Dịch thuật: Những biệt xưng về tuổi như "cổ hi" "nhĩ thuận" bắt nguồn từ đâu

 

NHỮNG BIỆT XƯNG VỀ TUỔI NHƯ “CỔ HI” “NHĨ THUẬN”

 BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU 

          Trong sách cổ có chép:

          Nhị thập nhược quán; tam thập nhi lập; tứ thập bất hoặc; ngũ thập tri thiên mệnh; lục thập hoa giáp tí; thất thập cổ lai hi; bát thập vi mạo điệt chi niên.

          二十弱冠; 三十而立; 四十不惑; 五十知天命; 六十花甲子; 七十古来稀; 八十为耄耋之年.

          Ở đây là nói những nhã xưng về tuổi tác của con người ở mỗi giai đoạn. Thế thì những xưng vị này có nội hàm như thế nào?

          Trong “Luận ngữ” 论语, Khổng Tử 孔子 có nói:

          Ngô thập hựu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ.

          吾十有五而志于学; 三十而立; 四十而不惑; 五十而知天命; 六十而耳顺; 七十而从心所欲不逾矩.

          Ý nghĩa là:

          Ta lúc 15 tuổi, lập chí ở việc học, 30 tuổi đã có thể một thân tự lập, 40 tuổi đối với sự việc phát sinh không bao giờ cảm thấy mờ mịt khó hiểu, 50 tuổi hiểu được tính hợp lí tồn tại của sự vật trong khoảng trời đất, 60 tuổi có thể ứng theo trời mà hành động, đến 70 tuổi đã nhìn thấu nhiều sự việc trên thế gian, sóng có nổi dậy cũng không kinh sợ.

          Khổng Tử lấy cuộc đời của mình làm ví dụ, tổng kết tâm thái cần có ở những giai đoạn tuổi tác khác nhau của đời người.

          Theo “Lễ kí” 礼记, người ta gọi con trai vừa tròn 20 tuổi là “nhược quán” 弱冠, là nhân vì con trai thời xưa khi 20 tuổi cần cử hành “quán lễ” 冠礼, ý nghĩa là đã trưởng thành, đội mũ đặt tên tự, chỉ có điểu là thân thể hãy còn tương đối yếu, chưa được săn chắc vạm vỡ,  nhân đó mà gọi là “nhược quán” 弱冠.

          -30 tuổi gọi là “nhi lập chi niên” 而立之年, xuất từ “Luận ngữ”.

          -40 tuổi gọi là “bất hoặc chi niên” 不惑之年, xuất từ “Luận ngữ”.

          -50 tuổi gọi là “tri thiên mệnh”, xuất từ “Luận ngữ”. Cũng gọi là “tri phi chi niên” 知非之年, xuất từ “Hoài Nam Tử - Nguyên đạo huấn” 淮南子 - 原道训:

          Bá Ngọc niên ngũ thập, nhi hữu tứ thập cửu niên phi.

          伯玉年五十, 而有四十九年非.

          (Cừ Bá Ngọc 50 tuổi, mà đã hết 49 năm sai trái)

          Ý là ở nước Vệ vào thời Xuân Thu có Cừ Bá Ngọc 蘧伯玉, không ngừng phản tỉnh bản thân. Đến 50 tuổi biết được sai lầm ở 49 năm trước của mình. Nhân đó đời sau dùng “tri phi” 知非 (biết cái sai) để chỉ thay 50 tuổi.

          -60 tuổi gọi là “nhĩ thuận chi niên” 耳顺之年, xuất từ “Luận ngữ”. Cũng gọi là “hoa giáp chi niên” 花甲之年. Trong cách ghi năm dùng thiên can địa chi, thiên can địa chi tuần hoàn tương phối với nhau thành lục thập giáp tí, 60 năm quay trở lại, cho nên 60 tuổi gọi là “hoa giáp” 花甲.

          -70 tuổi gọi là “cổ hi” 古稀, xuất từ “Khúc giang nhị thủ” 曲江二首của Đỗ Phủ 杜甫:

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hi

酒債寻常行处有

人生七十古来稀

(Người mà nợ tiền rượu là thường, đi chỗ nào cũng có

Chứ người mà thọ đến 70 tuổi thì xưa nay hiếm có)

          -80 tuổi, 90 tuổi gọi là “mạo điệt chi niên” 耄耋之年, xuất từ “Lễ kí – Khúc lễ” 礼记 - 曲礼:

Bát thập cửu thập viết mạo

八十九十曰耄

(80 tuổi 90 tuổi gọi là mạo)

          -100 tuổi, gọi là “kì di” 期颐, xuất từ “Lễ kí – Khúc lễ”:

Bách niên viết kì di

百年曰期颐

(100 tuổi gọi là kì di)

          Ý là người được 100 tuổi cần phải có người chăm sóc, di dưỡng tuổi trời.

          Trừ những biệt xưng ở trên, người ta gọi những em bé chưa đủ tuổi thôi nôi là “cưỡng bảo” 襁褓, trẻ con phiếm xưng là “tổng giác” 总角, khi 10 tuổi gọi là “ấu học” 幼学, từ 15 tuổi đến khoảng 20 tuổi gọi là “vũ tượng” 舞象.

          Đối với con gái, khoảng 13 tuổi được gọi là “đậu khấu niên hoa” 豆蔻年华, 15 tuổi thành nhân là “cập kê chi niên” 及笄之年, 16 tuổi là “bích ngọc phá qua niên hoa” 碧玉破瓜年华, 20 tuổi là “đào lí niên hoa” 桃李年华, 24 tuổi là “hoa tín niên hoa” 花信年华.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 18/12/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post