Dịch thuật: Đạo quán phân ra mấy loại

 

ĐẠO QUÁN PHÂN RA MẤY LOẠI

          Cung quán của Đạo giáo dựa theo hình thức tổ chức và thể chế quản lí khác nhau mà có thể phân ra làm hai loại là  “Tử Tôn Miếu” 子孙庙 và “Thập Phương Tùng Lâm” 十方丛林.

          “Tử Tôn Miếu” 子孙庙

Còn gọi là “Tiểu Miếu” 小庙, có những đặc điểm chủ yếu như sau:

          1-Miếu có tư hữu, sư đồ nối đời tương truyền, giữa sư đồ không chỉ có mối quan hệ truyền thừa pháp tự, mà còn có mối quan hệ kế thừa sản nghiệp.

          2-Sư phụ quản lí tài sản của miếu và sự vụ tôn giáo, có thể thu nhận đồ đệ và truyền dạy kinh tịch, nhưng không thể truyền giới.

          3-Không thể treo “chung bản” 钟板 (1) và tiếp nhận du phương đạo sĩ.

          Tóm lại, loại Tử tôn miếu này, người cư trú không nhiều, kết cấu đơn giản, sư phụ tức trụ trì, cũng xưng là “Đương gia” 当家, giống như một gia đình. Cung quán của phái Chính Nhất Đạo 正一道 đa phần áp dụng mô hình Tử Tôn Miếu.

          “Thập Phương Tùng Lâm” 十方丛林

Cũng gọi là “Thập Phương Thường Trụ” 十方常住, đặc điểm chủ yếu của loại này là:

          1-Tài sản của miếu là công hữu, đạo đồ du phương chỉ cần thông qua biện pháp khảo hạch đều có thể lưu lại cư trú. Đạo chúng thường trú đại đa số là trong số đạo đồ du phương chọn những người ưu tú ở lại.

          2-Chỉ có thể truyền giới mà không thể thu nhận đồ đệ, đối tượng thọ giới do “Tiểu Miếu” tiến cử.

          3-Do bởi quy mô tương đối lớn, đại chúng thường trú tương đối nhiều, cho nên cơ cấu tổ chức và thể chế quản lí tương đối nghiêm mật. Đạo trường hoạt động trọng yếu của Đạo giáo như Thiểm Tây Lâu Quán Đài 陕西楼观台, Bắc Kinh Bạch Vân Quán 北京白云观, Thẩm Dương Thái Thanh Cung 沈阳太清宮đều thuộc loại này. Đạo quán của phái Toàn Chân 全真 đa phần theo thể chế Thập Phương Tùng Lâm.

          Cung quán Đạo giáo ngoài hai loại nêu trên, còn có một loại gọi là “Tử Tôn Tùng Lâm” 子孙丛林, một nửa mang tính chất Tiểu Miếu một nửa mang tính chất Thập Phương Tùng Lâm, còn “Tử Tôn Thường Trụ” 子孙常住là trên cơ sở Tử Tôn Miếu phát triển mà ra. Loại này có thể tiếp đãi du phương đạo đồ, treo “chung bản”, đồng thời sắp xếp chức vụ trong miếu cho đạo đồ ở lại cư trú, cùng quản lí sự vụ của miếu. Cũng có thể truyền giới, nhưng sau khi truyền giới thì không thể thu nhận đồ đệ nữa. Như Thiên Sơn Vô Lượng Quán 千山无量观, Hà Nam Trung Nhạc Miếu 河南中岳庙đều thuộc loại này.

Chú của người dịch

1-Chung bản 钟板: “chung” là chuông, “bản” là tấm ván, tức treo một chiếc chuông, dưới chuông treo một tấm ván, có hình trạng khác nhau tuỳ theo tông phái. Có loại hình chữ nhật ngang, có loại hình chữ nhật đứng, có loại hình tam giác, có loại nửa hình tròn, có loại hình tròn.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 22/4/2024

Nguồn 

ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN

道教常识答问

Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰

                   Vương Chí Trung 王志忠

                   Đường Đại Triều 唐大潮

Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post