Dịch thuật: Sân Đào mấy lớp đông li bỏ rèm (636) (Nhị độ mai)

 

SÂN ĐÀO MẤY LỚP ĐÔNG LI BỎ RÈM (636) 

          Câu này lấy điển Đào Tiềm đời Tấn.

          Sân Đào: Sân của ông Đào. “Đào” tức Đào Uyên Minh 陶渊明(khoảng 365 – 427), tự Nguyên Lượng 元亮, hiệu Ngũ Liễu tiên sinh 五柳先生, sau khi về với nhà Lưu Tống (thuộc Nam triều – ND) mới đổi tên là Tiềm . Ông là thi nhân, văn học gia, từ phú gia, tản văn gia cuối thời Đông Tấn, đầu nhà Tống của Nam triều, người Sài Tang 柴桑Tầm Dương 浔阳 (nay là thành phố Cửu Giang - 九江 tỉnh Giang Tây - 江西).

          Đào Tiềm lúc trẻ có chí lớn, năm Thái Nguyên 太元 thứ 18 đời Hiếu Vũ Đế (393), ông ôm ấp nguyện vọng “đại tế thương sinh” (大济苍生 – cứu giúp nhân dân), nhậm chức Giang Châu tế tửu. Lúc bấy giờ chế độ quân phiệt nghiêm nhặt, ông xuất thân thứ tộc, mọi người có ý coi thường, ông liền từ chức về quê. Năm Long An 隆安 thứ 4 đời An Đế (400), Đào Tiềm đến Kinh Châu 荆州làm thuộc lại dưới trướng Hoàn Huyền 桓玄. Lúc bấy giờ Hoàn Huyền khống chế cả vùng trung và thượng du Trường giang, đang chực thời cơ soán đoạt chính quyền nhà Đông Tấn. Đào Tiềm đương nhiên không thể làm người tâm phúc cho kẻ có dã tâm. Mùa Đông năm Long An thứ 5, nhân có tang mẹ ông từ chức về quê. Tháng Giêng năm Nguyên Hưng 元兴 thứ nhất (402), Hoàn Huyền cử binh đối kháng với triều đình, đánh vào Kiến Khang 建康, đoạt lấy quân chính đại quyền nhà Đông Tấn. Năm Nguyên Hưng thứ 2, Hoàn Huyền soán đoạt đế vị, đổi tên nước là Sở, giam An Đế ở Tầm Dương. Năm Nguyên Hưng thứ 3 Kiến quan Võ tướng quân, Thái thú Hạ Bì 下邳 là Lưu Dụ 刘裕 liên kết cùng các quan lại như Lưu Nghị 刘毅, Hà Vô Kỵ 何无忌, từ Kinh Khẩu 京口 (nay là Trấn Giang, Giang Tô) khởi binh thảo phạt Hoàn Huyền. Hoàn Huyền bại trận chạy về phía tây. Đào Tiềm rời nhà đến đầu nhập dưới trướng Lưu Dụ, giữ chức Trấn quân tham quân (có thuyết cho rằng sau khi Lưu Dụ công hạ được Kiến Khang, Đào Tiềm mới về với Lưu Dụ). Sau khi Lưu Dụ lấy được Kiến Khang cũng trở nên bạo ngược, Đào Tiềm cảm thấy thất vọng, liền sau đó ông từ chức về ẩn cư. Năm Nghĩa Hy 义熙 thứ nhất (405), ông đến với Thứ sử Giang Châu Lưu Kính Tuyên 刘敬宣 giữ chức Kiến Uy tham quân. Tháng 3 , ông vâng mệnh đến Kiến Khang thay Lưu Kính Tuyên dâng biểu từ chức. Sau khi Lưu Kính Tuyên từ chức, ông cũng từ chức. Mùa Thu năm đó, thúc phụ là Đào Quỳ 陶逵 giới thiệu Đào Tiềm làm huyện lệnh Bành Trạch 彭泽. Làm được 81 ngày, gặp viên Đốc bưu quận Tầm Dương đến, bọn thuộc hạ bảo ông “phải thắt đai ra nghinh tiếp”. Ông than rằng:

Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu hướng hương lý tiểu nhi

我岂能为五斗米折腰向乡里小儿

(Ta há vì năm đấu gạo mà khom lưng trước bọn quan lại trong làng)

bèn trả ấn từ quan.

          Cuộc đời 13 năm làm quan của Đào Tiềm từ đầu đến lúc từ bỏ chức huyện lệnh Bành Trạch là kết thúc. Trong 13 năm này, vì hoài bão lý tưởng “đại tế thương sinh”, ông không ngừng thử nghiệm để rồi không ngừng thất vọng và cuối cùng tuyệt vọng. Bài Quy khứ lai hề từ 归去来兮辞của ông đã biểu thị sự đoạn tuyệt với giai cấp thống trị thượng tầng, biểu thị quyết tâm không chịu chung dòng ô trọc với thế tục.

          Đào Tiềm rất yêu thích hoa cúc, chung quanh nhà ông trồng đầy hoa cúc. Ông cũng thích uống rượu, hễ uống là uống tới say. Năm Nghĩa Hy thứ 4, nhà bị cháy, ông dời đến Lật Lý 栗里 (nay là Đào thôn, huyện Tinh Tử - 星子), cuộc sống tương đối vất vả.

          Về già cuộc sống càng khốn khó hơn, nhiều lúc bạn bè chủ động trợ giúp. Năm 427, Đào Tiềm qua đời (về năm sinh của Đào Tiềm còn đang khảo chứng), có tên thuỵ là Tĩnh Tiết 靖节. Ông được an táng dưới chân Nam sơn, hiện nay là nơi tiếp giáp giữa hai huyện Cửu Giang 九江 và Tinh Tử 星子 đối diện với Dương sơn.

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/126079.htm

          Đông li 东篱: tức giậu đông, hàng rào phía đông.

Đào Tiềm 陶潜sau khi từ quan về ẩn cư nơi Lư Sơn 庐山 đã trồng cúc làm thơ để tự vui. Trong bài Ẩm tửu 饮酒của ông có câu:

Thái cúc đông ly hạ,

Du nhiên kiến Nam sơn

采菊东篱下

悠然见南山

(Hái cúc bên giậu đông

An nhàn ngắm núi Nam)

          Cả hai câu 635 và 636 ý nói 10 năm bận việc quan, không được nhàn tản ngắm nhìn núi Nam, hái cúc bên giậu đông như Đào Tiềm.

Mười năm theo việc vương kì

Sân Đào mấy lớp đông li bỏ rèm

(Nhị độ mai 635 - 636)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 03/4/2023

 

Previous Post Next Post