Dịch thuật: Quấy hôi đặt miệng bày trò Trào Châu (324) (Nhị độ mai)

 

QUẤY HÔI ĐẶT MIỆNG BÀY TRÒ TRÀO CHÂU (324)

          Trào Châu: Trào Châu tức Triều Châu 潮州, nơi Hàn Dũ 韩愈bị biếm.

          Hàn Dũ 韩愈 (768 – 824): Tự Thoái Chi 退之, người Hà Dương 河阳 Nam 河南 (nay là Mạnh Châu 孟州 Nam 河南) thời Đường, tự xưng “Quận Vọng Xương Lê” 郡望昌黎, người đời gọi ông là “Hàn Xương Lê” 韩昌黎, “Xương Lê tiên sinh” 昌黎先生. Hàn Dũ là văn học gia, tư tưởng gia, triết học gia, chính trị gia, giáo dục gia, đậu Tiến sĩ năm Trinh Nguyên 贞元 thứ 8 (năm 792).

          Hàn Dũ bị bệnh và mất năm Trường Khánh 长庆thứ 4 (năm 824), hưởng niên 57 tuổi, được truy tặng là Lễ bộ Thượng thư 礼部尚书, thuỵ hiệu “Văn” , cho nên cũng được gọi là “Hàn Văn Công” 韩文公. Năm Nguyên Phong 元封 nguyên niên (năm 1078) được truy phong là Xương Lê Bá 昌黎伯, tùng tự Khổng miếu. Hàn Dũ được người đời sau tôn đứng đầu trong “Đường Tống bát đại gia”.

          Thời kì làm quan, Hàn Dũ bị biếm đến Triều Châu 潮州nhân vì ông đã dâng bài biểu can ngăn Đường Hiến Tông 唐宪宗rước Phật cốt.

          Tháng Giêng năm Nguyên Hoà 元和thứ 14 (năm 819), Hiến Tống 宪宗phái sứ giả đến Phượng Tường 凤翔 nghinh đón Phật cốt, trong nhất thời tại Trường An 长安nổi lên phong trào tin Phật một cách cuồng nhiệt. Hàn Dũ không nghĩ đến an nguy của bản thân, dũng cảm dâng “Luận Phật cốt biểu” 论佛骨表cực lực khuyên can, cho rằng tin vào Phật cốt là hoang đường, nên đem Phật cốt thiêu huỷ, không thể để người trong thiên hạ bị Phật cốt làm cho mê lầm. Hiến Tông sau khi xem qua đại nộ, định dùng cực hình xử tử Hàn Dũ. Bùi Độ 裴度, Thôi Quần 崔群ra sức can ngăn, nhưng Hiến Tông vẫn giận. Nhất thời nhân tâm chấn kinh, ngay cả hoàng thân quốc thích cũng cho rằng gia tội Hàn Dũ quá nặng nên đã nói giúp. Hiến Tông biếm ông đến Triều Châu làm Thứ sử.

          Hàn Dũ sau khi đến Triều Châu đã dâng biểu biện bạch, tạ ơn:

          Thần dĩ cuồng vọng tráng ngu, bất thức lễ độ, trần Phật cốt sự, ngôn thiệp bất cung, chính danh định tội, vạn tử mạc tắc. Bệ hạ ai thần ngu trung, thứ thần cuồng trực, vị ngôn tuy khả tội, tâm diệc vô tha, đặc khuất hình chương, dĩ thần vi Triều Châu Thứ sử. Kí miễn hình tru, hựu hoạch lộc thực, thánh ân khoan đại, thiên địa mạc lượng, phá não khô tâm, khởi túc vi tạ!

          臣以狂妄戆愚, 不识礼度, 陈佛骨事, 言涉不恭, 正名定罪, 万死莫塞. 陛下哀臣愚忠, 恕臣狂直, 谓言虽可罪, 心亦无它, 特屈刑章, 以臣为潮州刺史. 既免刑诛, 又获禄食, 圣恩宽大, 天地莫量, 破脑刳心, 岂足为谢!

          (Thần vì cuồng vọng ngu muội, không biết lễ độ, trình bày việc Phật cốt, có lời không cung kính, chính danh mà định tội, thì vạn lần chết cũng chưa đáng. Bệ hạ thương xót thần ngu trung, tha thứ cho thần tội ngông cuồng, tuy bệ hạ nói là có tội nhưng trong lòng bệ hạ lại không, ưu ái thần miễn hình pháp, cho thần làm Thứ sử Triều Châu. Vừa tránh được cái chết, lại có được bổng lộc, thánh ân to lớn, như trời đất khó lường, thần dù có phơi gan nhỏ máu há đủ để đáp đến!)

Hiến Tông xem qua nói với Tể tướng:

- Hôm qua nhận được biểu của Hàn Dũ dâng lên sau khi đến Triều Châu. Sở dĩ Hàn Dũ ngăn cản việc nghinh đón Phật cốt là vì ông ta yêu quý trẫm, lẽ nào trẫm lại không biết? Nhưng Hàn Dũ thân làm nhân thần, không nên nói chủ nhân phụng Phật sẽ đi đến chỗ đoản thọ. Trẫm nhân đó mà ghét ông ta quá khinh suất.

Hiến Tông có ý trọng dụng lại nên mới nói việc đó để thăm dò thái độ của Tể tướng. Nhưng Đồng bình chương sự Hoàng Phủ Bác 皇甫鎛ghét Hàn Dũ, sợ Hàn Dũ được khởi dụng lại, nên đã tranh nói trước rằng:

- Hàn Dũ chung quy quá cuồng phóng cẩu thả, tạm thời nên điều đến một quận khác.”

Gặp lúc đại xá, Hiến Tông điều Hàn Dũ làm Thứ sử ở Viên Châu 袁州 (nay là Nghi Xuân 宜春Giang Tây 江西).

Sau khi Đường Mục Tông lên ngôi, phụng chỉ hồi kinh, trải nhậm qua các chức Quốc tử giám Tế tửu, Binh bộ Thị lang, Lại bộ Thị lang, Kinh triệu doãn kiêm Ngự sử đại phu.

https://baike.baidu.com/item/%E9%9F%A9%E6%84%88/127407

https://zh.wikipedia.org/zh-hans/%E9%9F%A9%E6%84%88

          Theo ý riêng, câu 324 ý nói kẻ xấu đặt điều, như Hàn Dũ đã bị biếm đến Triều Châu, mà còn bị Hoàng Phủ Bác nói gièm với Đường Hiến Tông.

Như bây giờ việc nên lo

Quấy hôi đặt miệng bày trò Trào Châu

(Nhị độ mai 323 - 324)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 06/3/2023

Previous Post Next Post