Dịch thuật: Rượu với xã giao

 

RƯỢU VỚI XÃ GIAO

          Nói đến văn hoá sinh hoạt của người Trung Quốc, điều mà không thể coi thường, e rằng đó chính là uống rượu. Rượu đối với văn hoá Trung Quốc có sức thẩm thấu rất rộng.

          Rượu là thức uống cổ xưa của nhân loại, có người gọi nó là “thiên chi mĩ lộc” 天之美禄 (lộc tốt của trời), lúc đắc ý, uống; lúc ưu sầu, uống; lúc cô độc, uống; lúc vui mừng, uống; lúc li biệt, uống; lúc tương phùng, uống; có thể uống một mình, cũng có thể uống cùng mọi người.

          Có thể nói, trong cuộc sống của con người, nơi nào cũng có bóng dáng của rượu.

          Tính trọng yếu của rượu trong văn hoá Trung Quốc, đầu tiên là thể hiện ở lĩnh vực xã giao.

          Trường hợp xã giao trọng yếu nhất đó là trong bữa tiệc, không có rượu không thành tiệc, cho nên yến tiệc cũng được gọi là “tửu trác” 酒桌 hoặc “tửu trường” 酒场.

          Tiệm rượu của người Trung Quốc luôn ồn ào huyên náo, không giống như tiệm rượu của người phương tây yên tĩnh, đại đa số đó cũng là duyên cớ mà người Trung Quốc thích rượu. Chén qua chén lại, xa lạ cũng biến thành quen, câu thúc cũng trở nên hào sảng, mối quan hệ từ xa mà tiến lại gần, sự tình cũng được hoàn thành.

          Giữa bạn bè với nhau, cũng thường dùng rượu để gặp mặt, rượu là thứ có thể thấy được chân tình.

          Lí Bạch 李白đời Đường yêu thích rượu, lúc từ đất Thục vào Trường An 长安, chỉ là một anh thanh niên lần đầu xa rời nhà tranh, thế mà đương thời đã có Hạ tri Chương 贺知章rất nổi tiếng đến thăm, rất tán thưởng bài “Thục đạo nan” 蜀道难 của ông, gọi Lí Bạch là “trích tiên nhân” 谪仙人, lại còn tháo miếng “kim quy” 金龟đeo bên người đổi lấy rượu để cùng Lí Bạch uống cho thoả thích. Tình hữu nghị đó, khiến Lí Bạch cảm phục trong lòng. Hạ Tri Chương qua đời, Lí Bạch đã viết bài “Đối tửu ức Hạ Giám” 对酒忆贺监để kỉ niệm:

Trường An nhất tương kiến

Hô ngã trích tiên nhân

Tích háo bôi trung vật

Kim vi tùng hạ trần

Kim quy hoán tửu xứ

Khước ức lệ triêm cân

长安一相见

呼我谪仙人

昔好杯中物

今为松下尘

金龟換酒处

却忆泪沾巾

(Mới gặp nhau ở Trường An

Gọi ta là “trích tiên nhân”

Xưa yêu thích thứ ở trong chén

Nay đã là nắm đất dưới cội tùng

Nơi đem kim quy đổi lấy rượu

Nhớ đến mà tuôn rơi nước mắt ướt đẫm khăn)

          Lí Bạch yêu thích rượu, trong lúc giao du cũng rất coi trọng thứ này

Đản sử chủ nhân năng tuý khách

Bất tri hà xứ thị tha hương

(Khách trung tác)

但使主人能醉客

不知何处是他乡

(客中作)

(Chỉ cần chủ nhân cùng với khách uống say thoả thích

Thì chẳng cần biết nơi nào là tha hương)

          Văn nhân thời cổ, khi nghinh tiếp bạn bè, lấy rượu đãi nhau, khi đưa tiễn bạn bè, đặt rượu tiễn hành, thường dùng một chén rượu để biểu đạt tình cảm vui mừng hoặc buồn đau. Như Vương Duy 王维trong bài thơ nổi tiếng “Tống Nguyên Nhị sứ An Tây” 送元二使安西:

Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần

Khách xá thanh thanh liễu sắc tân

Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

Tây xuât Dương quan vô cố nhân.

渭城朝雨浥輕塵

客舍青青柳色新

勸君更盡一杯酒

西出陽關無故人

(Nơi Vị Thành, cơn mưa phùn buổi sớm thấm ướt bụi bay

Nơi quán khách, hàng liễu non tươi xanh biêng biếc

Mời anh hãy uống thêm chén rượu chia tay này nữa

Vì ra khỏi Dương Quan đi về phía tây sẽ không gặp cố nhân) 

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 06/10/2023

Nguồn

CỔ NHÂN ĐÍCH SINH HOẠT THẾ GIỚI

古人的生活世界

          Biên soạn: Vương Hoành Siêu 王宏超

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2022.

Previous Post Next Post