Dịch thuật: Vì sao trong lịch sử danh khí của Bá Di Thúc Tề rất lớn (kì 2)

 

VÌ SAO TRONG LỊCH SỬ

DANH KHÍ CỦA BÁ DI THÚC TỀ RẤT LỚN

(kì 2)

          Đầu tiên, Nhiễm Hữu hỏi Tử Cống: “Thầy ta rốt cuộc có giúp quốc quân nước Vệ không?” Tử Cống không dám tuỳ tiện suy đoán Khổng Tử, bèn nói: “ Vâng. Để tôi đi hỏi thầy về việc đó thử xem sao.” Nhưng Tử Cống là một trong những học trò đắc ý nhất của Khổng Tử, đã không trực tiếp hỏi thái độ chính trị của Khổng Tử, để tránh nảy sinh sự phiền phức chính trị không nên có. Thế là Tử Cống dùng phương pháp gián tiếp để hỏi. Tử Cống đến chỗ Khổng Tử, hỏi rằng: “Thưa thầy, Thầy cảm thấy Bá Di và Thúc Tề hai người đó như thé nào?” Khổng Tử đáp rằng: “Hai người đều là người hiền của đời xưa đấy.” Sau đó, Tử Cống hỏi tiếp: “Thế thì hai người đó có oán hận gì không?” Oán hận ở đây là chỉ: Bá Di oán hận phụ thân không truyền ngôi vị cho ông ta mà lại truyền cho người con thứ ba là Thúc Tề. Thúc Tề oán hận Bá Di không tiếp nhận việc ông ta nhường ngôi vị. Câu trả lời của Khổng Tử rất kinh điển: “Cầu nhân đắc nhân, hựu hà oán?’ 求仁得仁, 又何怨 Bá Di và Thúc Tề đều cầu mong điều nhân mà được điều nhân, đều làm được sự việc mà mình muốn làm, lẽ nào lại có oán hận?

          Nghe qua những lời luận đoán của Khổng Phu Tử, Tử Cống về nói lại với Nhiễm Hữu rằng: “Thầy ta không giúp Vệ Xuất Công Triếp đâu.” Đạo lí ở đây rất đơn giản, điều mà Khổng Tử tôn sùng là tình nghĩa nhường nước cho nhau của hai anh em Bá Di Thúc Tề. Phong độ khí khái của người có lòng nhân “trọng nhân luân, khinh quyền lợi” 重人伦, 轻权利, làm sao mà đi giúp con chống lại cha?

2- Khấu mã nhi gián 叩马而谏  (ghìm cương ngựa mà can gián)

          Câu chuyện thứ hai trong tiểu truyện nói về việc hai anh em Bá Di và Thúc Tề sau khi bỏ trốn, người con thứ hai kế thừa ngôi vị quốc quân của nước Cô Trúc. Lúc này Bá Di và Thúc Tề trên đường bỏ trốn đã gặp nhau, nghe nói Chu Văn Vương 周文王ở Kì Sơn 岐山vô cùng hiền minh, có thể làm cho người già ở nước Chu có được sự chiếu cố đầy đủ. Thế là hai anh em quyết định đầu bôn Chu Văn Vương, không may lúc bầy giờ Chu Văn Vương đã qua đời, Chu Vũ Vương 周武王kế vị, đang trên đường phát binh thảo phạt Thương Trụ 商纣. Lúc này Bá Di Thúc Tề hai người mạnh dạn cản ngựa của Chu Vũ Vương, liều chết dâng lời can gián:

Phụ tử bất táng, viên cập can qua, khả vị hiếu hồ? Dĩ thần thí quân, khả vị nhân hồ?

父死不葬, 爰及干戈, 可谓孝乎? 以臣弑君, 可谓仁乎?

(Phụ thân qua đời không chịu lo mai táng, mà lại động can qua, có thể gọi là hiếu được chăng? Thân là bề tôi mà lại thí quân, có thể gọi là nhân được chăng?)

Phụ thân qua đời, không lo an tang mà vội hưng binh thảo phạt, việc đó có thể gọi là hiếu được chẳng? Với thân phận bề tôi lại đi thảo phạt sát hại vị quân chủ, có thể gọi là nhân được chăng? Vừa nghe qua, người bên cạnh Chu Vũ Vương nghiến răng muốn giết chết Bá Di Thúc Tề. Lúc bấy giờ Khương Tử Nha 姜子牙 cất lời:

- Họ là nghĩa sĩ.

Sau đó đỡ hai người đứng dậy thả cho đi.

          Đối với câu chuyện Bá Di Thúc Tề “khấu mã nhi gián”, ở thiên Công Dã Tràng 公冶長 trong Luận ngữ có một câu rất đơn giản:

          Tử viết: ‘Bá Di Thúc Tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi.

