Dịch thuật: Vì sao nói là "Thi tam bách"

 

VÌ SAO NÓI LÀ “THI TAM BÁCH”

          Nói đến “Thi tam bách” 诗三百, có thể nhiều người nghĩ ngay đến một câu trong  “Luận ngữ” 论语:

Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: ‘Tư vô tà”.

诗三百, 一言以蔽之, : “思无邪

(Ba trăm thiên trong “Thi kinh”, một câu có thể khái quát được, đó chính là “tư tưởng, suy nghĩ không tà vạy bất chính”)

Câu này nói rõ Khổng Tử 孔子không chỉ là một nhà tư tưởng sâu sắc, mà còn là một nhà phê bình văn học. “Tư vô tà” 思无邪, chỉ có ba chữ nhưng đã nói ra được bản chất của thi ca, bất luận là thi ca cổ đại hay thi ca hiện đại, thực chất của nó đều chẳng qua là ba chữ đó.

          “Thi tam bách” 诗三百tức “Thi kinh” , được biên soạn vào thời Tiên Tần là bộ tổng tập thi ca đầu tiên của Trung Quốc. Tên gọi của nó vốn là “Thi” , về sau có khả năng nhân vì tổng cộng có 305 thiên, người đương thời dùng số trọn gọi là “Thi tam bách”. Thời Tây Hán, các nho sinh xuất phát từ sự tôn kính đối với Khổng Tử đã đem nó gọi là “Thi kinh” 诗經, nhân vì “kinh” ở thời cổ là cách gọi một cách đặc biệt đối với các sách được tôn sùng.

          Thơ trong “Thi kinh” về cơ bản là dùng ca từ phối hợp với nhạc. Nhân đó, bản thân “thi” diễn sinh từ “ca” , đây cũng là nguyên nhân “thi” cũng được gọi là “thi ca” 诗歌. Dựa theo tính chất âm nhạc, về đại thể “Thi kinh” được phân ra ba loại là phong, nhã, tụng. “Phong” là âm nhạc địa phương ở những vùng khác nhau, đa phần là dân ca, sản sinh trong dân gian; “Nhã” là nhạc ca cung đình dùng khi tổ chức tổ chức yến tiệc hoặc triều hội, đa phần do quý tộc văn nhân sáng tác; “Tụng” là nhạc ca hoặc sử thi dùng khi tế tự nơi tông miếu, nội dung đa phần là ca tụng công nghiệp của tổ tiên, toàn bộ do quý tộc văn nhân sáng tác.

          Niên đại sáng tác thi ca trong “Thi kinh” là từ những năm đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, khoảng chừng 500 năm, nội dung sinh hoạt xã hội mà nó phản ánh vô cùng phong phú, có liên quan đến kinh tế chính trị, chiến tranh dao dịch, điển lễ tế tự, nhân tình thế tục, cuộc sống sản xuất của hơn 2000 năm trước, có giá trị văn hiến vô cùng quan trọng.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 10/9/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post