” 迅行. Bút danh này có ý động viên mình tiến lên, nhưng tạp chí Tân thanh niên không đồng ý bút danh đó, cho nên đã đổi “Tấn Hành” thành “ Lỗ Tấn”. “Lỗ” là họ của mẹ, Chu và Lỗ lại là nước cùng một tính. “Lỗ Tấn” có ý nghĩa là ngu độn nhưng tiến bộ nhanh (1).
          Sử học gia nổi tiếng Hầu Ngoại Lư 侯外庐 đã giải thích bút danh “Lỗ Tấn”. Trong một bài viết ông nói rằng, mọi người giải thích chữ “Tấn” là “nhanh nhẹn”, “nhanh lẹ” là có điều chưa rõ. Trong Nhĩ nhã 尔雅 giải thích chữ “Tấn” là:
Tẫn lang, kì tử hịch, tuyệt hữu lực, tấn.
牝狼, 其子獥, 绝有力,
(Chó sói cái, con của nó quyết liệt, có sức mạnh, gọi là tấn)
          Phần chú thích là:
Lang tử tuyệt hữu lực giả, viết tấn
狼子绝有力者, 曰迅
(Chó sói con, con mà có sức mạnh, gọi là tấn)
          Chữ “hịch” trong câu trên tức chữ “kích” , chữ với bộ “khuyển” là nói về đặc tính của loài thú; chữ với bộ “thuỷ” là nói đặc tính của nước, cả 2 đều hàm nghĩa quyết liệt, có sức mạnh. “Tấn” tức con sói con trong nghĩa cổ. Tên của Lỗ Tấn có thể giải thích là sói con dũng mãnh của sói mẹ. Hầu Ngoại Lư cho rằng, Chu Thụ Nhân lấy bút danh Lỗ Tấn ý nói xem mình là sói con, biểu hiện tinh thần dũng cảm chống lại chế độ phong kiến. Hầu Ngoại Lư từng đem cách giải thích này hỏi ý kiến của phu nhân Lỗ Tấn là Hứa Quảng Bình 许广平. Hứa Quảng Bình sau khi nghe qua cười và nói “Cám ơn! Cám ơn!”. Bà có tán đồng hay không, xem ra không có cách nào để khẳng định, nhưng cách giải thích ấy phù hợp với tư tưởng của Lỗ Tấn là điều không phải nghi ngờ gì.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chữ “Lỗ” và chữ “Tấn” trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích như sau:
          LỖ : 1- Đần độn. Tư chất không được sáng suốt lanh lợi gọi là Lỗ.
                       2- Nước Lỗ, thuộc vùng Sơn đông bây giờ. (trang 793)
          TẤN : Nhanh chóng; Đi lại vùn vụt, người không lường được gọi là tấn, như tấn lôi bất cập yểm nhĩ 迅雷不及掩耳 sét đánh không kịp bưng tai. (trang 677 – 678)
                                                        (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 10/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
“LỖ TẤN” BÚT DANH TỐ HÀ GIẢI THÍCH
鲁迅笔名做何解释
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
            Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post