Dịch thuật: Sự hình thành và phát triển mĩ đức truyền thống Trung Hoa

 

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

MĨ ĐỨC TRUYỀN THỐNG TRUNG HOA 

1-Khởi nguyên

          Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc nông nghiệp truyền thống, Viêm Đế 炎帝 được xem là người khởi sáng nền văn minh nông nghiệp Trung Quốc, Hoàng Đế 黄帝được xem là người đã tiến một bước khai sáng và thúc đẩy nền văn minh nông nghiệp Trung Quốc, trên cơ sở liên hợp, họ cùng sản sinh nền văn minh tảo kì của dân tộc Trung Hoa, hơn nữa cùng sản sinh nền văn minh nông canh thời Tây Chu. Người Tây Chu đã thực hiện sự chuyển biến từ xã hội thị tộc hướng đến xã hội tông pháp, kiến lập một quốc gia theo chế độ đẳng cấp lấy cá thể gia đình phụ hệ và mối quan hệ thân sơ về huyết thống tông pháp làm cơ sở. Để duy trì chế độ đẳng cấp tông pháp và sự cai trị yên ổn lâu dài của quốc gia, Chu Công 周公đã chế định lễ nhạc, sáng tạo ra văn hoá lễ nhạc. “Lễ” là từ lễ tế sản sinh, khởi nguồn ở “Lạp tế” 腊祭, những điều này đều có quan hệ với Viêm Đế.

2-Hệ thống mĩ đức thời Tiên Tần

          Từ Tây Chu đến thời Xuân Thu, chế độ thế tập phân phong của quý tộc dần giải thể, văn hoá Trung Quốc đã trải qua một quá trình chuyển biến từ tôn giáo đến chủ nghĩa nhân văn, trong quá trình này, khái niệm “đức” dần bắt đầu phổ biến hoá, dần biến thành đức tính và đức hạnh của một người. Rất nhiều luận thuật về “đức” được thấy rải rác trong “Thi kinh” 诗經, “Thượng thư” 尚书, như:

Dư hoài minh đức

予怀明德

(Thi kinh – Đại nhã – Hoàng hĩ 诗經 - 大雅- 皇矣)

Khắc minh tuấn đức

克明俊德

(Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典)

          Đương nhiên, “đức” trong những văn hiến này cùng với “đạo đức” 道德mà chúng ta ngày nay lí giải, ý nghĩa không giống nhau hoàn toàn. Đầu tiên, nó đa phần chỉ đạo đức cộng đồng của thị tộc hoặc tập đoàn thị tộc. Thứ đến, nó chỉ “hợp đạo đức tính” về phương diện chính trị, xã hội, càng chỉ nhiều về quý tộc hoặc đế vương mới có đức hạnh.

          Thời Xuân Thu, chính trị gia, tư tưởng gia nổi tiếng Quản Trọng 管仲đề xuất 4 yếu tố đạo đức “lễ , nghĩa , liêm , sỉ” . Quản Trọng vô cùng coi trọng 4 yếu tố này, xưng là “tứ duy trương tắc quân lệnh hành” 四维张則君令行(bốn giếng mối mở ra, thì mệnh lệnh của vị quân chủ được thi hành),  “tứ duy bất trương, quốc nãi diệt vong” 四维不张, 国乃灭亡 (bốn giềng mối không mở ra thì nước sẽ diệt vong). Ý nói, 4 yếu tố đạo đức này nếu có thể được hoằng dương, thì chính lệnh của vị quân chủ mới có thể thông suốt, ngược lại đất nước sẽ diệt vong, từ chỗ liên quan đến việc sinh tử tồn vong của đất nước đã cường điệu cao độ tính trọng yếu của 4 yếu tố đạo đức này.

          Thời đại của Khổng Tử 孔子, văn hoá lễ nhạc bắt đầu sơ cứng hoá, hình thức hoá, dần mất đi sức sống, Khổng Tử đề xuất chữ “nhân” , mong muốn cung cấp cho văn hóa lễ nhạc này sinh mệnh nội tại, trên cơ sở tình cảm, từ đó kích hoạt văn hoá lễ nhạc của thời Tam đại, tìm được đồng thời xác lập được “chủ đức” 主德  cho Nho gia sau này, cũng là phổ hệ đạo đức của văn hoá Trung Quốc. Khổng Tử đã kế thừa hệ thống đạo đức thời Xuân Thu, ông đem “nhân” và “nghĩa” làm “đức mục” 德目trọng yếu đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh đến:nhân”. “Nhân” mà Khổng tử nhấn mạnh lấy mối quan hệ thân tình của gia đình làm cơ sở, nhưng thông qua đạo “trung thứ” 忠恕 suy từ ta ra người, Khổng Tử đã đột phá sự hạn chế huyết thống của xã hội quý tộc, nó có tính phổ biến vượt qua huyết thống, địa vực, thậm chí sự hạn chế chủng tộc về sinh lí, đem “nhân” phát triển thành một đức tính phổ biến.

