Dịch thuật: Sự hình thành Kinh kịch

 

SỰ HÌNH THÀNH KINH KỊCH

          Nói đến Kinh kịch 京剧, không thể không nhắc đến Huy hí 徽戏và Hán hí 汉戏. Nói một cách đơn giản, sự hình thành của Kinh kịch là trên cơ sở của Huy hí 徽戏sau khi tiến vào Bắc Kinh 北京, đã hấp thu sở trường của Hán hí 汉戏và một số hí khúc địa phương, sau đó kết hợp với nhu cầu thưởng thức của quần chúng Bắc Kinh đương thời, kinh qua sự cải cách sáng tạo của nhiều diễn viên hí khúc mà dần diễn biến hình thành.

Khởi nguyên của Kinh kịch 

          Nói đến thời gian trước của Kinh kịch, chúng ta cần nhắc đến một nhân vật mấu chốt, đó là hoàng đế Càn Long 乾隆.

          Mọi người đều biết, hoàng đế Càn Long xuống Giang Nam 江南6 lần. Theo truyền thuyết, đương thời Dương Châu 扬州 có một vị thương nhân tên Giang Hạc Đình 江鹤亭, để lấy lòng hoàng đến, ông ta được biết hoàng đế rất thích nghe “hí” , liền đánh vào sở thích của hoàng đế Càn Long. Mỗi lần Càn Long xuống Giang Nam đến Dương Châu, ông ta tổ chức ban hát biểu diễn để nghinh đón,

          Lúc bấy giờ, ban hát Huy hí lưu hành vùng An Huy 安徽, Giang Tô 江苏, cũng tức là “Huy ban” 徽班 rất được mọi người yêu thích. Sở dĩ gọi là “Huy ban” 徽班là do bởi những nghệ nhân này đa phần đều đến từ An Huy 安徽.

          Năm Càn Long 乾隆thứ 55 (năm 1790), hoàng đế Càn Long đại thọ 80 tuổi, Giang Hạc Đình cảm thấy đây là cơ hội tốt để chiếm lấy được lòng yêu thích của hoàng đế, liền đưa Huy ban nổi tiếng là “Tam Khánh” 三庆 đến Bắc Kinh để biểu diễn chúc thọ hoàng đế. Lần diễn xuất đó có quy mô rất lớn, lại thêm nghệ nhân của ban Tam Khánh có kĩ thuật cao siêu, nên rất nhanh chóng, “Tam Khánh ban” có được chút danh tiếng ở Bắc Kinh.

          Thế là, các Huy ban khác nghe phong thanh, cũng lục tục kéo đến Bắc Kinh biểu diễn chúc thọ hoàng đế. Trong đó, có 3 Huy ban khác cũng rất được quần chúng hoan nghinh. Ba ban đó lần lượt là “Tứ Hỉ” 四喜, “Xuân Đài” 春台, “Hoà Xuân” 和春, cộng thêm “Tam Khánh” 三庆đến Bắc Kinh sớm nhất, bốn ban này chính là “Tứ đại Huy ban tiến Kinh” 四大徽班进京được ghi chép sớm nhất trong lịch sử Kinh kịch, đó cũng là nhân tố mấu chốt của sự phát triển Huy hí trở thành Kinh kịch sau này.

Sự hình thành Kinh kịch 

          Sau khi Huy ban tiến Kinh biểu diễn chúc thọ kết thúc, họ chưa quay về Giang Nam, mà còn lưu lại Bắc Kinh tiếp tục tiến hành biểu diễn ở dân gian.

          Do bởi Huy ban hấp thu được sở trường của các loại hí khúc lưu hành trên sân khấu Bắc Kinh đương thời, như tự âm “Kinh xoang” 京腔, có hơi thở cuộc sống của “Tần xoang” 秦腔, tư thế động tác của Côn khúc 昆曲, âm nhạc phối hợp v.v… Nhân đó, Huy ban tại Bắc Kinh nhận được sự hoan nghinh của quảng đại quần chúng đồng thời dần phát triển lên.

