Dịch thuật: Lọ tìm Vũ kiếm lọ khen Lan đình (612) (Nhị độ mai)

 

LỌ TÌM VŨ KIẾM LỌ KHEN LAN ĐÌNH (612)

          Vũ kiếm 舞剑: Điển xuất từ Trương Húc 张旭và Công Tôn Đại Nương 公孙大娘.

Trương Húc 张旭 (685? – 759?): tự Bá Cao 伯高, một tự khác là Quý Minh 季明, người huyện Ngô Tô Châu 苏州. Ông là thư pháp gia nổi tiếng thời Đường, sở trường về thảo thư, thích uống rượu, người đời gọi ông là “Trương điên” 张颠, cùng với Hoài Tố 怀素 được gọi là “điên Trương tuý Tố” 颠张醉素.

Về phương diện thư pháp, Trương Húc chăm chỉ quan sát sự vật, giỏi đem vật tượng tự nhiên khách quan kết hợp với tình cảm chủ quan của con người, vừa kế thừa truyền thống, lại mạnh dạn sáng tạo cái mới.

Công Tôn Đại Nương 公孙大娘: người thời thịnh Đường, quê quán và thân thế đều không rõ, nổi tiếng về múa kiếm. Bà biểu diễn múa kiếm trong dân gian, người xem vô cùng đông, được mời đến cung đình biểu diễn, không ai sánh lại. Trên cơ sở kế thừa kiếm vũ truyền thống, Công Tôn Đại Nương đã sáng tạo ra nhiều “kiếm khí vũ” 剑器舞, như “Tây Hà kiếm khí” 西河剑器, “Kiếm khí hồn thoát” 剑器浑脱… Sau loạn An Sử 安史, học trò của bà là Lí Thập Nhị Nương 李十二娘vẫn biểu diễn múa kiếm tại vùng Tứ Xuyên 四川.

Tương truyền, Trương Húc quan sát Công Tôn Đại Nương múa kiếm mà ngộ được thần vận của thảo thư. Đỗ Phủ 杜甫trong bài Quan Công Tôn Đại Nương đệ tử vũ kiếm khí hành tịnh tự 观公孙大娘弟子舞剑器行并序 có viết:

Tích giả Ngô nhân Trương Húc, thiện thảo thư thiếp, sổ thường vu Nghiệp huyện kiến Công Tôn Đại Nương vũ Tây Hà kiếm khí, tự thử thảo thư trường tiến, hào đãng cảm kích, tức Công Tôn khả tri hĩ.

昔者吴人张旭善草书帖数常于邺县见公孙大娘舞西河剑器自此草书长进豪荡感激即公孙可知矣.

(Xưa Trương Húc người đất Ngô giỏi về thảo thư tự thiếp, tại quận Nghiệp thường xem Công Tôn Đại Nương múa “Tây Hà kiếm khí”, từ đó thư pháp thảo thư của ông tiến bộ rất nhiều, hào phóng kích dương, nhân đó có thể biết kĩ thuật múa kiếm của Công Tôn Đại Nương vô cùng cao siêu)

https://www.ximalaya.com/ask/q2726050?source=m_jump

Lan Đình: tức “Lan Đình thiếp” 兰亭帖 / 蘭亭帖, cũng gọi là “Hễ thiếp” 禊帖, “Lan Đình tập tự thiếp” 兰亭集序帖. Đây là bức thư pháp theo thể hành rất nổi tiếng của Vương Hi Chi 王羲之, chép bài tựa viết cho “Lan Đình tập” 蘭亭集. Đời sau người ta lấy bức này làm mẫu bắt chước theo, nên gọi thủ bút của Vương Hi Chi là “Lan Đình thiếp”.

          Ngày 3 tháng 3 năm Vĩnh Hoà 永和 thứ 9 đời Mục Đế 穆帝 triều Tây Tấn (năm 353), Vương Hi Chi王羲之 cùng với Tạ An 謝安, Tạ Xước 谢绰, 41 vị quân chính cao quan, trong buổi “Tu Hễ” 修禊tổ chức ở Lan Đình 兰亭 tại Sơn Âm 山阴 Cối Kê 会稽, mỗi người chia nhau ngồi hai bên bờ nước, mượn dòng nước uốn khúc, thả cho chén rượu trôi, chén rượu trôi đến trước mặt ai, người đó phải làm thơ, bày tỏ hoài bão của mình, họ vừa uống rượu vừa làm thơ. Hôm đó chỉ có 26 người làm thơ, gom lại thành “Lan Đình tập” ” 兰亭集,  cử Vương Hi Chi viết bài tựa, tức “Lan Đình tập tự”兰亭集序. Bài tự ghi lại cảnh trí tươi đẹp chung quanh và niềm hoan lạc tụ hội, bộc lộ cảm khái của tác giả đối với sự sinh tử vô thường.

https://baike.baidu.com/item/%E5%85%B0%E4%BA%AD%E9%9B%86%E5%BA%8F/199614?fromtitle=%E5%85%B0%E4%BA%AD%E5%BA%8F&fromid=2058

https://baike.baidu.com/item/%E5%85%B0%E4%BA%AD%E4%BF%AE%E7%A6%8A/2572860

Sư rằng: Này bút thiên nhiên

Lọ tìm Vũ kiếm lọ khen Lan đình

(Nhị độ mai 611 - 612)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 29/3/2023

Previous Post Next Post