子曰: ‘伯夷叔齐不念旧恶, 怨是用希

(Khổng Tử nói rằng: ‘Bá Di và Thúc Tề không nhớ tới những những điều xấu của người ta, nên ít có những lời oán hận’)

Câu này rất dễ lí giải. Khổng Tử nói rằng: Bá Di và Thúc Tề hai người không bao giờ ghi nhớ những oán hận trước đây của người khác, do đó mà oán hận vô cùng ít. Cũng là do bởi Bá Di Thúc Tề không bao giờ ghi nhớ những oán hận trước đây của người khác, không bao giờ nhớ đến tội trạng to lớn trước đây  của Thương Trụ, cho nên mới cho rằng Chu Vũ Vương phạt Trụ là kẻ dưới phạm thượng, là việc không nhân đạo. Còn liên quan đến sự việc bề tôi thí quân, Mạnh Tử 孟子có lưu lại một luận đoán kinh điển. Trong Mạnh Tử - Lương Huệ Vương hạ 孟子 - 梁惠王下có đoạn:

          Tề Tuyên Vương vấn viết: ‘Thang phóng Kiệt, Vũ Vương phạt Trụ, hữu chư?’ Mạnh Tử đối viết: ‘Vu truyện hữu chi.’ Viết: ‘Thần thí kì quân, khả hồ?’ Viết: ‘Tặc nhân giả vị chi tặc, tặc nghĩa giả vị chi tàn, tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân dã.’

          齐宣王问曰: ‘汤放桀, 武王伐纣, 有诸?’ 孟子对曰: ‘于传有之.’ : ‘臣弑其君, 可乎?’ : ‘贼仁者谓之贼, 贼义者谓之残, 残贼之人谓之一夫. 闻诛一夫纣矣未, 闻弑君也.

          (Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử: ‘Thương Thang đày Hạ Kiệt, Chu Vũ Vương thảo phạt Thương Trụ Vương, có chuyện đó không?’ Mạnh Tử đáp rằng: ‘Trong sử sách có ghi chép chuyện đó.’ Tề Tuyên Vương lại hỏi tiếp: ‘Thế thì phạm thượng tác loạn, bề tôi mà thí quân, như vậy có được không?’ Mạnh Tử đáp rằng: ‘Kẻ nào làm hại điều nhân thì gọi là tặc, kẻ nào làm hại điều nghĩa thì gọi là tàn. Loại người tàn tặc đáng gọi là “nhất phu” , gọi là “độc phu dân tặc” (1). Thần chỉ nghe nói bề tôi giết chết tên độc phu dân tặc Thương Trụ Vương, chứ trước giờ chưa nghe nói thí quân.)

          Đối với định nghĩa lấy thân phận bề tôi mà thí quân, Mạnh Tử nói rất rõ ràng. Chỉ cần vị quân chủ là người làm hại nhân nghĩa, thì đó chính là độc phu dân tặc, những người quân tử đều có thể giết người đó, đó không thể gọi là “thí quân”. ….. (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Độc phu dân tặc 独夫民贼:

          Độc phu 独夫: Trong Thượng thư – Thái thệ hạ 尚书 - 泰誓下 có câu:

Cổ nhân hữu ngôn viết: ‘Phủ ngã tắc Hậu, ngược ngã tắc cừu. Độc phu thụ hồng duy tác uy, nãi nhữ thế cừu.

古人有言曰: ‘抚我则后, 虐我则仇. 独夫受洪维作威, 乃汝世仇.’

(Cổ nhân có nói: ‘Người nào vỗ về yêu quý ta thì đó là vị quân chủ của ta, kẻ nào bạo ngược với ta thì đó là cừu thù của ta. Kẻ cô độc Thương Trụ kia ra oai làm những việc bạo ngược, là cừu thù truyền đời của các ngươi)

Dân tặc 民贼: Trong Mạnh Tử - Cáo Tử hạ 孟子 - 告子下có câu:

          Mạnh Tử viết: ‘Kim chi sự quân giả giai viết: Ngã năng vị quân tịch thổ địa, sung phủ khố. Kim chi sở vị lương thần, cổ chi sở vị dân tặc dã.’

          孟子曰: ‘今之事君者皆曰: 我能为君辟土地, 充府库. 今之所谓良臣, 古之所谓民贼也.

          (Mạnh Tử nói rằng: Như nay những kẻ phụng sự quốc quân đều nói: Thần có thể mở rộng đất đai, làm đầy kho lẫm. Ngày nay gọi là họ là bề tôi giỏi, nhưng ngày xưa gọi họ là kẻ tàn hại bách tính)

          (Mở rộng đất đai, làm đầy kho lẫm tức làm cho nước giàu binh mạnh, nhưng cách làm là tuỳ tiện sử dụng vũ lực, không ngừng phát động chiến tranh xâm lược. Mấu chốt của việc trị lí đất nước ở chỗ hướng vị quốc quân theo đạo lí, chí ở chỗ nhân nghĩa. Nếu làm không được điều này, mà chỉ biết mở rộng đất đai lấp đầy kho lẫm thì cũng giống như giúp cho Kiệt Trụ, thực tế chính là “dân tặc”, Mạnh Tử phản đối, nên mới nói như thế).

          Người đời sau căn cứ vào đó tạo nên thành ngữ “độc phu dân tặc” 独夫民贼 để chỉ kẻ thống trị bạo ngược, tàn ác với dân…..

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 25/02/2023

Nguồn

https://new.qq.com/rain/a/20191011A0QYWZ00

Previous Post Next Post