Dịch thuật: "Tôn" trong "lệnh tôn" chỉ ai

 

“TÔN” TRONG “LỆNH TÔN” CHỈ AI

          Từ xưng hô “lệnh tôn” 令尊không hề lỗi thời, hiện tại vẫn còn dùng, ví dụ như hai người bạn khi gặp nhau hàn huyên, một người hỏi rằng:

Lệnh tôn đại nhân cận lai khả hảo?

令尊大人近来可好?

(Lệnh tôn đại nhân dạo này khoẻ không?)

          Hoặc giả hai người lúc chía tay, một người nói:

Hồi gia đại ngã hướng lệnh tôn vấn hảo

回家代我向令尊问好

(Về nhà thay tôi hỏi thăm lệnh tôn)

          Tuy từ xưng hô “lệnh tôn” mọi người thường thấy, nhưng có một số người không rõ “lệnh tôn” chỉ ai. Có người cho rằng chỉ mẫu thân của đối phương, có người cho rằng chỉ vợ hoặc cha mẹ vợ của đối phương, cũng có người cho rằng chỉ lãnh đạo của đơn vị v.v… không ai giống ai.

          Muốn hiểu rõ từ xưng hô “lệnh tôn” 令尊này, đầu tiên bạn phải rõ chữ “lệnh” là như thế nào?

          Chữ “lệnh” chủ yếu có 7 ý:

1- Mệnh lệnh

2- Khiến cho, như “lệnh nhân kích động” 令人激动 (khiến người ta bị kích động).

3- Mĩ hảo, tốt đẹp, như “lệnh danh” 令名 (tên đẹp)

4- Kính từ, như “lệnh tôn” 令尊

5- Thời lệnh, như “đông lệnh” 冬令

6- Tên chức quan thời cổ, như “Huyện lệnh” 县令.

7- Địa danh cổ.

          Biết được ý nghĩa của chữ “lệnh”, thì từ xưng hô “lệnh tôn” không khó để lí giải. “Lệnh” trong “lệnh tôn” , trên thực tế mang hai ý nghĩa: mĩ hảo và kính từ.

         “Tôn” trong “lệnh tôn” 令尊, mang hai tầng ý nghĩa là tôn kính và tôn quý. Vào thời cổ, người được tôn kính và tôn quý trong một gia đình, đương nhiên là gia chủ. Còn ai là gia chủ thì có cần phải nói không? Phụ thân đấy! Cho nên người mà “lệnh tôn” chỉ chính là phụ thân của đối phương.

          “Lệnh tôn” là từ xưng hô mang tính lễ phép, xưng phụ thân của mình thì tương đối tuỳ ý một chút, không dùng khách sáo như thế.

          Xưng phụ thân của đối phương là “lệnh tôn” , bắt đầu từ thời Đường Tống. Trần Thúc Phương 陈叔方 đời Tống trong Dĩnh Xuyên ngữ tiểu 颍川语小có nói:

          Thế tục xưng vị, đa thất kì nghĩa, duy dĩ lệnh tôn hô phụ, dĩ nội xưng thê, thượng khả thông.

          世俗称谓多失其义惟以令尊呼父以内称妻尚可通

          (Cách xưng hô của thế tục, đa phần đã mất đi ý nghĩa, duy chỉ dùng “lệnh tôn” để gọi phụ thân, dùng “nội” để gọi vợ, hãy còn thông)

          Xem ra đời Tống gọi phụ thân của đối phương là “lệnh tôn” là hiện tượng tương đối phổ biến. Điều mà gọi là “thế tục xưng vị” này lưu truyền cho đến hiện tại.

          Từ ý nghĩa của chữ “lệnh” mà ở trên nói đến có thể biết, “lệnh” là kính từ, đương nhiên kính từ đều là dùng cho đối phương, bản thân về phía mình không dùng, cho nên bạn nhớ cách xưng hô có mang theo chữ “lệnh” , nhìn chung đều là dùng cho đối phương.

         Ngoài cách xưng phụ thân của đối phương là “lệnh tôn” 令尊, hãy còn có “lệnh ông” 令翁, “lệnh xuân” 令椿, ý nghĩa cơ bản tương đồng.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 08/9/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post