Dịch thuật: Râu trong Kinh kịch

 

RÂU TRONG KINH KỊCH 

          Với râu, người Trung Quốc thường nói là “hồ tử” 胡子, trên sân khấu Kinh kịch có một từ chuyên môn, gọi là “nhiêm khẩu” 髯口. Nhiêm khẩu không chỉ dùng để che khẩu hình của diễn viên khi đang hát mà còn có tác dụng mĩ hoá, và cũng có mối liên hệ mật thiết với tuổi tác và thân phận của nhân vật.

          Từ giác độ màu sắc mà nói, nhiêm khẩu chủ yếu có 3 loại: hắc , thảm , bạch . “Thảm” chính là màu tro. Cũng có một số người tính cách nóng nảy, hoặc giả thần quái của hình mạo kì dị, thường mang nhiêm khẩu màu đỏ hoặc màu tía. Nhìn từ hình thức, nhiêm khẩu có dài có ngắn, có rộng có hẹp.

          Nhiêm khẩu thường dùng có: mãn nhiêm 满髯, tam nhiêm 三髯, trát nhiêm 扎髯, tứ hỉ 四喜, sửu tam 丑三.

Mãn nhiêm 满髯

          “Mãn” có nghĩa là tràn khắp cả miệng, ý nghĩa là che hoàn toàn khẩu bộ. Bất kể là vai “sanh” hoặc vai “tịnh” , bất kể là nhân vật chính diện hoặc phản diện đều có thể mang mãn nhiêm, nhưng mãn nhiêm của vai “tịnh” dài hơn so với vai “sanh”. Tình hình này, võ tướng mang mãn nhiêm tương đối nhiều.

          Mãn nhiêm thường thấy có “hắc mãn” 黑满 và “bạch mãn” 白满.

          “Hắc mãn” 黑满chính là chỉ bộ râu che toàn bộ từ cằm lên đến hai bên mang tai, mãn nhiêm dài nhất là hơn 70cm. Mãn nhiêm thông thường sử dụng cho nam tính trung niên, ví dụ như Tào Tháo 曹操trong vở Quần anh hội 群英会, Bao Chửng 包拯 trong vở Sừ Mĩ án 锄美案, Khương Duy 姜维trong  vở Thiết lung sơn 铁笼山, họ đều mang “hắc mãn”.

          “Bạch mãn” nhìn chung sử dụng cho nam tính đã già, ví dụ như Hoàng Cái 黄盖 trong vở Quần anh hội 群英会, Từ Diên Chiêu 徐延昭trong vở Nhị tiến cung 二进宫, Diêu Kì 姚期trong vở Thảo kiều quan 草桥关, họ đều mang bạch nhiêm.

          Trong Kinh kịch còn có nhiêm khẩu chuyên dụng cho một loại nhân vật, ví dụ như Lưu Đường 刘唐trong vở Lưu Đường há thư 刘唐下书, mang “hắc mãn nhiêm”, hai bên gắn thêm “hồng nhĩ mao” 红耳毛, đây là “Lưu Đường nhiêm” 刘唐髯 chuyên dụng cho vai Xích phát quỷ Lưu Đường 赤发鬼刘唐.

Tam nhiêm 三髯

          “Tam” đại biểu cho ba chòm, râu ở phía dưới cằm và ở hai bên phía dưới tai, gọi là “tam nhiêm” 三髯. Nhìn chung, vai “lão sanh” 老生 và “võ sanh” 武生 đa phần mang tam nhiêm, và phần nhiều là nhân vật chính diện.

          Nhìn từ màu sắc, nhân vật trung niên đa phần mang tam nhiêm hắc sắc, gọi là “hắc tam” 黑三, ví dụ như Lỗ Túc 鲁肃trong vở Quần anh hội 群英会, Dương Diên Chiêu 杨延昭trong vở Viên môn trảm tử 辕门斩子, đều mang “hắc tam”.

          Nhân vật lão niên mang tam nhiêm bạch sắc, gọi là “tam bạch” 三白, ví dụ như Hoàng Trung 黄忠trong vở Định quân sơn 定军山, Dương Ba 杨波trong vở Nhị tiến cung 二进宫.

          Nhân vật khoảng giữa lão niên và trung niên mang tam nhiêm hôi sắc, gọi là “thảm tam” 黪三, ví dụ như Chư Cát Lượng 诸葛亮trong vở Thất không trảm 失空斩, Lưu Bị 刘备 ở hồi “Quá giang” 过江trong vở Cam lộ tự 甘露寺, đều mang “thảm tam”….. (còn tiếp)

 

Hắc tam nhiêm  Bạch tam nhiêm  Thảm tam nhiêm

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 19/11/2023

Nguồn

KINH KỊCH THƯỜNG THỨC THỦ SÁCH

京剧常识手册

Biên soạn: Triệu Vĩnh Kì 赵永岐, Triệu Nam 赵楠

Tây An: Thiểm Tây nhân dân giáo dục xuất bản xã, 2021

 

Previous Post Next Post