Dịch thuật: Vì sao trong lịch sử danh khí của Bá Di Thúc Tề rất lớn

 

VÌ SAO TRONG LỊCH SỬ

DANH KHÍ CỦA BÁ DI THÚC TỀ RẤT LỚN

(kì 1)

          Trong Luận ngữ 论语, Bá Di 伯夷Thúc Tề 叔齐từ sau khi được Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử 至圣先师孔子 khen là “cổ chi hiền nhân” 古之贤人, cả hai:

Tương hỗ nhượng quốc, khấu mã nhi gián, nghĩa bất thực Chu túc.

相互让国, 叩马而谏, 义不食周粟

(Nhường nước cho nhau, ghìm cương ngựa mà can gián, vì nghĩa mà không ăn thóc nhà Chu)

mĩ danh của họ tại các triều đại sau này không ngừng được đẩy lên cao, Trong Sử kí 史记, cũng xếp Bá Di Thúc Tề đứng đầu trong 70 liệt truyện. Nhưng, nhìn từ “Sử kí – Bá Di liệt truyện” 史记 - 伯夷列传, càng ngưng tụ thêm mức độ sâu sắc đối với sự suy nghĩ của Tư Mã Thiên.

1- Tương hỗ nhượng quốc 相互让国 (nhường nước cho nhau)

          Trong Sử kí – Bá Di liệt truyện史记 - 伯夷列传, Tư Mã Thiên 司马迁đã sưu tập rộng rãi điểm mạnh của các nhà. đem sự tích của Bá Di cô đọng lại thành tiểu truyện chỉ vẻn vẹn hơn 200 chữ:

          Bá Di, Thúc Tề hai người con của vua nước Cô Trúc. Phụ thân muốn lập Thúc Tề. Sau khi phụ thân mất, Thúc Tề nhường ngôi cho Bá Di. Bá Di nói rằng: “Đó là di mệnh của phụ thân”, bèn bỏ trốn. Thúc Tề không chịu lên ngôi, cũng bỏ trốn. Người trong nước lập người con giữa. Thế là Bá Di Thúc Tề nghe Tây Bá Xương giỏi chăm sóc người già, bèn đến quy phụ. Khi đến nơi, Tây Bá Xương đã mất. Vũ Vương bưng thần chủ, tôn hiệu là Văn Vương, đi về phía đông phạt Trụ. Bá Di Thúc Tề ghìm cương ngựa can rằng:

Phụ tử bất táng, viên cập can qua, khả vị hiếu hồ? Dĩ thần thí quân, khả vị nhân hồ?

父死不葬, 爰及干戈, 可谓孝乎? 以臣弑君, 可谓仁乎?

(Phụ thân qua đời không chịu lo mai táng, mà lại động can qua, có thể gọi là hiếu được chăng? Thân là bề tôi mà lại thí quân, có thể gọi là nhân được chăng?)

Lúc bấy giờ, thủ hạ của Vũ Vương muốn giết Bá Di Thúc Tề, nhưng Khương Thái Công 姜太公ngăn lại nói rằng:

- Họ là nghĩa sĩ.

Rồi đỡ đứng dậy thả cho đi.

Vũ Vương dẹp được loạn nhà Ân, thiên hạ về với nhà Chu, Bá Di, Thúc Tề cảm thấy xấu hổ không ăn thóc nhà Chu, ở ẩn tại núi Thú Dương 首阳, hái rau vi mà ăn. Lúc sắp chết đói, làm bài ca, bài ca có lời rằng:

Đăng bỉ tây sơn hề, thái kì vi hĩ.

Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kì phi hĩ.

Thần Nông, Ngu, Hạ hốt yên một hề, ngã an thích quy hĩ?

Hu ta tồ hề, mệnh chi suy hĩ.

登彼西山兮采其薇矣.

以暴易暴兮不知其非矣.

神农虞夏忽焉没兮我安适归矣?

 嗟徂兮命之衰矣.

Lên núi tây kia, hái rau vi

Lấy bạo ngược thay bạo ngược, không biết rằng đó là sai.

Thần Nông, Ngu, Hạ bỗng chốc đã đi mất, ta đi về đâu?