          Thời Chiến Quốc, tư tưởng gia Mạnh Tử 孟子trên cơ sở này đem 4 yếu tố “nhân, nghĩa, lễ, trí” này quy nạp lại trở thành yêu cầu cơ bản của đạo đức. Mạnh Tử đem “trắc ẩn chi tâm, tu ố chi tâm, cung kính chi tâm, thị phi chi tâm” 惻隐之心, 羞恶之心, 恭敬之心, 是非之心tổng kết, quy nạp làm “nhân, nghĩa, lễ, trí”, đồng thời, xem chúng là quy phạm đạo đức cơ bản, chuẩn tắc đạo đức và lí niệm đạo đức.

3-Hệ thống mĩ đức đời Hán

          Trên cơ sở 4 nguyên tắc đạo đức chủ yếu “nhân, nghĩa, lễ, trí” mà Mạnh Tử đề xuất, Đổng Trọng Thư 董仲舒đời Hán lại đề xuất thuyết “ngũ thường” 五常, tức “nhân nghĩa lễ trí tín ngũ thường chi đạo” 仁礼义智信五常之道. Đây là sự đề xuất “ngũ thường chi đạo” rõ ràng xác thực lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, tức 5 yếu tố đạo đức lớn. Người đời Hán cho rằng do khí ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) sinh thành, đều có “ngũ hành chi tính” 五行之性, đại biểu là “ngũ thường chi đức” 五常之德, tức bao hàm cả quan hệ gia đình, cũng bao hàm cả quan hệ xã hội, quan hệ chính trị (quan hệ quân thần), cho nên “ngũ thường chi đức” vừa bao hàm đạo đức gia đình, lại bao hàm đạo đức xã hội, còn bao hàm cả đạo đức chính trị. Quan phương đem “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” minh xác làm cương lĩnh đạo đức mà cả quốc gia cần đề xướng và tuân theo là từ sau hội nghị Bạch Hổ Quán 白虎观vào năm Kiến Sơ 建初thứ 4 nhà Hán (năm 79). Trong “Bạch Hổ thông nghĩa” 白虎通义 viết rằng:

Ngũ thường giả, hà vị? Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín dã.”

五常者, 何谓? , , , ,信也

(Như thế nào gọi là ngũ thường? đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.)

Không chỉ đem “ngũ thường” chính thức xác định, mà còn tiến hành minh xác nội dung giới định cụ thể, đây là những ghi chép sớm nhất liên quan đến “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” trong sách vở quan phương trong lịch sử. Ngoài ra, vào đời Hán trừ “ngũ thường” ra, còn phát triển cách thuyết “tam cương” 三纲, tức “quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương” 君为臣纲, 父为子纲, 夫为妻纲. “Tam cương ngũ thường” trở thành đạo đức thần thánh của xã hội phong kiến từ đười Hán về sau, có tác dụng nhất định đối với sự ổn định trật tự xã hội phong kiến, nhưng trong đó cường điệu nội dung đẳng cấp tôn ti lại hình thành sự áp chế đối với nhân tính.

Mĩ đức truyền thống Trung Hoa phát đoan từ đời Chu, đến hệ thống hoá “tam cương ngũ thường” đời Hán, có thể nói từ quan niệm tư tưởng đã cơ bản hoàn thành sự sáng tạo lí luận, đồng thời trường kì ảnh hưởng đến xã hội đời sau. Sau này, nôi dung hạt nhân của mĩ đức truyền thống Trung Hoa tức căn cứ vào nhu cầu thực tiễn đã có sự cường hoá, bổ sung và phát triển … (còn tiếp)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 08/4/2024

Nguồn

ĐẠI HỌC NGỮ VĂN

大学语文

Chủ biên: Do Á Bình 由亚萍, Trần Hoành 陈宏

Bắc kinh: Trung Quốc Nhân Dân đại học xuất bản xã, 2023.

Previous Post Next Post