Dịch thuật: Nguyệt - Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt

 

NGUYỆT – CẬN THUỶ LÂU ĐÀI TIÊN ĐẮC NGUYỆT 

Chữ “nguyệt” lí thú

          Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

Nguyệt, khuyết dã. Thái âm chi tinh

, 阙也. 太阴之精

(Nguyệt (mặt trăng) tròn khuyết theo chu kì, lúc tròn thì ít mà lúc khuyết thì nhiều, thuần do khí âm tổ thành)

Người xưa khi tạo chữ, phát hiện mặt trăng có lúc âm u có lúc sáng, có khi tròn có khi khuyết, khi trăng đầy thì tròn khi trăng khuyết thì cong, thế là dùng hình tượng nửa hình tròn đại biểu cho chữ “nguyệt” . Tự hình trong giáp cốt văn và chữ “nguyệt” hiện tại có hình tượng tương tự, chữ trong kim văn và triện văn về cơ bản đều kế thừa tự hình của giáp cốt văn. Thời kì lệ thư phát triển đã mất đi hình tượng nửa hình tròn, cơ bản tương đồng với chữ “nguyệt” ngày nay.

Câu chuyện Hán tự: Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt 近水楼台先得月

          Giải thích ý nghĩa:

          Thành ngữ “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt”  近水楼台先得月ý nói lâu đài ở gần nước có thể hưởng thụ được ánh sáng mặt trăng trước tiên, dùng để ví người có mối quan hệ tiếp cận với một số người hoặc sự vật nào đó, mà có được ích lợi nhiều hơn so với người khác.

Câu chuyện thành ngữ:

Phạm Trọng Yêm 范仲淹là chính trị gia và văn học gia vô cùng nổi tiếng thời Bắc Tống.

Phạm trọng Yêm lúc còn trẻ, gia cảnh vô cùng nghèo khó, nhưng ông lại rất thông minh, lại thêm khắc khổ học tập, cho nên kiến thức phong phú, bác lãm quần thư. Về sau, ông ra làm quan, sĩ đồ thuận buồm xuôi gió.

Là một viên quan cao cấp của triều đình, con người Phạm Trọng Yêm chính trực, đối đãi với người rất khiêm tốn hoà nhã, lấy câu:

Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc

先天下之忧而忧, 后天下之乐而乐

(Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ)

để tự răn mình.

          Theo truyền thuyết, Phạm Trọng Yêm rất giỏi tuyển chọn người tài. Ông từng giữ chức Tri phủ tại Hàng Châu 杭州, những viên quan văn võ đi theo ông, ông đều theo tài của họ mà dùng. Không ít người nhân do tiến cử mà được thăng chức.

          Thủ hạ của Phạm Trọng Yêm có quan Tuần kiểm tên Tô Lân 苏麟, do bởi trường kì công tác bên ngoài huyện Hàng Châu, cho nên Phạm Trọng Yêm không biết rõ về ông ấy, nên không có cơ hội được thăng chức. Ngày nọ nhân việc công, Tô Lân đi gặp Phạm Trọng Yêm, nói với Phạm Trọng Yêm rằng:

          -Đại nhân, tôi có bài thơ xin được đại nhân chỉ giáo.

          Phạm Trọng Yêm xem qua, thấy có 2 câu:

Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt

Hướng dương hoa mộc dị vi xuân

近水楼台先得月

向阳花木易为春

          Ý là lâu đài gần nước có thể hưởng thụ ánh sáng mặt trăng trước tiên. Hoa cỏ cây cối hướng về phía mặt trời dễ dàng có đầy sức sống mùa xuân.

          Phạm Trọng biết ý, cười lớn lên.

          Chẳng bao lâu, Tô Lân nhận được mệnh lệnh thăng chuyển.

Tri thức: Bế nguyệt tu hoa

          “Bế nguyệt tu hoa” 闭月羞花 có xuất xứ ở hồi thứ 4 trong “Tây sương kí” 西厢记 của Vương Thực Phủ 王实甫đời Nguyên:

          Tắc vi nễ bế nguyệt tu hoa tướng mạo; thiểu bất đắc tiễn thảo trừ căn đại tiểu.

          則你为闭月羞花相貌; 少不得剪草除根大小.

          (Nàng tướng mạo hoa nhường nguyệt thẹn; cũng không tránh khỏi việc trảm thảo trừ căn nhiều ít)

          “Bế nguyệt tu hoa” 闭月羞花 kì thực chỉ Điêu Thiền 貂蝉và Dương Quý Phi 杨贵妃 – hai người đẹp trong “tứ đại mĩ nữ” thời cổ Trung Quốc. “Bế nguyệt” 闭月chỉ tướng mạo xinh đẹp của Điêu Thiền khiến cho mặt trăng cảm thấy xấu hổ phải nấp vào trong mây; “tu hoa” 羞花chỉ dung nhan xinh đẹp của Dương Ngọc Hoàn 杨玉环 (Dương Quý Phi) khiến cho hoa phải e thẹn cúi đầu.

          “Bế nguyệt tu hoa” 闭月羞花hiện tại dùng để khen tặng thiếu nữ xinh đẹp.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 13/4/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

Previous Post Next Post