Dịch thuật: Tây bắc phong yên (Tư Mã Thiên)

 

8- CHIẾN TRANH PHONG VÂN

TÂY BẮC PHONG YÊN 

          Triều Hán từ khi kiến lập đến nay, biên cương tây bắc luôn không ổn định, dân tộc du mục Hung nô thường tiến xuống phía nam quấy nhiễu. Họ cưỡi ngựa, từ thảo nguyên mênh mông phía bắc tràn xuống, hành động một cách nhanh chóng, tới lui như mây bay, làm cho kẻ thống trị của triều Hán đau đầu.

          Thời kì Văn Đế 文帝và Cảnh Đế 景帝, để phát triển sản xuất, quốc lực lớn mạnh, cần phải có một hoàn cảnh xã hội ổn định, nhân đó đối với dân tộc thiểu số phía bắc, triều đình đã dùng chính sách nhẫn và nhượng. Thời Vũ Đế 武帝, sức sản xuất xã hội đã khôi phục, có vị hoàng để trẻ tuổi hùng tài đại lược, há có thể nhẫn nhịn sự xâm lấn vùng biên quan tây bắc.

          Những người Hung nô cưỡi ngựa kia, khí thế cuồn cuộn tràn đến, cướp đoạt tài phú và nhân khẩu, rồi giương oai diệu võ mà đi. Hán Vũ Đế cảm thấy đó là sự sỉ nhục lớn nên quyết tâm xoay chuyển cục diện.

          Lúc Tư Mã Thiên 司马迁hãy còn du lịch vùng Giang Nam 江南, tức năm 125 trước công nguyên, kị binh Hung nô một lần nữa tập kích Đại quận 代郡, Định Tương 定襄, Thượng quận 上郡, giết chết cả mấy ngàn dân chúng nơi đó, cướp đoạt tài sản. Hán Vũ Đế vô cùng tức giận. Trải qua sự chuẩn bị, năm sau phái Vệ Thanh 卫青thống lĩnh 10 vạn đại quân tiến lên Cao Khuyết 高阙phía bắc, đánh Hung nô. Quân Hán có sự chuẩn bị, Hung nô kháng cự không nỗi, bị thua tháo chạy, tướng sĩ của Vệ Thanh ra sức truy kích, giết chết và bắt sống 15000 người Hung nô.

          Trận đánh này, Hán Vũ Đế cảm thấy vô cùng hài lòng, lòng tin tăng thêm. Qua một năm, ông một lần nữa mệnh lệnh cho Vệ Thanh thống lĩnh 10 vạn tướng sĩ tổ thành một đội quân hùng hậu, từ Định Tương 定襄tiến lên phía bắc đánh Hung nô. Đại quân truy đuổi một mạch đến đại mạc hoang vắng, đánh bại Hung nô. Trong trận chiến này, có hai vị tướng có biểu hiện khiến mọi người thất vọng, một người là Tướng quân Triệu Tín 赵信, bị Hung nô đánh bại đã đầu hàng Hung nô. Người kia là Tướng quân Tô Kiến 苏建, quân đội của ông bị Hung nô đánh tan, chỉ mình ông thoát thân trở về. Vũ Đế vô cùng tức giận, đã biếm xuống làm bách tính thường dân.

          Tổng kết kinh nghiệm hai lần đánh quân Hung nô, Vũ Đế cảm thấy cổ vũ sĩ khí là việc rất quan trọng. Nhân đó, ông đã áp dụng một biện pháp có sức mạnh: quân nhân xuất thân bình dân nếu dũng mãnh giết địch trên chiến trường, sẽ theo công trạng mà được phong tước. Đây có thể là biện pháp cải cách có ảnh hưởng xã hội trọng đại, có người cảm thấy cao hứng, có người lại biểu thị sự bất mãn.

          Những người bất mãn đều là những nhân vật xã hội thượng lưu có tước vị. Xã hội đương thời, chế độ đẳng cấp rất nghiêm nhặt, tước vị là nối đời thế tập. Họ cảm thấy những quân nhân thô lỗ lập chiến công cũng được thăng quan tước, ngang bằng với mình, quả là sự sỉ nhục. Họ dám giận nhưng không dám nói, nhân vì Vũ Đế là một nhân vật cường quyền cứng rắn, đối với sự cải cách của Vũ Đế, nói tới nói lui sẽ chuốc lấy phiền phức.

          Một phương diện khác, tướng sĩ trong quân đội đối với biện pháp của Vũ Đế lại rất hoan nghinh. Họ cảm thấy dựa vào chiến công có thể được phong tước, nên đánh trận càng hăng, vì thế sĩ khí tăng lên. Vũ Đế dùng cách này, đã đạt được mục đích lung lạc tướng sĩ, cổ vũ sĩ khí.

          Người Hung nô phía tây bắc không cam tâm với sự thất bại của hai lần trước, vẫn giong ngựa vung đao vùng biên cảnh tây bắc, như có ý thách thức Triều Hán và Hung nô càng quyết chiến đại quy mô.

          Lúc bấy giờ Vũ Đế đem toàn bộ sức chú ý tập trung đối phó Hung nô phía bắc. hàng ngày đều nghĩ cách làm thế nào tăng thu nhập của quốc gia, dùng để chế tạo binh khí khôi giáp, huấn luyện quân đội hùng mạnh. ….. (còn tiếp)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 23/9/2023

Nguồn

TƯ MÃ THIÊN

司马迁

 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子

Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post