Dịch thuật: Khốc giá

 

KHỐC GIÁ

          Thời cổ, cô dâu trước khi xuẩt giá mấy ngày phải “khốc giá” 哭嫁, mẹ, chị em, bà con khóc cùng cô dâu, mà khóc càng thương tâm càng tốt, để thể hiện không quên ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Nếu xuất giá mà không khóc, cô dâu sẽ bị hàng xóm cho rằng không được dạy bảo, bị chê cười. Thậm chí một số khu vực xem khốc giá là tiêu chí để đánh giá tài trí đức hạnh của cô gái. Nếu cô dâu lúc xuất giá mà không khóc, sẽ bị cho là kém tài kém đức, bị người ta xem khinh. Có cô dâu khi xuất giá không khóc gặp phải sự chửi mắng đánh đập của mẹ.

Phong tục khốc giá khởi nguồn từ lúc nào? Theo ghi chép trong sách cổ, vào thời Chiến Quốc, công chúa nước Triệu gả đến nước Yên làm vương hậu. Lúc lên đường, mẫu thân của công chúa là Triệu thái hậu “ôm chân khóc, mỗi khi tế tự đều khấn rằng chớ để cho trở về.”

Ở một số khu vực và một số dân tộc, khốc giá rất lưu hành. Truyền thống hôn lễ của người ở vùng Động Đầu 洞头 nơi hải đảo, trừ việc ngồi kiệu hoá, bái đường ra, cô dâu khi xuất giá còn phải khốc giá suốt từ đầu đến cuối. Cô dâu bắt đầu từ lúc chải đầu vấn tóc khóc và hát “khốc giá ca”, cho đến lúc từ biệt người nhà, ngồi lên kiệu, hãy còn khóc và hát. Côn gái người Thổ gia 土家 trước lúc xuất giá phải hát “khốc giá ca”, Nửa tháng đến một tháng trước hôn lễ, bắt đầu khóc và hát.

Hình thức khốc giá có một người khóc, hai người đối khóc, hoặc nhiều người cùng khóc. Nội dung khóc đa phần là cảm tạ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, đồng thời thể hiện tình cảm li biệt với anh và chị dâu, cùng chị em gái.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 12/02/2023

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的 3.000 个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post