Dịch thuật: Thiên kim

 

THIÊN KIM

          Tương truyền, Chu U Vương 周幽王có được một người đẹp, tên là Bao Tự 褒姒. Vì muốn người đẹp cười, Chu U Vương vắt óc tìm phương kế mà chưa thể được như nguyện. Về sau, Quắc Thạch Phủ 虢石父dâng một kế - Nổi lửa ở Li sơn 骊山để giễu cợt chư hầu. Bao Tự nhìn thấy chư hầu các lộ thanh thế hùng hổ tấp nập kéo đến, sau đó lại tiu nghỉu rời đi, cảm thấy thích thú, bèn nhoẻn miệng cười. Chu U Vương nhìn thấy, vui mừng vô cùng. Nhân vì khó mà có được nụ cười của người đẹp, nên đã thưởng ngàn vàng cho Quắc Thạch Phủ. Thế là, “thiên kim” 千金có mối quan hệ với nụ cười của người đẹp.

          Từ xưa đến nay, con gái của những nhà giàu có thường được gọi là “thiên kim tiểu thư” 千金小姐. “Tiểu thư” 小姐 là từ tôn xưng có thể lí giải được, nhưng tại sao trước “tiểu thư” lại thêm hai chữ “thiên kim”?

          Thời cổ, “kim” là một loại hoá tệ. Thời Tần Hán, kim là chỉ “hoàng đồng” 黃铜, thiên kim được dùng chỉ thay cho tiền đúc bằng hoàng đồng. Thế là, người ta dùng “thiên kim” để chỉ ý nghĩa “quý trọng khó có được”.

          Lí Bạch 李白đời Đường có thơ rằng:

Ngũ hoa mã, thiên kim cừu

Hô nhi tương xuất hoán mĩ tửu

Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

五花马, 千金裘

呼儿将出換美酒

与尔同销万古愁

(Ngựa ngũ hoa, áo cừu ngàn vàng

Bảo con đem đổi lấy bình rượu ngon

Cùng với anh tiêu trừ nỗi sầu vạn cổ)

          “Thiên kim” trong câu thơ, ý nói tính hào phóng cởi mở, xem kim tiền như không có giá trị, cho dù những thứ đáng quý cũng không bằng một bình rượu đục.

          Từ “thiên kim” được dùng để xưng hô người, theo truyền thuyết là khởi nguồn từ Tạ Lặc 谢肋– Tư đồ nhà Lương thời Nam triều. Tương truyền, khi ông lên 10 tuổi đã có thể làm thơ văn, hành văn như lưu thuỷ. Ngày nọ, khi ông cùng với phụ thân Tạ Trang 谢庄lên núi dạo chơi, đã cất bút thành chương, lời văn không thể thêm bớt. Tể tướng Vương Cảnh Văn 王景文trông thấy khen ngợi không thôi, đặt cho xưng hiệu là “thần đồng”. Tạ Trang nghe qua rất đắc ý, thế là cảm khái nói rằng: “Cháu quả thật là thiên kim của nhà tôi đấy!”. Từ đó về sau, phàm là đàn ông con tai tài hoa hoành dật đều được xưng là “thiên kim”. Không những ý nói nhân tài khó có, mà còn có ý nghĩa hình dung ý con người quý giá.

          “Thiên kim” được dùng để chỉ tiểu thư có thân phận là bắt nguồn từ vở tạp kịch đời Nguyên “Tiết Nhơn Quý” 薛仁贵. Trong lời văn, đem con gái của nhà quan gọi là “thiên kim tiểu thư” 千金小姐. Sau này, trong nhiều kịch bản đời Minh Thanh, con gái nhà quan đều được gọi là “thiên kim tiểu thư”, “thiên kim” cũng trở thành đại danh từ nhà thiếu nữ.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 25/12/2023

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的 3000个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Previous Post Next Post