Dịch thuật: Hoắc Quang (Tể tướng Trung Quốc)

 

HOẮC QUANG

Hoắc Quang 霍光 (? – năm 68 trước công nguyên), tự Tử Mạnh 子孟, đại thần chấp chính thời Chiêu Đế 昭帝, Tuyên Đế 宣帝triều Tây Hán, vị cao quyền trọng hơn Tề tướng.

Bệnh mất, táng tại Mậu Lăng 茂陵 (nay phía đông bắc cách huyện Hưng Bình 兴平  tỉnh Thiểm Tây 陕西17 dặm)

          Hoắc Quang 霍光 người Bình Dương 平阳 Hà Đông 河东 (nay là phía tây nam thành phố Lâm Phần 临汾tỉnh Sơn Tây 山西), em cùng cha khác mẹ với danh tướng Hoắc Khứ Bệnh 霍去病triều Tây Hán. Năm 10 tuổi, ông được Hoắc Khứ Bệnh dẫn đến Trường An 长安, đồng thời tiến cử làm chức Lang , chẳng bao lâu, được chuyển làm Chư tào Thị trung 诸曹侍中, hầu cận Vũ Đế 武帝. Hoắc Quang ra vào cung cấm hơn 20 năm, trong lòng luôn cẩn thận, chưa từng để xảy ra sai sót, rất được Vũ Đế tín nhiệm.

          Năm 87 trước công nguyên, Vũ Đế 武帝trước khi qua đời, đã nhậm mệnh Hoắc Quang làm Đại tư mã Đại tướng quân, trao quyền cho ông “hành Chu Công chi sự” 行周公之事, cùng với Xa kị tướng quân Kim Nhật Đê 金日磾, Tả tướng quân Thượng Quan Kiệt 上官桀, Ngự sử đại phu Tang Hoằng Dương 桑弘羊làm cố mệnh đại thần, cùng lập và phò tá thái tử. Vũ Đế qua đời, nhóm Hoắc Quang theo di chiếu lập Chiêu Đế 昭帝chỉ mới 8 tuổi lên ngôi, chính sự lớn nhỏ đều do Hoắc Quang quyết định, ông được phong làm Bác Lục Hầu 博陆侯. Từ đó, Hoắc Quang ở vào địa vị như Chu Công 周公, nắm giữ chính sự 20 năm, quyền lớn hơn Thừa tướng 丞相.

          Hoắc Quang dáng người không cao, da trắng, có chòm râu đẹp, tình tình trầm tĩnh, kĩ lưỡng. Con đường mà Hoắc Quang mỗi lần lên triều không hề sai trật tí nào, đủ thấy ông xử thế đoan chính. Có một lần, trong hoàng cung xuất hiện hiện tượng dị thường, quần thần cả đêm kinh hoảng, Hoắc Quang lập tức cho triệu đến Phù tỉ lang 符玺郎 – người giữ đại ấn của hoàng đế, yêu cầu đem tỉ ấn giao ra để đề phòng biến cố. Phù tỉ lang không chịu giao, Hoắc Quang sốt ruột muốn đoạt lấy tỉ ấn. Phù tỉ lang chống kiếm thét lớn:

          - Đầu tôi có thể lấy chứ tỉ ấn nhất quyết không giao.

          Hoắc Quang đành thôi. Ngày hôm sau, Hoắc Quang bình tĩnh lại, mới rõ đó là Phù tỉ lang nghiêm túc tuân theo chế độ, trung thành với chức vụ, lập tức hạ lệnh biểu dương Phù tỉ lang đồng thời ban thưởng. Sự việc đó truyền đi, quan viên triều đình không ai là không khen ngợi Hoắc Quang làm việc hợp lí, ngày càng kính trọng ông, không ít bách tính cũng muốn thấy được phong thái của ông.

          Thời kì Hoắc Quang chấp chính, hạ lệnh thiên hạ tiến cử kẻ sĩ hiền lương văn học, còn nghe theo kiến nghị của Gián đại phu Đỗ Diên Niên 杜延年, bắt chước theo Văn Đế 文帝, đề xướng tiết kiệm, dụng chính khoan hoà. Năm 81 trước công nguyên, Hoắc Quang lấy danh nghĩa Chiêu Đế 昭帝, lệnh cho Thừa tướng Điền Thiên Thu 田千秋, Ngự sử đại phu Tang Hoằng Dương 桑弘羊, triệu tập kẻ sĩ hiền lương văn học mà các quận quốc tiến cử hơn 60 người, hỏi về nỗi thống khổ của dân gian. Họ đều dâng lời xin bãi bỏ chế độ quan doanh về muối, thiết, rượu. Tang Hoằng Dương còn biện luận với họ. Lần hội nghị này, sử gọi là “Diêm thiết hội nghị” 盐铁会议. Sau do Hoàn Khoan 桓宽có tham gia hội nghị theo đó ghi chép lại, chỉnh lí thành bộ “Diêm thiết luận” 盐铁论nổi tiếng. Hoắc Quang căn cứ vào ý kiến của kẻ sĩ hiền lương văn học, hạ lệnh giảm bớt tào lương 漕粮 (1) 300 vạn thạch. Ông còn điều binh khiển tướng đánh lui Hung nô, quý tộc Ô Hoàn 乌桓 quấy nhiễu biên cảnh phía bắc, bảo vệ biên cương nhà Tây Hán. …

                                                                          (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Tào lương 漕粮: Tức vận chuyển thuế lương theo kênh đào hoặc đường biển từ vùng đông nam đưa đến kinh sư. Tào lương bắt đầu từ thời Tây Hán, thịnh hành vào thời Đường Tống.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 07/4/2023

Nguyên tác Trung văn

HOẮC QUANG

霍光

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post