Dịch thuật: Tị tịch

 

TỊ TỊCH

          “Tị tịch” 避席là hành vi biểu thị sự tôn kính ở thời cổ. Thời cổ không có ghế, người ta trải chiếu trên đất để ngồi, lúc cần rời chiếu đứng lên một bên, đó chính là “tị tịch”. Trong “Hiếu kinh” 孝經có chép câu chuyện Tăng Tử 曾子nghe Khổng Tử 孔子giảng giải, khi được thầy hỏi liền đứng lên, câu chuyện này rất được truyền tụng, trở thành giai thoại. Tị tịch lúc ban đầu chỉ là một hành vi cá biệt, về sau được nhiều người bắt chước theo, trở thành lễ tiết thông hành trong xã hội. Thời Nguỵ Tấn, ghế từ dân tộc thiểu số đưa vào Trung Quốc, người ta dần không quen ngồi trên chiếu nữa, “tị tịch chi lễ” 避席之礼cũng dần không bàn tới, nhưng không hẳn là đã mất. mà là đã chuyển hoá thành một phương thức “tị tịch” mới. Hiện nay, thông thường rời chỗ ngồi đứng lên để biểu thị ý kính trọng chính là cách chuyển hoá của tị tịch thời cổ.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 06/3/2024

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的3000个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Nam Xương: Giang Tây mĩ thuật xuất bản xã, 1018

Phụ lục của người dịch

          Trong Hiếu kinh 孝經, Đệ nhất chươngKhai tông minh nghĩa 第一章 - 開宗明義có đoạn:

          仲尼居, 曾子侍. 子曰:

          先王有至德要道, 以順天下. 民用和睦, 上下無怨. 女知之乎?”

          曾子避席曰:

          參不敏, 何足以知之.”....

          Trọng Ni cư, Tăng Tử thị. Tử viết:

“Tiên vương hữu chí đức yếu đạo, dĩ thuận thiên hạ. Dân dụng hoà mục, thượng hạ vô oán. Nhữ tri chi hồ?’

Tăng Tử tị tịch viết:

“Sâm bất mẫn, hà túc dĩ tri chi?”....

(Khổng Tử nhàn toạ trong nhà,  Tăng Sâm ngồi hầu một bên. Khổng Tử hỏi rằng:

“Tiên vương đời trước, đức hạnh chi cao vô thượng, đạo lí áo diệu tinh yếu, theo đó mà thuận thiên hạ nhân tâm. Khiến dân đối xử với nhau hoà mục, trên dưới đều không oán hận. Con có biết đạo lí đó không?”

Tăng Sâm liền rời chiếu đứng lên, cung kính đáp rằng:

“Sâm này không nhanh nhẹn, không sao có thể biết được.”....)

Huyền Mặc Đạo Nhơn và Đoàn Trung Còn đồng dịch rằng:

Mở ra cái gốc để giảng cho rõ nghĩa

Đức Khổng tử nhằm khi ở rảnh,

Thầy Tăng Sâm ở cạnh tiếp hầu.

Ngài rằng: “đức cả đạo mầu,

“Tiên vương dùng để làm đầu dạy dân.

“Gây nên thói hoà thân thiên hạ,

“Dưới trên đều cảm hoá bấy nay.

“Suy ra trăm nết đều hay,

Cái gì là trước, ngươi rày biết chăng?”

Nghe ngài hỏi, thầy Tăng đứng dậy,

Rằng: “Trò đần đã thấy được đâu?”

……..

(Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996)

Previous Post Next Post