Dịch thuật: Đem thân đối với cương thường (1037) (Nhị độ mai)

 

ĐEM THÂN ĐỐI VỚI CƯƠNG THƯỜNG (1037)

          Cương thường: Cũng nói là “cang thường”, tức “tam cương ngũ thường”

Tam cương 三纲: tức điều mà gọi là:

Quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương.

君为臣纲, 父为子纲, 夫为妻纲

          Nghĩa gốc của “cương” là giường mối của lưới để nhấc cái lưới lên, ví với bộ phận then chốt chiếm giữ địa vị chi phối và khống chế trong sự vật;

          Đề pháp của “tam cương” hoàn toàn không phải xuất từ Nho gia, mà là bắt đầu từ Hàn Phi 韩非:

          Thần sự quân, tử sự phụ, thê sự phu, tam giả thuận tắc thiên hạ trị, tam giả nghịch tắc thiên hạ loạn, thử thiên hạ chi thường đạo dã.

          臣事君, 子事父, 妻事夫, 三者顺则天下治, 三者逆则天下乱, 此天下之常道也.

          (Bề tôi thờ vua, con thờ cha, vợ thờ chồng, ba điều đó mà thuận thì thiên hạ được trị, ba điều đó mà nghịch thì thiên hạ loạn, đó là đạo thường trong thiên hạ)

          Cách nhìn của Khổng Tử đối với孔子 mối quan hệ vua tôi là:

Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung.

君使臣以礼, 臣事君以忠

(Quốc quân dùng lễ nghi để sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung mà thờ phụng quốc quân)

Còn Mạnh Tử 孟子thì cho rằng:

Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm; quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân; quân chi thị thần như thảo giới, tắc thần thị quân như khấu thù.

君之视臣如手足, 则臣视君如腹心; 君之视臣如犬马, 则臣视君如国人; 君之视臣如草芥, 则臣视君如寇雠.

(Quốc quân xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem quốc quân tâm phú, quốc quân xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem quốc quân như người qua đường; quốc quân xem bề tôi như cỏ rác, thì bề tôi xem quốc quân như khấu thù)

Có thể thấy, mối quan hệ quân thần mà Khổng Tử, Mạnh Tử nói đến là mối quan hệ bình đắng, song hướng, tương hỗ. Còn mối quan hệ quân thần cùng quan hệ cha con, vợ chồng mà Hàn Phi nói đến là mối quan hệ phục tùng, một phía có quyền khống chế phia còn lại. Hàn Phi hoàn toàn đối lập quân thần, đề xướng tính trọng yếu của quyền thuật và pháp chế, còn Nho gia thì cường điệu tình thân và nhân nghĩa, là căn bản để duy trì mối quan hệ xã hội.

Người chính thức đề xương “tam cương” là Đổng Trọng Thư 董仲舒thời Tây Hán. Trong Xuân Thu Phồn Lộ 春秋繁露ông nói rằng:

Quân thần, phụ tử, phu phụ chi nghĩa, giai thủ tự âm dương chi đạo: quân vi dương, thần vi âm; phụ vi dương, tử vi âm; phu vi dương, thê vi âm.

君臣, 父子, 夫妇之义, 皆取自阴阳之道: 君为阳, 臣为阴; 父为阳, 子为阴; 夫为阳, 妻为阴.

(Nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng đều xuất từ đạo âm dương: vua là dương, bề tôi là âm; cha là dương, con là âm, chồng là dương, vợ là âm)

Lại nói:

Âm giả, dương chi hợp, thê giả phu chi hợp; tử giả phụ chi hợp, thần giả quân chi hợp.

阴者, 阳之合, 妻者夫之合, 子者父之合, 臣者君之合.

(Âm là sự phối hợp với dương, vợ là sự phối hợp với chồng; con là sự phối hợp với cha; bề tôi là sự phối hợp với vua)

“Hợp” ý nghĩa là phối hợp, cũng chính là phía bị chi phối. Đó cũng chính là tư tưởng “vương đạo tam cương” thống trị xã hội Trung Quốc hơn hai ngàn năm sau này.

“Tam cương” tuy giương cao cờ hiệu Nho gia, nhưng cách rất xa cái học Khổng Mạnh, các nhà tư tưởng của xã hội chuyên chế quân chủ sau này vì để đón ý làm vừa lòng cho sự cần thiết chính trị mà đã chế dịnh quy phạm luân lí. Chu Hi 朱熹từng nói từ sau Mạnh Tử thì Khổng học chân chính đã thất truyền, điều đó cho thấy học thuyết Nho gia chiếm cứ địa vị chủ đạo tư tưởng trong xã hội Trung Quốc sau này so với những ngôn luận tư tưởng thời Khổng Mạnh lúc khai sáng Nho học đã phát sinh sự biến dị rất lớn.

Ngũ thường 五常: chỉ nhân , nghĩa , lễ , trí , tín , 5 tín niệm tinh thần cùng với quy phạm hành vi, là hạt nhân của tư tưởng luân lí Nho gia.

          Định xưng “ngũ thường” 五常, xuất phát từ trong Thiên nhân tam sách 天人三策 của Đổng Trọng Thư 董仲舒:

          Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ngũ thường chi đạo, vương giả sở đương tu sức dã.

          , , , , 信五常之道, 王者所当修饬也 .

          (Đạo ngũ thường nhân, lễ, nghĩa, trí, tin là diều mà bậc vương giả cần tu sức cho bản thân)

          Sở dĩ gọi nhân, lễ, nghĩa, trí tín là “ngũ thường chi đạo” 五常之道là do bởi sự biểu đạt của “thường” là vĩnh hằng bất biến. Về sau, “ngũ thường” 五常đi cùng với “tam cương” 三纲 trở thành chuẩn tắc luân lí tối cao trong xã hội truyền thống Trung Quốc, nhưng trên thực tế quan niệm “ngũ thường” so với “tam cương” sớm hơn rất nhiều, trước Khổng Tử đã là quy phạm đức hạnh mà được nhận đồng rộng rãi trong xã hội, Khổng Tử kế thừa truyền thống ưu tú của văn hoá Hoa Hạ 华夏, đã đem nó phát dương quang đại, Có thể nói, “ngũ thường” được xem là một lí niệm tư tưởng, so với “tam cương” càng có phạm vi thích ứng rộng lớn hơn. Hiện nay tuy không nhắc tới “ngũ thường”, nhưng những tín niệm cơ bản này ở mức độ tương đương vẫn ảnh hưởng đến tư tưởng và hành vi của người Trung Quốc.

(Tinh Hán 星汉: “Bất khả bất tri đích 3000 cá văn hoá thường thức” 不可不知的 3000个文化常识.)

Đem thân đối với cương thường

Tạ lòng người cũ treo gương dưới đời

(Nhị độ mai 1037 - 1038)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 24/7/2023

Previous Post Next Post