Than ôi chắc đi xuống suối vàng, mệnh đã suy rồi.

rồi chết đói ở núi Thú Dương.

          Nội dung tiểu truyện này cũng rất đơn giản, chủ yếu do ba câu chuyện cấu thành. Câu chuyện đầu tiên kể rằng:

          Bá Di và Thúc Tề vốn là hai người con của quốc quân nước Cô Trúc 孤竹, một nước nhỏ phụ thuộc Ân Thương, người con lớn tên Bá Di, người con thứ ba tên là Thúc Tề. Lúc quốc quân Cô Trúc định người kế thừa, theo truyền thống đương thời phải lập người con lớn Bá Di làm trừ quân, nhưng quốc quân Cô Trúc lại rất yêu thương người con thứ ba Thúc Tề, do đó Thúc Tề mặc nhiên trở thành người kế thừa. Sau khi quốc quân Cô Trúc qua đời, Thúc Tề lại nhường ngôi cho Bá Di, Bá Di không nhận, nói rằng:

- Em kế thừa vương vị là ý của phụ thân.

rồi bỏ trốn. Sau khi Bá Di bỏ trốn, Thúc Tề cảm thấy vương vị vốn là của Bá Di, cho nên cũng bỏ trốn.

          Đối với câu chuyện anh em “tương hỗ nhượng quốc” 相互让国 (nhường nước cho nhau), Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử đã đánh giá họ cực cao. Ở thiên Thuật nhi 述而 trong Luận ngữ 论语, có lưu lại một chương như sau:

          Nhiễm Hữu vấn: “Phu Tử vị Vệ quân hồ?” Tử Cống viết: “Nặc. Ngô tương vấn chi.” Nhập, viết: “Bá Di, Thúc Tề hà nhân dã?” Viết: “Cổ chi hiền nhân dã.” Viết: “Oán hồ?” Viết: “Cầu nhân nhi đắc nhân, hựu hà oán? Xuất, viết: “Phu Tử bất vị dã.”

          冉有曰: “夫子为卫君乎?” 子贡曰: “. 吾将问之.” , : “伯夷叔齐何人也?” : “古之贤人也.” : “怨乎?” : “求仁得仁, 又何怨?” , : “夫子不为也.”

          (Nhiễm Hữu hỏi Tử Cống: “Thầy ta có giúp quốc quân nước Vệ không?” Tử Cống đáp: “Vâng. Tôi cũng định hỏi thầy về việc đó.” Tử Cống bước vào, hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, Bá Di Thúc Tề là người như thế nào?” Khổng Tử đáp rằng: “Họ là người hiền của thời xưa.” Tử Cống hỏi tiếp: “Họ có oán hận gì không?” Khổng Tử đáp: “Cầu điều nhân mà được điều nhân thì oán hận gì?” Tử Cống ra, nói với Nhiễm Hữu rằng: “Thầy ta không giúp quốc quân nước Vệ đâu.”)

          Trong đoạn văn là hai đệ tử Nhiễm Hữu 冉有và Tử Cống 子贡 (hai người đều trong Thập triết của Khổng môn, Khổng môn có 72 người hiền), triển khai thảo luận. Muốn hiểu đoạn văn này, cần phải hiểu bối cảnh thời đại phát sinh ra đoạn đối thoại này. Đương thời Khổng Tử cùng các đệ tử đều tại nước Vệ. Quốc quân nước Vệ là Vệ Xuất Công Triếp 卫出公辄, cháu của Vệ Linh Công 卫灵公, con của thái tử Khoái Hội 蒯聩. Thái tử Khoái Hội nhân vì sau khi tru sát phu nhân vệ Linh Công là Nam Tử 南子 bị thất bại đã lưu vong ra nước ngoài. Dưới sự giúp đỡ của nước Tấn, ông theo quân đội nước Tấn về tranh đoạt ngôi vị quốc quân nước Vệ. Nói một cách đơn giản, cha đẻ tranh đoạt ngôi vị quốc quân của con, nói rộng ra là rất phức tạp…. (còn tiếp)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 24/02/2023

Nguồn

https://new.qq.com/rain/a/20191011A0QYWZ00

Previous Post Next Post