Dịch thuật: Cõi người nước Nhược nguồn Đào (259) (Nhị độ mai)

 

CÕI NGƯỜI NƯỚC NHƯỢC NGUỒN ĐÀO (259) 

          Nước Nhược nguồn Đào: Tức “Nhược thuỷ Đào nguyên” 弱水桃源.

          Nhược thuỷ 弱水: Tên sông thời cổ. “Nhược” là yếu, người xưa cho rằng nhân vì sông không chở nổi thuyền nên có tên là “Nhược thuỷ”.

          Nguyên ở thiên Vũ cống 禹贡trong Thượng thư 尚书 có từ “Nhược thuỷ”:

Đạo Nhược thuỷ, chí vu Hợp Lê, dư ba nhập vu lưu sa.

导弱水, 至于合黎, 余波入于流沙

(Khơi sông Nhược đến núi Hợp Lê, nơi hạ du chảy vào sa mạc)

          Và trong Sơn hải kinh 山海经có ghi:

          Côn Luân chi bắc hữu thuỷ, kì lực bất năng thăng giới, cố danh Nhược thuỷ.

          昆仑之北有水, 其力不能胜芥, 故名弱水.

          (Phía bắc Côn Luân có sông, sức của nước không chở nổi cộng cỏ, cho nên có tên là Nhược thuỷ).

          “Giới” ở đây là cọng cỏ, chỉ con thuyền nhỏ, thuyền nhỏ như cộng cỏ mà không thể chở nổi, nên có tên như thế. Về sau phiếm chỉ nơi xa xôi hiểm ác, hoặc nơi sông nước mênh mông.

          Trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, “Nhược thuỷ” cũng chỉ nhưng nơi sông biển hiểm ác khó vượt, như ở Hải nội thập châu kí – Phụng Lân châu 海内十洲记 - 凤麟洲có câu:

          Phụng Lân châu, tại tây hải chi trung ương, địa phương nhất thiên ngũ bách lí, châu tứ diện hữu Nhược thuỷ nhiễu chi, hồng mao bất phù, bất khả việt dã.

          凤麟洲, 在西海之中央, 地方一千五百里, 洲四面有弱水绕之, 鸿毛不浮, 不可越也.

          (Châu Phụng Lân ở giữa tây hải, đất vuông một ngàn năm trăm dặm, bốn phía của châu có sông Nhược bao quanh, cộng lông chim hồng cũng không nổi được, không thể vượt qua)

https://www.baike.com/wikiid/8989950198749866529?prd=attribute&view_id=455zztmv45m000

Trong quá trình truyền bá và phát triển, ý nghĩa “Nhược thuỷ” đã có sự cải biến, thường đi chung với Bồng Lai hoặc Đào nguyên để chỉ nơi tiên ở. Thành ngữ “Bồng Lai Nhược thuỷ” 蓬萊弱水 (non Bồng nước Nhược). Trong văn học Việt Nam cũng thường sử dụng thành ngữ này, như trong bài Hương Sơn nhật trình của Chu Mạnh Trinh có câu:

Bồn bề bát ngát mệnh mông

Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu. 

          Hoặc trong Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái:

          Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, đỉnh gì không đoái đến cõi phù sinh.

          Và trong bài phú của Nguyến Bá Lân:

Nguồn Đào kia cũng nguồn Đào

Nước Nhược nọ cùng nước Nhược

          (Nguyễn Thạch Giang: “Tiếng Việt trong thư tịch cổ” quyển 1, nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2002)

          Theo tư liệu http://www.gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?5416, hai câu trong bài Hương Sơn nhật trình là:

Bầu trời man mác xa trông

Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu

          Và bài Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, theo Thi viện là:

          Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

          Câu này theo Ngân Triều biên khảo là:

Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi làm một kiếp, mà ngơm ngớp chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

Câu “nỡ nào lấy đôi mươi làm một kiếp”, phần chữ Nôm là 𡝖𥙩𨑮𢆥爫沒 có chữ “năm” 𢆥, tức “nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp”.

          Đào nguyên 桃源: Điển xuất từ bài Đào hoa nguyên kí 桃花源記 của Đào Tiềm 陶潛 đời Tấn.

          Khoảng niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, có một người ở Vũ Lăng làm nghề đánh cá. Ngày nọ ông đi thuyền theo dòng nước, bỗng chợt thấy một rừng hoa đào nở rộ ở hai bên bờ. Cảm thấy lạ, ông muốn tìm đến tận cùng. Thấy có một cửa động, bên trong dường như có ánh sáng, ông bèn xuống thuyền đi bộ. Cửa động rất hẹp, chỉ vừa đủ một người vào, đi dược mấy chục bước đột nhiên không gian  rất rộng, đất đai bằng phẳng, nhà cửa chỉnh tề, ruộng đồng tươi tốt. Người ở đây ăn mặc hoàn toàn khác với người đời. Có người cảm thấy lạ bèn mời về nhà bày rượu giết gà làm cơm tiếp đãi. Người trong thôn nghe nói liền kéo đến hỏi thăm. Họ nói tổ tiên của họ vì tránh loạn đời Tần mà đến nơi đây, sống cách tuyệt với thế giới bên ngoài, chẳng biết bên ngoài đã là triều đại nào rồi. Người đánh cá lưu lại mấy ngày, sau đó cáo từ. Ông tìm lại thuyền, thuận theo đường cũ mà quay về, đi qua nơi nào đều làm dấu ghi nhớ. Về đến quận thành, ông báo cáo với quan Thái thú. Quan Thái thú lập tức sai người cùng ông đi tìm những nơi đã làm dấu, nhưng cuối cùng bị lạc, tìm không thấy đường đến nguồn đào.

Cõi người nước Nhược nguồn Đào

Liền mây ngàn dãy bày sao trăm toà

(Nhị độ mai 259 - 260)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 22/02/2023

Previous Post Next Post