Dịch thuật: Đường tăng đi Tây thiên thỉnh kinh, "Tây thiên" rốt cuộc ở đâu

ĐƯỜNG TĂNG ĐI TÂY THIÊN THỈNH KINH

“TÂY THIÊN” RỐT CUỘC Ở ĐÂU

          “Tây du kí” 西游记 – quyển tiểu thuyết đề tài thần ma của Ngô Thừa Ân 吴承恩, thuật lại câu chuyện về cao tăng Đại Đường là ngài Huyền Trang 玄奘 dưới sự giúp đỡ của ba đồ đệ, trải qua 81 nạn, cuối cùng thỉnh được chân kinh tại Lôi Âm tự 雷音寺 ở Tây thiên 西天. Theo sự miêu tả của tiểu thuyết, nơi mà Đường tăng thỉnh được chân kinh là vùng Nam Á, Trung Á, nói một cách chính xác hơn là Ấn Độ 印度, nơi phát nguyên của Phật giáo. Thế thì, “Tây thiên” 西天 quả thực có phải là chỉ Ấn Độ hiện nay không?

          Trong A Di Đà Kinh 阿弥陀经 có nói:

          Tùng thị Tây phương, qua 10 vạn ức Phật thổ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc.

          从是西方, 10 万亿佛土, 有世界名曰极乐.

          (Từ Tây phương này, trải qua 10 vạn ức Phật thổ, có một thế giới tên gọi là Cực Lạc)

          Giáo nghĩa Phật giáo cho rằng: Sinh lão bệnh tử của con người đều là khổ nạn, những khổ nạn này bắt nguồn từ dục vọng của nhân loại. Nếu muốn tìm sự giải thoát, thoát được khổ nạn, phải thông qua tu hành, đạt đến cảnh giới vô dục vô cầu. Mà “Tây phương” 西方 chính là nơi mà “A Di Đà Phật” 阿弥陀佛 đắc đạo thành Phật. Tương truyền nơi đây là thế giới cực lạc không có đau khổ, chỉ có hỉ lạc, thanh tịnh, bình đẳng, còn gọi là “Tây phương tịnh thổ (độ)” 西方净土. Do đó, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng: “Tây phương” hoàn toàn không phải là thực chỉ, mà là một cảnh địa lí tưởng thanh tịnh, an lạc mà Phật gia sở cầu.

          Nhìn từ một giác độ khác, trong lịch sử quả thực có sự kiện ngài Huyền Trang 玄奘thỉnh kinh. Bởi sự hỗn loạn kinh Phật ở Trung Quốc, cao tăng Huyền Trang triều Đường đã quyết định đi đến Tây thiên thỉnh chân kinh, đi qua hơn 120 quốc gia, cuối cùng đến Ấn Độ. Tại chùa Na Lan Đà 那烂陀ở Thánh địa Phật giáo, ngài Huyền Trang chuyên tâm học Phật tu đạo, từng đại phá các luận giải ngoại đạo trong những cuộc biện luận. Thỉnh kinh trở về, ngài Huyền Trang một mặt dịch kinh Phật, mặt khác phụng chỉ viết ra những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi thỉnh kinh. Năm 645, 12 quyển Đại Đường Tây Vực Kí 大唐西域记 được hoàn thành, dâng lên hoàng đế Thái Tông 太宗. Việc này chấn động đương thời, có tiếng vang mạnh mẽ. Tây du kí 西游记 đã lấy quá trình ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh làm nguyên mẫu. Theo tuyến đường Đường tăng đã đi qua trong tiểu thuyết mà suy đoán, “Tây thiên” 西天 là chỉ nước Thiên Trúc 天竺  - Ấn Độ 印度ở vào thời Đường là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

Phụ lục

Lôi Âm tự 雷音寺

          Căn cứ vào sự suy đoán, Lôi Âm tự 雷音寺 mà trong Tây du kí 西游记nói đến là chỉ Na Lan Đà tự 那烂陀寺 mà ngài Huyền Trang 玄奘 vào năm đó tại nơi đó học Phật. Theo sử liệu ghi chép, ngôi tự viện này toạ lạc tại ngoại thành Vương Xá 王舍 của cổ Ấn Độ 印度, đây là ngôi tự viện lớn nhất, tráng quan nhất của Ấn Độ đương thời. Trong viện thu tang rất nhiều thư tịch, chủng loại đầy đủ. Tăng nhân thường niên cư trú có đến hơn 4000 vị, người đến cầu Phật học kinh không dứt. Ngài Huyền Trang trải qua 5 năm nghiên cứu Phật pháp ở đây. Phương trượng chủ trì gần 100 tuổi còn phá lệ liên tiếp giảng Phật pháp 15 tháng cho ngài Huyền Trang.

          Về sau, ngôi tự viện này trở thành bình địa trong chiến tranh. Người ta đã căn cứ voà những ghi chép trong Đại Đường Tây Vực kí 大唐西域记, đã khai quật Thánh địa Phật giáo này. Đến nay, một số văn vật có liên quan đến Na Lan Đà tự được  trưng bày trong Viện bảo tàng phụ cận thành Vương Xá.

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 19/7/2023

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

                                          Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013 

Previous Post Next Post