          “Tứ đại Huy ban” 四大徽班lúc bấy giờ đã chiếm được địa vị chủ đạo trên sân khấu Bắc Kinh, trấn áp tất  cả các kịch chủng khác. Sở dĩ Huy ban có được sự yêu thích của quảng đại quần chúng Bắc Kinh, đồng thời nhanh chóng phát triển, là bởi nguyên nhân nhiều phương diện:

          - Đầu tiên, bản thân Huy ban có nét đặc sắc mà các kịch chủng hí khúc khác không thể sánh vai.

          - Tiếp đến, các nghệ nhân hấp thu rộng rãi sở trường của các hí khúc khác, mở ra con đường mới cho sự khai sáng và phát triển của Huy ban.

          Ngoài ra, sự yêu thích và ủng hộ của nhân viên phủ quan cũng là sự đảm bảo quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của Huy ban.

          Huy ban tiến vào Bắc Kinh, đã đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành Kinh kịch. Nhưng từ lúc Huy ban tiến vào Bắc Kinh cho đến khi dần từng bước diễn hoá thành Kinh kịch, còn có một quá trình lịch sử. Thời gian đó, Hán hí 汉戏và địa phương hí cũng có tác dụng rất quan trọng.

          Hán hí 汉戏, cũng gọi là “Hán điệu” 汉调, là một loại kịch chủng hí khúc địa phương lưu truyền vùng Hán thuỷ 汉水 Hồ Bắc 湖北. Trước khi Huy ban tiến vào Bắc Kinh, Huy ban và Hán hí đều đã có sự giao lưu qua lại nhiều lần, bất luận là về thanh xoang khúc điệu, kịch bản diễn xuất, hay về phương diện nghệ thuật biểu diễn đều có sự ảnh hưởng qua lại, Những chỗ tương cận về phương thức nghệ thuật và phong cách biểu diễn có rất nhiều. Nhân đó mà Huy ban sau khi đứng vững chân ở Bắc Kinh, diễn viên Hán hí tiến vào Bắc Kinh, nhìn chung đều không đơn độc diễn xướng mà là đầu quân đến Huy ban.

          Diễn viên Hán hí gia nhập Huy ban, khiến diễn xuất của Huy ban xuất hiện nhiều sự biến hoá mới. Họ tăng cường diễn viên và đội hình diễn xuất, làm phong phú thêm kịch mục mà Huy ban diễn xuất, đối với sự diễn xuất của Huy ban càng được như “gấm thêm hoa”.

          Sau đó, căn cứ vào nhu cầu của quảng đại quần chúng Bắc Kinh, các diễn viên từ trong thực tiễn nghệ thuật đã làm một loạt những biến cách, bất luận là thanh xoang, kịch mục, ngôn ngữ sân khấu, biểu diễn sân khấu, hay là đội hình diễn viên … đều xuất hiện những biến đổi rõ rệt. Những sự biến đổi này, mang ý nghĩa là sự diễn xuất của Huy ban đã hoàn thành một bước nhảy vọt từ lượng biến đến chất biến, diễn hoá ra một kịch chủng mới – Kinh kịch.

          Lúc bấy giờ, thời gian là cách Huy ban tiến vào Bắc Kinh khoảng bốn năm mươi năm. Huy ban lúc này đã quá độ đến “Kinh ban” 京班, mặc dù vào lúc ấy vẫn chưa có danh xưng “Kinh kịch” 京剧.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 02/11/2023

Nguồn

KINH KỊCH THƯỜNG THỨC THỦ SÁCH

京剧常识手册

Biên soạn: Triệu Vĩnh Kì 赵永岐, Triệu Nam 赵楠

Tây An: Thiểm Tây nhân dân giáo dục xuất bản xã, 2021

Previous Post Next Post