Dịch thuật: "Toạ hữu minh" có phải đặt bên phải chỗ ngồi

 

TOẠ HỮU MINH CÓ PHẢI ĐẶT BÊN PHẢI CHỖ NGỒI

          “Toạ hữu minh” 座右銘chỉ nguyên tắc cơ bản và phương pháp phải tuân thủ trong việc đối nhân xử thế. Nó có thể là một hai lời mang ý nghĩa đơn giản, cũng có thể là một câu thơ, cách ngôn hoặc ngạn ngữ. Tác dụng của “toạ hữu minh” là động viên và ước thúc bản thân. Từ này được thấy sớm nhất trong “Văn tuyển – Thôi Viện (Toạ hữu minh)” 文选 - 崔瑗 (座右銘) Lữ Diên Tế 呂延济đề chú rằng:

          Viện huynh Chương vi nhân sở sát, Viện toại thủ nhẫn kì cừu, vong mệnh, mông xá nhi xuất, tác thử minh dĩ tự giới, thường trí toạ hữu, cố viết toạ hữu minh dã.

          瑗兄璋为人所杀, 瑗遂手刃其仇, 亡命, 蒙赦而出, 作此銘以自戒, 尝置座右, 故曰座右銘也.

          (Anh của Thôi Viện là Thôi Chương bị người ta giết, Viện bèn giết người nọ để báo thù, sau đó đào thoát, đến khi triều đình đặc xá mới về lại quê nhà. Ông làm bài minh để tự răn mình, thường đặt ở bên phải chỗ ngồi, cho nên gọi là “toạ hữu minh”.)

          Về chữ “minh” có hai hàm nghĩa:

          1-Văn tự được chạm khắc trên bề mặt của vật như bia, kệ thuật lại sự việc để xưng tụng công đức. Như “kim minh” 金銘, “mộ chí minh” 墓志銘 ở thời cổ Trung Quốc.

          2-Văn tự dùng để tự răn mình, như “toạ hữu minh” 座右銘.

          Nhưng lúc ban đầu, “minh” lại là một loại dụng cụ dùng để đựng rượu.

          Tương truyền vào thời Xuân Thu, để kỉ niệm Tề Hoàn Công 齐桓公, người nước Tề đã xây một ngôi miếu, bên trong bày ra các loại khí cụ dùng để đựng rượu, gọi là “y khí欹器. Một lần nọ, Khổng Tử 孔子 và các môn sinh đến bái miếu, nói rằng:

          -Y khí trống rỗng sẽ bị nghiêng đổ, đổ rượu hoặc nước vào một nửa thì sẽ đứng thẳng; y khí mà đổ đầy vẫn sẽ bị nghiêng đổ. Cho nên trước đây Tề Hoàn Công luôn đem y khí đặt bên phải chỗ ngồi của mình, dùng để răn bản thân không được kiêu ngạo tự mãn.

          Từ những lời của Khổng Tử, chúng ta có thể thấy được “toạ hữu minh” lúc ban đầu là loại “vật minh” 物銘, liên quan đến y khí.

          “Toạ hữu minh” hiện tại thông thường chỉ những câu cách ngôn hoặc những câu khuyên răn mà chúng ta tin tưởng nhất, đa phần là danh ngôn của danh nhân. Mỗi người chúng ta đều cần phải có “toạ hữu minh” của riêng mình, để khuyên bản thân không ngừng tiến lên để có được những tiến bộ mới.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 13/3/2024

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post