Dịch thuật: "Đại hiệu" có học vấn

 

“ĐẠI HIỆU ” CÓ HỌC VẤN

          Người Bắc Kinh thường chú trọng tên gốc, gọi là “đại hiệu” 大号, cũng gọi là “đại danh” 大名. Tại sao phải dùng chữ “đại” ? chủ yếu là để phân biệt với “tiểu danh” 小名.

          Bạn xem mấy tác phẩm điện ảnh lấy đề tài lịch sử, sẽ phát hiện nhân vật trong đó đều có danh và tính. Những nhân vật đó ngoài “danh” ra còn có “tự” , có “hiệu” .

          Nhưng bạn chớ cho rằng người Trung Quốc cổ đại đều như thế, đều có danh và tự của mình.

          Ngày trước, dân lao động phổ thông đa phần đều mù chữ, bạn thử nghĩ xem, ngay cả họ của mình cũng viết không được, danh tự càng không biết, cho nên, đại đa số dân lao động không có đại danh, chỉ có tiểu danh.

          Có người ngay cả tiểu danh cũng không có. Họ Trương, ở nhà thuộc hàng thứ 6, nên gọi là Trương Lục. Họ Lí, ở nhà thuộc hàng thứ 7, nên gọi là Lí Thất.

          Nhớ trước đây, khi tôi viết tiểu thuyết về ngự thiện phòng triều Thanh, từng đến kho lưu trữ hồ sơ quốc gia để tra từ “thiện đan (đơn)” 膳单 của ngự thiện phòng cung đình. Gọi là “thiện đan” 膳单, chính là thực đơn mà hoàng đế dùng mỗi ngày.

          “Thiện đan” không chỉ viết trên món ăn, nguyên liệu, phối liệu, còn viết ở cách làm và thời gian. Điều chủ yếu nhất là phải viết tên của đầu bếp, cũng chính là món ăn đó do ai làm ra.

          Tôi xem qua mấy ngàn trang “thiện đan”, phát hiện các đầu bếp không phải Tô Lục 苏六, thì cũng là Đa Tam 多三, không phải là Văn Cửu 文九, thì cũng là Thư Ngũ 舒五, không có vị đầu bếp nào có đại danh như thế.

          Tôi hỏi qua chuyên gia nơi tàng trữ hồ sơ, họ cười nói rằng. mấy vị đầu đếp đó đa phần không có văn hoá, không biết chữ, mà có đại danh họ cũng không biết viết. Danh tự chỉ là một phù hiệu mà thôi.

          Tôi lại hỏi: Nếu gặp phải hai chữ “tô lục” thì sao?

          Họ bảo rằng, đó cũng là một cách. Ví dụ như gọi “Đại Tô Lục” 大苏六, “Tiểu Tô Lục” 小苏六, gặp phải ba bốn Tô Lục, cũng có cách khu biệt, ví dụ như Hải điến Tô Lục 海淀苏六, Sấu tử Tô Lục 瘦子苏六, Bàn tử Tô Lục 胖子苏六

          Kì thực, trước giải phóng, tình hình đó vô cùng phổ biến. Bạn nói những diễn viên “thuyết tướng thanh” 说相声, “xướng đại cổ” 唱大鼓, “thuyết bình thư” 说评书phải có văn hoá sao? Bạn nhầm rồi, những nghệ nhân đó đa phần cũng không có học. Bạn sẽ hỏi, thế sách mà họ nói khúc hát mà họ dùng đều không có chữ sao? Họ làm sao nhận biết?

          Trên thực tế, họ không cần biết chữ, nhân vì đương thời những nghệ nhân đó ghi nhớ, thầy khẩu truyền tâm thụ, hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình. Mãi đến khi nước Trung Hoa mới thành lập, họ được xoá mù mới bắt đầu biết chữ.

          Do bởi họ không biết chữ, trước khi chính thức bái sư, dường như không có đại hiệu mà chỉ có tiểu danh. Sau khi bái sư, thầy sẽ theo hàng bối phận mà đặt cho đồ đệ một cái tên, mới xem như đó là đại hiệu.

          Từ đó có thể thấy, danh tự của con người có liên quan trực tiếp đến văn hoá. Bản thân đại hiệu là học vấn, cũng đã chứng minh cho điểm này.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 29/01/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post