Dịch thuật: Dạ vị ương

 

DẠ VỊ ƯƠNG 

          “Vị ương” 未央, từ này được thấy sớm nhất trong “Thi kinh – Tiểu nhã” 诗經 - 小雅:

Dạ như hà ki?

Dạ vị ương

夜如何其

夜未央

(Đêm như thế nào rồi?

Đêm vẫn chưa gần sáng)

          Tuy đơn giản chỉ có mấy chữ, nhưng nó lại có cả một câu chuyện.

          Đương thời. triều Chu dưới sự thống trị của Chu Lệ Vương 周厉王, thường niên chinh chiến, quốc khố trống rỗng, lại còn không cho người dân trong nước nghị luận triều chính, nếu phát hiện sẽ trực tiếp xử lí tại nơi đó. Thế là dưới sự đàn áp đó, người trong nước vây kín đô thành dự tính giết chết Chu Lệ Vương, cuối cùng Chu Lệ Vương men theo sông Vị đào thoát đến nước Trệ   (nay là Hoắc Châu 霍州Sơn Tây 山西), chẳng bao lâu bị bệnh và qua đời tại nơi đó.

          Sau khi Chu Lệ Vương mất, thái tử Tĩnh lên ngôi, đó là Chu Tuyên Vương 周宣王. Tuyên Vương nhìn thấy cả nước do vì chiến tranh mà dẫn đến sự suy bại, bèn ra sức sửa đổi, ông cho rộng đường dư luận, vỗ về bách tính, nhậm dụng hiền thần phò tá, đồng thời còn phát động chiến tranh với các bộ lạc chung quanh nhà Chu, về quân sự dường như toàn thắng, cuối cùng các lộ chư hầu quốc bắt đầu triều kiến thiên tử trở lại.

          Tuy Chu Tuyên Vương đã mở tấm màn trung hưng triều Chu, nhưng phía sau lại có nỗi lo lắng to lớn, phải thức khuya dậy sớm. Một lần nọ, Tuyên Vương quá mệt, chợp mắt trong chốc lát. Qua một lúc dở tỉnh dở ngủ, Tuyên Vương hỏi quan thái giám giữ việc canh đêm:

Dạ như hà ki?

夜如何其

Ý là hỏi quan thái giám “hiện đã là mấy giờ rồi?” Quan thái giám qua khe hở của bức vách đáp rằng:

Dạ vị ương

夜未央

Ý nói “đêm đã khuya, nhưng vẫn chưa gần sáng”.

          Thế thì “vị ương” 未央có ý nghĩa như thế nào đọc qua đã rõ. Nói một cách đơn giản, “vị” có nghĩa là chưa, “ương” có nghĩa là tận cùng. Cho nên “vị ương” lúc ban đầu giải thích là chưa đến tận cùng. Về sau, theo bánh xe lịch sử lăn về phía trước, “vị ương” cũng nhiều lần xuất hiện trong cổ tịch, ý nghĩa cũng tương đồng với “bất tận”. Ví dụ như trong “S t - Li tao” 楚辞 - 离骚có câu:

Cập niên tuế chi vị án hề

Thời diệc do kì vị ương

及年岁之未晏兮

时亦犹其未央

Ý nghĩa của hai câu này là, nhân lúc năm tháng vẫn chưa muộn, thời gian cũng vẫn chưa tận cùng. “Vị ương” ở đây mang ý nghĩa là “vô tận”.

          Đến đời Hán, từ “vị ương” lại được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là chữ “ương”, trong cổ tịch nó còn biểu thị một người phạm tội bị gông, phải ở vị trí chính giữa để bị canh giữ, cho nên dẫn đến ý nghĩa là “trung ương” 中央. Cũng chính vì nguyên nhân đó, vào năm thứ 7 đời Hán Cao Tổ 汉高祖 (năm 200 trước công nguyên), Lưu Bang 刘邦 mệnh lệnh Tiêu Hà 萧何trên nền cũ Chương Đài 章台 đời Tần xây một toà cung điện, lấy tên là “Vị Ương Cung” 未央宮, trở thành trung tâm chính trị và tượng trưng quốc gia của triều Hán, là chính cung đại triều của vương triều Đại Hán.

          Ngoài những ý nghĩa đó, “Vị Ương Cung” ở đây kì thực cũng lấy ý nghĩa từ câu “trường lạc vị ương” 长乐未央cũng chính là ý vui mãi không dứt, bách tính an cư lạc nghiệp không bao giờ tận cùng. Trước đó, đã có toà “Trường Lạc Cung” 长乐宮, nhân vì Trường Lạc Cung ở phía đông nên cũng gọi là Đông Cung 东宮.

          Trong “Hán thư – Lễ nhạc kí” 汉书 - 礼乐记 có chép:

Linh ân ân, lạn dương quang. Diên trường mệnh, vĩnh vị ương.

灵殷殷, 烂扬光, 延长命, 永未央

(Anh linh to lớn, xán lạn rực rỡ. Kéo dài mệnh số, mãi mãi không dứt)

Ý nói vận mệnh trường thọ , mãi mãi không dứt.

          Điều đáng để nhắc tới là, từ sau Hán Huệ Đế 汉惠帝, các đế vương triều Hán đều cư trú tại Vị Ương Cung, cho nên trong thi từ đời sau, Vị Ương Cung cũng trở thành đại danh từ chỉ Hán cung.

          Đương nhiên, “vị ương” cũng đại biểu cho nguyện vọng tốt đẹp của người xưa đối với quy luật khách quan, nhân vì người xưa đều biết “vật cực tất phản” 物极必反, một khi sự vật phát triển đến điểm cao nhất, thì tất đại biểu cho con đường đi xuống, cho nên người xưa khi làm bất cứ việc gì cũng đều hi vọng “vị ương”, chưa đi đến chỗ cuối cùng, như vậy cách việc đi xuống hãy còn xa, cách thời gian diệt vong hãy còn xa.

          Tóm lại, “vị ương” chính là mang ý nghĩa không có tận cùng, về sau dẫn đến sự giải thích là luôn khoái lạc, không bệnh tật, không tai hoạ.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 28/9/2024

Nguồn

https://www.sohu.com/a/756992728_121826233

Previous Post Next Post